221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
881600
TP.HCM: Ẩu đả vì... Internet "chết"!
1
Article
null
TP.HCM: Ẩu đả vì... Internet 'chết'!
,
(VietNamNet) - Sự cố đường dây Internet toàn châu Á bị tê liệt khi đứt đường truyền cáp do trận động đất ở Đài Loan đã trở thành đề tài chính trong nhiều câu chuyện của giới trẻ Sài Gòn những ngày gần đây, từ vỉa hè tới công sở. Không thiếu những câu chuyện dở khóc dở cười do "sự cố chết mạng" gây ra.
 
 
Ảnh hưởng ấn tượng nhất của sự cố Internet tại TP.HCM có lẽ là việc nhóm công nhân chờ cả tiếng không vào được chat Yahoo, bèn đứng dậy không chịu trả tiền. Chủ quán Net quyết đòi tiền bằng được vì cũng không biết có sự cố Internet. Hai bên không ai nhường ai, dẫn tới ẩu đả xô xát vì chuyện không đâu.

Ngơ ngác, bực tức, giận "bồ", rồi ẩu đả vì... rớt mạng 

Những phòng máy vắng khách - điều hiếm thấy ở đường Trần Quang Khải. Ảnh: Thu Hương. 

Các đôi yêu nhau trong thời “công nghệ” giận nhau chỉ vì đứt mạng? Điều tưởng như khó tưởng này lại xảy ra ngay tại một… phòng máy trong hẻm 135 Trần Hưng Đạo, nằm kế KTX ĐH Kinh tế, ĐH KH Tự nhiên.

Chị Như Hoa, chủ một tiệm máy khu ký túc xá than vãn: Hai ba hôm nay đứt mạng, giảm hơn một nửa khách hàng (chủ yếu là sinh viên). Nhiều sinh viên tỏ ra cáu kỉnh, thậm chí chửi thề khi không vào được mạng.

Chị Hoa kể, hôm qua, một sinh viên ĐH Kinh tế, sau gần một tiếng kiên trì vẫn bị rớt mạng, không thể vào được, đã đứng dậy trả tiền với ánh mắt ngân ngấn. Vì là khách quen, dò hỏi thì cô bé chia sẻ với chị: “Bồ em học ở Đà Nẵng, giận em vì không lên mạng như đã hẹn, mà mạng như thế này thì làm sao…”.

Với nhiều người, không chat được thì còn điện thoại nhắn tin, gọi điện thoại liên lạc, với sinh viên và công nhân thì chỉ một phần nhỏ trong họ có điều kiện đó. YM! trở thành phương tiện “tối ưu và duy nhất” trong sự liên lạc với người ở xa của họ.

Nguyễn Thùy Linh (KCX Linh Trung) tới tận khi chúng tôi hỏi về sự cố mạng mới ngơ ngác hỏi lại bằng chất giọng  Nghệ đặc trưng: “Rứa à, có biết mô”. Thuỳ Linh cho biết, suốt ba ngày rồi bạn kiên trì ra mạng hàng chục lần, không nghe chủ quán net hay ai cảnh báo gì, chỉ nghe loáng thoáng chết gì đó, nên cứ tưởng bây giờ cái mạng nó “chết” thật rồi.

Linh tỏ vẻ tiếc nuối: Làm công nhân, cả ngày vào công xưởng, tối về vào ra quanh quẩn nên đời sống giải trí rất nghèo nàn. Từ khi có thói quen ra mạng, vui hơn vì giao tiếp nhiều bạn bè, mà giờ "nó" lại chết thì tiếc lắm.

Sinh viên, thanh niên trí thức còn biết cập nhật thông tin từ báo điện tử nên hiểu nguyên do. Còn với công nhân, họ hoàn toàn mù mịt thông tin do không có thói quen lên mạng đọc tin tức. Chủ quán có khi cũng không biết gì ngoài mở máy, mở game online, YM đáp ứng nhu cầu khách, nên cũng "mù thông tin" luôn, không thể trả lời khi khách hàng công nhân thắc mắc.

Rơi vào hoàn cảnh ấy, anh Nguyễn Văn Tùng (công nhân tiện của Công ty gỗ Alex.) cho biết, “cách đây hai hôm (27/12), tôi cùng mấy người bạn đi “chát”. Vào mạng mãi không được, chủ quán bảo cứ chờ... rồi lại...  chờ."

"Chờ cả tiếng không được, nản quá cả đám công nhân tụi tôi đứng dậy không chịu trả tiền, chủ quán Net thì cứ nhất định đòi tiền, còn hăm doạ đánh. Hai bên chả ai chịu ai, nên xảy ra sự cố xô xát, cũng may không có thương tích gì nặng".

"Phải chi cả hai bên cùng biết có sự cố mạng Internet đó thì đã không xảy ra cảnh ẩu đả", anh Tùng nuối tiếc kể lại.

Chủ quán Net bị... "bẻ cần câu cơm"

Phố Internet dưới những khu KTX trở nên vắng khách lạ thường.
Sau khi xảy ra sự cố chủ khách hàng Net ẩu đả với nhau, trả lời PV VietNamNet, chủ quán cũng cho biết vì công nhân loan tin với nhau, nên họ cũng tránh không vào quán để chat nữa.

Do cũng không hiểu biết nhiều để giải thích lý do và quá ngán ngẩm với tình trạng ế khách, chủ quán Net đóng luôn cửa hàng, báo nghỉ 1 tuần để chờ đường Internet khôi phục sẽ mở cửa lại.

Trong những này, các con phố dày đặc quán Net đông đúc quanh năm của Sài Gòn như Trần Quang Khải, hẻm Trần Hưng Đạo (gần KTX ĐH KH Tự nhiên, Kinh tế), Thăng Long… cũng trở nên lặng lẽ một cách đột ngột.

Thông thường, tầm 17 giờ đến 23 giờ, thậm chí muộn hơn, những tiệm net ở khu vực này không còn trống chỗ. Nhưng hôm nay thì chỗ trống nhiều hơn hẳn. Số khách hàng đến quán phần lớn là học sinh phổ thông đến để "cày" game online.

Chủ quán Internet H.P (trên đường Trần Quang Khải) thở dài: “Cứ như mấy hôm nay chỉ có nước dẹp tiệm sớm! Vì điện máy lạnh, điện máy tính, tiền phòng chắc chắn không thể bù đắp lại được. Hôm nay khách đã vào YM! được, nhưng vì chập chờn nên cũng sớm quay ra. Nhiều khách không hiểu, bỏ qua tiệm khác, hên xui lại vào được. Kéo dài tình trạng này thì tiệm mình mất khách như chơi".

Theo chị Như Hoa, chủ tiệm Net trên hẻm 135 Trần Hưng Đạo, hầu hết khách vào tiệm đều được chị nói rõ “mạng đang có sự cố, khó vào em ạ”. Nếu khách đồng ý, chị hướng dẫn dùng qua Việt fun, Gmail (ít bị “chập” hơn một chút), nhưng phần lớn khách đều không chịu vì ngần ngại. 

Nhiều gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu quán Net để sinh sống, nên sự cố mạng Internet đã ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập và cuộc sống hàng ngày của họ. Chị Như Hoa than thở: "Không biết phải xoay xở thế nào, cứ kéo dài thế này chắc chị dẹp tiệm quá". 

Công việc đảo lộn vì thiếu Net!

Soạn: HA 996599 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Cảnh thường thấy khi truy cập vào các website quốc tế hai ba ngày qua. (Nguồn ảnh: AFP)

“Việc có thể chẳng đến nỗi nghiêm trọng quá, nhưng bàn bên này cứ gọi "hú" qua bàn bên cạnh hỏi thăm tình trạng “anh Messenger”. Ra quán cà phê, thay vì nghe nhạc lại có đề tài sốt dẻo để “buôn”, nhiều chuyện quá nên sự việc mới thành đề tài nóng bỏng" - Thuỳ Linh, bộ phận tuyên truyền của một NXB (đề nghị không nêu tên) cho biết.

Linh cũng kể, “sếp” cô vốn là “công dân mạng” chính gốc khi thường xuyên làm việc bằng laptop ngoài quán cà phê Wi-Fi. Tất cả công việc đều trao đổi qua email và chat. Vì sự cố mạng nên “sếp” mới đành phải đến văn phòng. Thay đổi không gian… tính khí cũng có phần thay đổi theo. Vào ra chật chội nên điều gì không đúng ý là lập tức sếp "nặng lời". Chính vì điều này, mọi người trong văn phòng đều mong mạng “phục hồi” trở lại nhanh chóng để thấy… dễ chịu hơn khi vắng sếp!

L. Hằng, phóng viên một tờ báo mạng điện tử, trong một khoảng thời gian hiếm hoi may mắn vào được YM! đã không ngại để My status là “Hai ngày không gặp, nhớ anh quá!”. Bạn bè nhảy vào “bắt quả tang” nhớ anh nào thì nhận được câu trả lời: “Anh messenger chứ anh nào đây”.

Hằng cho biết, công việc của cô bị đình trệ tới 60% vì YM bị chết. Bởi thông thường đã quen làm việc trao đổi thông tin với bạn bè phóng viên qua mạng, bây giờ phải bốc điện thoại gọi. Chat qua mạng dễ tìm hiểu, phát triển đề tài hơn nhiều vì không có tâm lí vội vàng như sử dụng điện thoại di động (vì sợ tốn tiền).

"Gần 80% công việc hiện tại bị đình trệ và mình buộc lòng phải làm việc offline", Thuỳ Dung, lập trình viên của công ty PSV tại TP.HCM than thở. Thùy Dung chịu trách nhiệm update các website cho khách hàng của PSV ở Anh, Mỹ và truy cập vào các lab của đối tác ở nước ngoài để thực hiện dự án. 

"Tuy nhiên, vẫn còn may vì đây là dịp nghỉ đông của các công ty ở châu Âu và Bắc Mỹ, nên công việc không nhiều. Khách hàng cũng đã biết tình trạng nghẽn mạng Internet nên không có trục trặc lớn nào", Dung nói. 

Với anh Lê Khắc Xuân, kỹ sư phụ trách dự án của công ty Global Labo Saigon software thì sự cố YM tạo nên sự… phấn khích vì “Khoẻ!”, không phải làm việc trong thời gian này.

Chả là, nơi anh Xuân đang công tác là chi nhánh con của một công ty nằm bên Nhật, chuyên cung cấp phần mềm cho thị trường Nhật. Sự cố vừa rồi khiến từ chat, e-mail, Voice IP đều bị ảnh hưởng, mọi liên lạc với công ty mẹ tại Nhật đều không thể thực hiện, nên không nhận được các  chỉ đạo phân công việc.

Tuy vậy, chắc chắn anh Xuân sẽ không thể cứ “khoẻ” mãi nếu tình trạng đường truyền Internet vẫn tiếp tục kéo dài. 

  • Thu Hương 

Quý độc giả có thể phản ánh những sự cố, ảnh hưởng do đường truyền Internet về Toà soạn VietNamNet theo mẫu sau:

      

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,