221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
880316
Bộ BCVT công bố 10 sự kiện BCVT-CNTT 2006
1
Article
null
Bộ BCVT công bố 10 sự kiện BCVT-CNTT 2006
,

(VietNamNet) - Chiều 26/12, Bộ BCVT đã công bố 10 sự kiện Bưu chính viễn thông-Công nghệ thông tin Việt Nam nổi bật trong năm 2006.

Chủ trì cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ BCVT Trần Đức Lai cho biết, cùng với chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho 5 năm 2006-2010, 10 sự kiện tiêu biểu BCVT-CNTT đã đánh dấu những điểm mốc nổi bật trong thành tích chung của ngành, đó là:

Lãnh đạo UBND TP.HCM trao giấy phép điều chỉnh dự án cho đại diện tập đoàn Intel vào tối nay (10/11). Ảnh: Minh Anh.
1. Luật Công nghệ thông tin chính thức được thông qua

Ngày 22/6/2006, Quốc hội đã biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật CNTT. Đạo luật quan trọng này, cùng với Luật Giao dịch điện tử và các nghị định hướng dẫn (Nghị định về chữ ký số và chứng thực điện tử, Nghị định ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, Nghị định về công nghiệp CNTT và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CNTT), các chương trình lớn đã được xây dựng và trình Chính phủ như: Phát triển công nghiệp điện tử, Phát triển công nghiệp phần mềm, Phát triển công nghiệp nội dung số đã tạo nên hành lang pháp lý đồng bộ cho CNTT Việt Nam phát triển.

2. Việt Nam đạt kỷ lục phát triển 10 triệu thuê bao điện thoại/năm

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như VNPT, Viettel, SPT, trong đó có việc tham gia thị trường của 2 mạng di động CDMA là 096 của EVN Telecom và 092 của Hanoi Telecom đã nâng mật độ điện thoại của Việt Nam lên 30,5%, tăng 188% so với năm 2005.

Như vậy, đến hết năm 2006, Việt Nam có 25,5 triệu máy điện thoại, hơn 4 triệu thuê bao Internet và gần 8000 điểm Bưu điện văn hóa xã. Kỷ lục rất đáng ghi nhận trên, cùng với sự tăng trưởng đầy ấn tượng của thị trường dịch vụ Internet băng rộng và việc Bộ BCVT chính thức cho phép đăng ký tên miền cấp 2 .vn (hiện có trên 33.000 tên miền .vn đang hoạt động) đã chứng minh tiềm năng phát triển to lớn của thị trường viễn thông Việt Nam.

3. Công nghệ thông tin được khẳng định tầm quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT và trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Chính phủ lần đầu tiên giữ vị trí này. Ngày 19/11/2006 trong Tuyên bố Hà Nội của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 cũng đã khẳng định tầm quan trọng của CNTT đối với sự phát triển của khu vực.

Năm 2006 cũng ghi dấu ấn với Hội nghị Bộ trưởng CNTT-TT đầu tiên của ASEM được tổ chức tại Hà Nội theo sáng kiến của Việt Nam. Các sự kiện trên đã chứng minh rằng CNTT Việt Nam có nhiều cơ sở, nền tảng và vị thế thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

4. Việt Nam - điểm đầu tư CNTT hấp dẫn và đáng tin cậy

Tập đoàn CNTT khổng lồ Intel đã có một quyết định khiến cả thế giới chú ý: chỉ sau 9 tháng kể từ khi được cấp phép đầu tư đã nâng tổng vốn từ 605 triệu USD lên 1 tỉ USD để xây dựng Nhà máy lắp ráp và kiểm thử chip (ATM) tại Khu công nghệ cao TP. HCM. Sự kiện này, cùng với hình ảnh Bill Gates – Chủ tịch kiêm Kiến trúc sư trưởng Microsoft – đến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 22/4/2006 và các cam kết đầu tư gần 1 tỉ USD của các doanh nghiệp điện tử – công nghệ cao Nhật Bản vào tỉnh Hà Tây và một số tỉnh khác, đã khẳng định: Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và rất đáng tin cậy đối với cộng đồng các nhà đầu tư CNTT-TT nước ngoài.

5. Việt Nam - Quốc gia thứ 3 trên thế giới khai thác dịch vụ truyền hình kỹ thuật số trên điện thoại di động

Ngày 10/11/2006, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) ra mắt dịch vụ truyền hình kỹ thuật số trực tuyến trên điện thoại di động dựa trên công nghệ DVB-H. Trước đó, dịch vụ xem phim và truy nhập Internet trên ĐTDĐ cũng được S-Fone thực hiện theo công nghệ CDMA 2000 1x/EV - DO. 

Ngày 27/10/2006, Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT) cũng đã thử nghiệm công nghệ mới WiMAX tại Lào Cai, đưa VNPT trở thành doanh nghiệp đầu tiên và tiếp sau đó là Viettel và VTC chính thức thử nghiệm công nghệ WiMAX tại Việt Nam. Những sự kiện này cho thấy, Việt Nam luôn đi đầu trong việc triển khai các công nghệ mới và chứng minh xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ trong lĩnh vực CNTT-TT.

6. Bước nhanh vào “sân chơi” WTO

Ngày 8/11/2006, chỉ một ngày sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Chính phủ Việt Nam đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Chuyển phát nhanh DHL-VNPT, công ty liên doanh đầu tiên trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh được cấp phép. 

Tiếp đó, Bộ BCVT cũng đã cấp phép cho FPT Telecom cung cấp dịch vụ điện thoại cố định và SPT được thiết lập mạng, cung cấp dịch vụ viễn thông nội hạt và quốc tế. Hợp đồng sản xuất và phóng vệ tinh VINASAT đã được VNPT ký kết và triển khai góp phần thu hẹp khoảng cách số và nâng cao vị thế của Việt Nam trong hội nhập. Tất cả các hoạt động này khẳng định “độ nhanh nhạy” của ngành BCVT Việt Nam bước nhanh vào “sân chơi” WTO.

7. Hệ thống thông tin hiện đại nhất phục vụ Hội nghị APEC 14

APEC 14 - 2006 là sự kiện quốc tế lớn nhất được Việt Nam đăng cai tổ chức. Để phục vụ hội nghị này, một hệ thống thông tin liên lạc quy mô và hiện đại nhất với 1000 nút mạng, 1000 đường điện thoại, mạng WAN, WiFi và các hệ thống di động đã được VNPT, Viettel, VTC triển khai, đáp ứng nhu cầu đưa tin tức thời của gần 2000 nhà báo trong nước và quốc tế, đảm bảo phát đồng thời 20 đường hình, phục vụ gần 500 phiên phát hình quốc tế với tổng thời lượng gần 20 ngàn phút mà không để xảy ra sai sót, an ninh mạng được đảm bảo tối đa.

Cùng với việc đảm bảo tốt hệ thống thông tin phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và đảm bảo công tác phòng chống lụt bão, đã khẳng định sự trưởng thành và lớn mạnh của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam.

8. Doanh nghiệp viễn thông Việt Nam vươn ra thị trường nước ngoài

Với việc cung cấp 3 dịch vụ viễn thông tại Campuchia (VoIP, di động và Internet) Viettel là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên cung cấp dịch vụ viễn thông ở nước ngoài. VNPT đã xúc tiến đầu tư sang thị trường Lào để sản xuất cáp đồng và Campuchia để xây dựng mạng và kinh doanh dịch vụ, đồng thời mở văn phòng đại diện tại Mỹ để chuẩn bị cho việc kinh doanh tại thị trường này.

Việc đầu tư ra thị trường nước ngoài đã chứng tỏ sự lớn mạnh của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam và là tiền đề cho các doanh nghiệp khác bước ra thị trường quốc tế.

9. Hợp tác và cạnh tranh: Tư duy mới của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam

Ngày 1/12/2006, các doanh nghiệp viễn thông đã đồng loạt thực hiện ký thoả thuận kết nối theo cơ chế “hợp đồng kinh tế’' dựa trên Quyết định số 12 của Bộ BCVT.

Các doanh nghiệp Viettel Mobile, VinaPhone và MobiFone cũng đã có những hợp tác thiết thực để sử dụng chung cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng phục vụ; VNPT hợp tác thu cước cho HT Mobile.

Sự hợp tác và cùng cạnh tranh lành mạnh đó đã thể hiện một tư duy mới của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam trong thực thi chiến lược hội nhập và phát triển của Ngành.

10. Thiết lập trật tự trong kinh doanh trò chơi trực tuyến

6 doanh nghiệp cung cấp 13 trò chơi trực tuyến đang phát hành tại Việt Nam lần đầu tiên đã bị Thanh tra Sở BCVT TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính. Quyết định dứt khoát và cứng rắn này đã giúp các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc việc tuân thủ các quy định của pháp luật – nhất là trong điều kiện đã hội nhập hiện nay. 

Sự kiện này khẳng định vai trò của các cơ quan quản lý BCVT và CNTT tại địa phương đang ngày càng được tăng cường. Công tác thanh tra BCVT và CNTT được triển khai đồng bộ, kịp thời góp phần nâng cao kỷ cương trong cung cấp và sử dụng dịch vụ. Sự kiện này còn đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong việc hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật đối với các loại hình dịch vụ mới đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ.

Cũng tại lễ công bố, thứ trưởng Trần Đức Lai cho biết: ''Về kế hoạch năm 2007, một trong những nội dung lớn được Bộ BCVT tập trung triển khai  là xây dựng luật Viễn thông, tiêu chí cấp phép 3G, hoàn thiện, ban hành danh mục dịch vụ VT cơ bản và giá trị gia tăng; và các chương trình thực hiện cam kết WTO trong lĩnh vực VT. Đồng thời, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích pháp hợp pháp của người tiêu dùng''.

  • Hoàng Hùng (ghi)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,