(VietNamNet) - Sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính từ 1 đến 5 lần giá trị sản phẩm vi phạm bản quyền phần mềm máy tính?... Nội dung dự thảo nghị định mới về xử phạt vi phạm bản quyền phần mềm có thể khiến thị trường IT Việt Nam bước vào "cơn bão" thanh lọc, và nhiều công ty sẽ không chịu nổi sóng gió?
Cục sở Hữu Trí tuệ Việt Nam đang xây dựng một dự thảo nghị định mới nhằm tăng tính nghiêm minh so với các quy định trong nghị định 56 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá - thông tin.
Quang cảnh tại buổi hội thảo về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực bản quyền phần mềm sáng 7/11. Ảnh Thế Phong. |
Theo đó vi phạm bản quyền trong kinh doanh dịch vụ văn hóa thông tin có thể bị phạt tới 100 triệu. Còn đối với sao chép phần mềm máy tính, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị phạt gấp từ 1 đến 5 lần giá trị sản phẩm vi phạm bản quyền.
Những thông tin nói trên được trích từ nội dung cuộc họp ba bên sáng 07/11/2006 giữa Cục bản quyền tác giả, Thanh tra Bộ Văn hóa Thông tin phối hợp với Liên minh phần mềm doanh nghiệp BSA tổ chức tại Hà Nội về vấn đề thực thi chống vi phạm bản quyền phần mềm.
Tiếp tục đẩy mạnh bảo vệ bản quyền phần mềm
Theo thông tin đưa ra từ phía BSA, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam đã có giảm trong thời gian qua, đặc biệt từ khi Việt Nam thực thi chống vi phạm bản quyền phần mềm, cụ thể đã giảm từ mức 94% của năm ngoái xuống còn 90%.
Mặc dù đây là tỉ lệ thuộc hàng cao nhất thế giới, tuy nhiên, ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách chống vi phạm bản quyền phần mềm của BSA khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đồng tình với báo giới khi nhận định giá trị thiệt hại do vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam chưa nhiều, có thể còn thấp hơn so với một số thị trường có tỉ lệ vi phạm bản quyền thấp.
Ông Tarun Sawney nói: "Tỉ lệ vi phạm bản quyền PM ở Việt Nam là 90%, năm ngoái gây thiệt hại khoảng 38 triệu USD. Trong khi khu vực Bắc Mỹ (gồm Mỹ và Canada) tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm chỉ có 24% nhưng gây những thiệt hại lên đến 7 tỉ USD."
Ông Sawney cũng nhấn mạnh rằng, ngoài nguyên nhân về số lượng người dùng còn nhỏ, con số này cũng nói lên tốc độ phát triển của ngành PM Việt Nam đang bị nạn vi phạm bản quyền kìm hãm.
Trong buổi họp, đại diện ba bên đã đưa ra những thông tin cho thấy quyết tâm đẩy mạnh việc thực thi vấn đề bản quyền phần mềm trong thời gian tới.
Ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa Thông tin cho biết cơ quan chức năng Việt Nam đang xây dựng một kế hoạch với sự tham gia của 6 bộ liên quan, cam kết thực thi vấn đề bản quyền phần mềm cho đến năm 2010 với những nội dung cụ thể chưa được công bố.
Ông Thành cho biết thời gian qua, Thanh tra Bộ VHTT đã phối hợp với phòng Chống tội phạm công nghệ cao, Cục cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công An (C15) tiến hành nhiều hoạt động thanh kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các đơn vị hoạt động thương mại trong lĩnh vực CNTT. Hoạt động này vẫn sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, chủ yếu ở Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh.
Doanh nghiệp đối đầu với nguy cơ sạt nghiệp?
Một nội dung được nhấn mạnh trong cuộc họp sáng nay, là vấn đề chống vi phạm bản quyền phần mềm trước hết sẽ được đẩy mạnh bằng việc xây dựng hành lang luật pháp đủ mạnh.
Ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng, Cục Bản quyền Tác giả, Bộ Văn hóa Thông tin cho biết: Nghị định 56 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá - thông tin có những quy định về vấn đề vi phạm bản quyền phần mềm song còn chưa có tính răn đe cao.
Ông Chu nói: "Vi phạm bản quyền trong kinh doanh dịch vụ văn hóa thông tin bị phạt với mức cao nhất là 35 triệu, trong nghị định mới xây dựng có thể bị phạt tới 100 triệu. Còn sao chép phần mềm máy tính với mục đích thương mại có thể bị phạt từ 1 đến 5 lần giá trị hàng hóa sao chép."
Ông Chu cũng đồng thời lấy ví dụ, trong vụ việc một doanh nghiệp mới đây vi phạm bản quyền phần mềm tại Hà Nội được xác định giá trị vi phạm lên tới 1 tỉ đồng, nếu chiếu theo luật này có thể sẽ bị phạt từ 1 đến 5 tỉ đồng tùy theo mức độ vi phạm.
"Có nghĩa là sẽ sạt nghiệp!" - Ông Chu nhấn mạnh.
Vi phạm bản quyền trong lĩnh vực thương mại kinh doanh là trọng điểm, vì thế các doanh nghiệp bán máy tính thường bị kiểm tra thanh tra vấn đề bản quyền PM (ảnh Minh Huy) |
Theo những thông tin đưa ra từ cuộc họp báo, một trong các ý kiến cho rằng, rất có thể sau đây, giới doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực CNTT có liên quan đến vấn đề bản quyền phần mềm sẽ xuất hiện hằng loạt "cái chết bất ngờ" do bị xử phạt vi phạm.
Doanh nghiệp kinh doanh thương mại, là đối tượng có tác động lớn nhất đến thị trường trong vấn đề bản quyền phần mềm, cho nên từ trước đến nay (và cả sau này) luôn là đối tượng trọng điểm trong việc thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm bản quyền PM.
Đại diện Cục bản quyền Bộ VHTT bày tỏ quan điểm: Do đó, các doanh nghiệp trong thời điểm này buộc phải xem xét lại toàn bộ các nguồn lực của mình để có những thay đổi phù hợp, nếu không sẽ phải chấp nhận bị thanh lọc.
"Pháp luật là bất di bất dịch, chúng ta không thể đứng trước pháp luật nói đến chuyện vị tình được. Chúng ta đã ký các công ước quốc tế, đã xây dựng luật, thì phải chấp hành nghiêm minh! Chúng tôi chỉ là cơ quan thực thi, chúng tôi sẽ căn cứ theo luật mà tiến hành" - Đại diện Thanh tra Bộ VHTT khẳng định.
Phía BSA có vẻ hết sức ủng hộ các ý kiến trên. Ông Tarun Sawney nói BSA sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để thực thi Luật Sở hữu Trí tuệ một cách mạnh mẽ hơn nữa.
Chưa có chiến lược chung về giá bản quyền phần mềm?
Phải thừa nhận một điều rằng, bản quyền phần mềm, đối với điều kiện chung của một thị trường đang phát triển như Việt Nam còn có những khó khăn vô cùng lớn về giá thành. Nhiều người đưa ra ý kiến tại buổi họp, tại sao chưa có một chiến lược chung gắn kết giữa cơ quan chức năng, với doanh nghiệp, và người dùng để cùng đưa ra những yêu cầu hợp tác cải thiện mức độ vi phạm bằng giảm giá bản quyền phần mềm?
Trả lời những băn khoăn này, ông Chu (Cục bản quyền Bộ VHTT) cho rằng việc đó chỉ có thể được giải quyết bởi một nhóm đơn vị hoặc doanh nghiệp có cùng lợi ích, cử đại diện đứng ra thương thuyết với phía doanh nghiệp bán phần mềm. Chứ không có kế hoạch chiến lược nào cho cả thị trường.
Ông Chu lấy ví dụ, các đơn vị mới đây mua bản quyền phần mềm của Microsoft như FPT, VietComBank, Bộ Tài Chính, đều là tự thỏa thuận với Microsoft để có mức giá hợp lý.
Về phía BSA, ông Tarun Sawney thẳng thừng: "Chúng tôi chỉ là tổ chức đại diện cho các công ty phần mềm đa quốc gia và công ty phần mềm sở tại là thành viên của hiệp hội, chúng tôi không thể có tác động về giá đối với một thị trường nào hoặc một doanh nghiệp thành viên nào bán phần mềm cả."
Rất may, ông này cũng nói thêm, mặc dù thế, BSA có thể tiếp nhận các thông điệp từ thị trường để đưa nó đến các doanh nghiệp bán phần mềm thành viên cho họ biết và xem xét.
Ông Tarun Sawney cũng khẳng định rằng, nếu nói về giá phần mềm có bản quyền đối với thu nhập của người dân Việt Nam quả là quá cao. Nhưng thực tế người ta có thể lựa chọn rất nhiều sản phẩm khác nhau để phù hợp với nhu cầu và túi tiền của mình: "Thay vì dùng Photoshop giá 800 USD, anh có thể dùng một phần mềm chỉnh sửa ảnh không chất lượng bằng, nhưng đủ thỏa mãn yêu cầu công việc của anh với mức giá chỉ khoảng 100 USD." - Ông Sawney lấy ví dụ.
-
Thế Phong
Quan điểm của quý độc giả: