Nháy điện thoại một phát và mua hàng - viễn cảnh đó sắp trở thành hiện thực. Nhưng liệu thanh toán qua ĐTDĐ có bảo đảm an toàn hay không?
Bạn đang khát mà lại hết tiền lẻ? Miễn là có điện thoại trong tay và đang ở Nhật Bản, chẳng vấn đề gì cả: Chỉ việc quét điện thoại qua đèn cảm biến trên máy bán hàng ven đường, bạn đã có thể cầm một lon Coca trong tay.
Hình thức thương mại di động "phi tiếp xúc" (NFC) kiểu này đang rất thịnh hành tại Nhật và một số quốc gia châu Á khác. Tuy nhiên, các hãng điện thoại, mạng di động và nhà cung cấp dịch vụ muốn phát triển nó lên thành một chuẩn toàn cầu, có thể ứng dụng rộng rãi tại khắp mọi nơi.
Ý tưởng hấp dẫn
Dễ thấy được vì sao các doanh nghiệp lại mặn mà với ý tưởng này. Theo dự đoán, các hoạt động giao dịch, thanh toán qua ĐTDĐ kiểu này sẽ đạt hơn 36 tỷ USD vào năm 2011, tăng hàng chục lần so với con số 900 triệu USD hiện nay.
Đang theo đuổi ý tưởng "ví di động" gồm có NXP Semiconductor, hãng điện thoại Nokia, hai hãng Visa và MasterCard và một số hãng khác. Suốt 2 năm qua, họ đã tiến hành thử nghiệm công nghệ này ở phạm vi hẹp, trong đó, điện thoại được sử dụng hệt như một chiếc thẻ tín dụng để thanh toán cho những món hàng nhỏ như vé tàu, xe...
Phần lớn các thử nghiệm hiện nay đều chỉ mới dùng ĐT để thay thế tiền mặt, nhưng trên thực tế, phạm vi ứng dụng của công nghệ thanh toán di động "phi tiếp xúc" (sở dĩ gọi là phi tiếp xúc vì giữa điện thoại và thiết bị cảm biến không trực tiếp chạm vào nhau. Giữa hai bên luôn duy trì khoảng cách vài cm) rộng hơn nhiều.
Lấy thí dụ, mạng Telenor của Na uy đang thử nghiệm dùng NFC bên trong một doanh nghiệp, cho phép hãng này kiểm tra hàng hóa, quản lý tài sản một cách hiệu quả. Ngoài ra, còn có những tấm Poster thông minh, cho phép người dùng di động lấy địa chỉ URL hoặc nhạc chuông từ một tấm poster treo trên tường. Thậm chí trong tương lai, tải các đoạn phim ngắn quảng cáo và lịch chiếu cũng không phải bất khả thi.
Thành công tại Nhật
Kể từ khi NTT DoCoMo ra mắt những mẫu điện thoại trang bị hệ thống thanh toán phi tiếp xúc Felica của Sony cách đây 3 năm, hãng này đã bán được hơn 13,8 triệu máy.
Các ứng dụng ngày càng phức tạp và tương tác hai chiều. Đầu đọc điện thoại có thể được lập trình để gửi phiếu khuyến mãi, quảng cáo hoặc các thông tin khuyến mại tới điện thoại trong khi giao dịch vẫn đang diễn ra.
Liên minh các hãng ủng hộ NFC hy vọng nhân rộng mô hình này ra phạm vi toàn cầu, mà tiên phong là một dự án thương mại tại thành phố Hanau của Đức. Tại đây, điện thoại sẽ được dùng để mua vé xe buýt và thẻ khách hàng trung thành cũng như phiếu giảm giá tại các cửa hàng địa phương. Họ hy vọng dịch vụ sẽ được triển khai trên toàn nước Đức trong năm 2007.
Để biến ước mơ này thành hiện thực, vào hôm 20/11 vừa qua, NXP Semiconductors và Sony, hai thành viên của Liên minh, tuyên bố họ đã bắt tay phát triển một con chip bảo mật, bắc cầu tương thích giữa các công nghệ NFC khác nhau.
Tuy nhiên, một số vấn đề đang nổi lên, trong đó có riêng tư cá nhân. Nếu sử dụng ví điện tử, nhà chức trách sẽ giám sát được hành vi mua sắm của công dân. "Ích lợi của tiền mặt là tính vô danh của nó", chuyên gia Mike Bowen phân tích.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lo ngại về vấn đề bảo mật. Họ tin rằng chỉ khi nào hàng rào này được giải quyết dứt điểm, các doanh nghiệp mới có thể thuyết phục người dùng đón nhận ví di động một cách rộng rãi.
Trọng Cầm (Theo BusinessWeek)