(VietNamNet) – Sáng 13/12, Hội nghị chuyên đề Chính phủ Điện tử Việt Nam 2006 (e-Goverment Symposium 2006) đã chính thức khai mạc tại TT Hội nghị quốc tế (11 Lê Hồng Phong - Hà Nội) với chủ đề “Chính phủ điện tử - Cầu nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và công dân”.
Hội nghị tập trung bao quát các hoạt động thực tiễn của Chính phủ Điện tử (CPĐT) tại Việt Nam; xây dựng CPĐT nhằm tạo ra sự thay đổi năng lực quản lý và điều hành cho chính phủ, từ đó, tạo ra các dịch vụ công tốt hơn, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và công dân.
Theo thứ trưởng Bộ BCVT Vũ Đức Đam, ''Để thực hiện thành công Chính phủ điện tử, chúng ta cần nhìn lại các vấn đề sau: Thứ nhất, ý thức quyết tâm xây dựng nền hành chính điện tử đã được mọi người nhận thức sâu sắc chưa? Thứ hai, mô hình tổng thể của Chính phủ điện tử đã được thiết kế chưa, có được điều chỉnh phù hợp với xu thế thế giới hay không? Thứ ba, cần xem xét cụ thể ai có trách nhiệm đứng ra xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam''.
Cũng tại hội nghị, ông Ngô Minh Châu - Giám đốc Trung tâm Tin học của Quốc hội VN đã trình bày về tiến trình số hóa Quốc hội. Đáng quan tâm là tham luận của Viện Chiến lược BCVT-CNTT về thực tế triển khai Chính phủ điện tử tại VN. Theo đó, vấn đề khó khăn trong việc thực hiện Chính phủ điện tử ở VN là việc liên kết, tích hợp các cơ quan và tổ chức để thực hiện cơ chế ''một cửa'', phục vụ cho người dân. Hiện tại, trong 5 giai đoạn triển khai Chính phủ điện tử ở nước ta là: Kỹ năng; Thông tin, Cơ quan; Liên cơ quan và Tích hợp thì ba giai đoạn cuối đang gặp nhiều khó khăn, và chưa được thực hiện tốt. Mục tiêu lớn nhất của quá trình Chính phủ điện tử mà VN đề ra là thực hiện G4C - Chính phủ vì người dân (Government For Citizen).
Ông Trần Minh Tiến - Viện trưởng Viện Chiến lược BCVT-CNTT cho biết, đến năm 2010, ''VN từng bước cung cấp dịch vụ công trực tuyến một cửa cho người dân và các doanh nghiệp mọi nơi, mọi lúc, là cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan chính phủ. Cụ thể, 100% cơ quan chính phủ có website, hơn 50% DN tại TP HCM và Hà Nội tiếp cận dịch vụ công trực tuyến, và trên 25% người dân tại đô thị cấp 1 sử dụng chứng minh thư. Các ngành tài chính, ngân hàng và hải quan đạt trình độ tiên tiến trong khu vực về mức độ ứng dụng CNTT''.
Buổi chiều ngày hội thảo đầu tiên, Giám đốc Sở BCVT TP.HCM Lê Mạnh Hà cũng đã có bài phát biểu về những thành quả ban đầu trong phát triển Chính phủ điện tử tại TP.HCM. Theo ông Hà, Việt Nam đang bị tụt hậu quá nhiều về phát triển Chính phủ điện tử, nhưng lại mất quá nhiều thời gian để tranh cãi xem đơn vị bộ ngành nào chịu trách nhiệm phát triển về TMĐT tại VN. Các hội thảo, hội nghị về Chính phủ điện tử đã diễn ra rất nhiều, nhưng vẫn thiếu những hành động thực thi, hay thậm chí không có một kế hoạch hành động cụ thể. Trong bài phát biểu của mình, ông Lê Mạnh Hà cũng nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của Bộ BCVT trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam, giống như việc triển khai một hệ thống mạng máy tính trong doanh nghiệp, tổ chức thì phải do Trung tâm/phòng tin học thực hiện, chứ không thể là Phòng hành chính. "Không ai bàn cãi việc quản lý y tế của Bộ Y tế, việc phát triển giao thông của Bộ Giao thông Vận tải, nhưng các cán bộ của Sở BCVT TP.HCM chúng tôi hiện vẫn phải tranh cãi về vai trò và trách nhiệm khi triển khai Chính phủ điện tử và tin học hoá bộ máy hành chính tại cấp địa phương", ông Hà lấy ví dụ.Tác giả cuốn “E-Government in Asia” - ông James SL Yong cũng sẽ trình bày về kinh nghiệm xây dựng thành công CPĐT tại các nước. Phía Ngân hàng Thế giới, ông Philippe Dongier – Giám đốc Vụ CNTT-TT toàn cầu đã trình bày chuyên đề đặc biệt về kiến trúc CNTT để triển khai CPĐT.
Đồng thời, bên lề hội nghị là triển lãm CNTT-VT, với các gian hàng của các công ty cung cấp sản phẩm, giải pháp trong nước và quốc tế như: SAP, APC, Lenovo, Microsoft, Avaya, Misoft, Santak…
Trong số các doanh nghiệp tham gia triển lãm, Cố vấn về trung tâm dữ liệu của hãng APC (American Power Conversion) khu vực châu Á -Thái Bình Dương, ông David Blumanis, cũng đã chia sẻ và giới thiệu tại hội nghị về các kiến thức, giải pháp trung tâm dữ liệu, lưu trữ và backup. Đây là các hệ thống quan trọng để đảm bảo các thành phần trọng yếu trong các hệ thống mạng Chính phủ điện tử có thể hoạt động liên tục, ổn định, phục hồi khẩn cấp khi gặp sự cố trong thời gian nhanh nhất.
Hội nghị chuyên đề Chính phủ điện tử VN 2006 dự kiến thu hút 600 đại biểu tham gia, hơn 1.500 lượt khách dự thính và thăm quan triển lãm. Hội nghị sẽ kéo dài đến hết ngày 14/12.
-
Hoàng Hùng - B.M