Dân Australia mê công nghệ đang tạo ra hàng núi rác điện tử khi họ vứt bỏ máy vi tính cũ và các loại hàng hoá điện tử. Điều này khiến cho ngành công nghiệp của xứ sở kangguru phải kêu gọi Chính phủ đưa ra những luật lệ mới về tái chế và xử lý rác.
Trung tâm Internet của IBM tại Sydney. Ảnh: Reuters. |
Một thông báo từ Cục thống kê Australia cho thấy rác điện tử đã gia tăng nhanh gấp 3 lần so với rác sinh hoạt khi người sử dụng nâng cấp máy tính. Theo số liệu ước tính, Australia - với 20 triệu dân - sẽ loại bỏ hay vứt xó tổng cộng khoảng 8,7 triệu máy tính cá nhân tính đến hết năm 2006.
"Đây là một hiểm hoạ tiềm ẩn", Brenda Aynsley thuộc Hội vi tính Australia cho biết. "Không một ai có thể biết chính xác toàn bộ quy mô của nguy cơ đó". Vấn đề này được tổng hợp từ số lượng lớn những người Australia cất giữ máy vi tính cũ của mình trong kho với hy vọng sẽ tìm ra cho nó một người chủ mới vào một ngày nào đó.
Cục thống kê cho biết người Australia mua hơn 2,4 triệu máy tính cá nhân mỗi năm. Ước tính họ sẽ thay thế 9 triệu máy tính cá nhân, 5 triệu máy in và 2 triệu máy scan trong vòng 2 năm kế tiếp.
Trong năm 2006, 1,6 triệu máy tính cá nhân sẽ bị vứt vào bãi rác trong khi hơn 1,8 triệu chiếc khác được đem đi cất trong kho, đưa lượng máy tính cá nhân lưu trữ trong kho lên tới 5,3 triệu chiếc. Với khó khăn ngày một tăng, rất nhiều khu chứa rác đã từ chối nhận máy vi tính cũ hay nếu nhận sẽ tính phí lên tới 30 AUD (23USD)/chiếc.
Hiệp hội công nghệ thông tin Australia (AIIA), nơi vừa là nhà sản xuất và bán lẻ máy vi tính hàng đầu, cho biết ngành công nghiệp của nước này đang nỗ lực nhằm tái chế lượng rác điện tử khổng lồ trên.
Một số công ty hàng đầu đã nhận tái chế máy tính cá nhân cũ, đồng ý nhận máy tính cũ của khách hàng khi họ mua một chiếc mới. Bên cạnh đó, một lượng nhỏ máy tính còn có thể sử dụng được đem xuất khẩu.
Nhà quả lý chiến lược của AIIA, James McAdam, cho biết ngành công nghiệp đang thúc đẩy nhằm tái chế máy vi tính và hợp tác với các nhà sản xuất, phân phối cũng như chính quyền địa phương, bang và quốc gia nhằm giải quyết vấn đề này. "Mọi người cần phối hợp trên phạm vi quốc gia" McAdam cho biết. "Chúng tôi đang cố gắng để không ai nhìn thấy bất cứ bãi rác máy tính cá nhân nào".
Ph. Thuý (Theo Reuters)