Người dùng bộ ứng dụng văn phòng Office trên toàn thế giới sẽ phải đối mặt với một cơ chế kiểm tra tính hợp pháp của phần mềm tương tự như cơ chế kiểm tra Windows Genuine Advantage (WGA) của Microsoft.
Microsoft cho biết phần mềm Office Genuine Advantage (OGA) đã được “âm thầm” đưa vào thử nghiệm trong vài tháng trở lại đây. OGA sẽ bắt buộc mọi người dùng phải vượt qua quy trình kiểm tra tính hợp pháp của Office thì mới được dùng bộ ứng dụng này. Sẽ không có một cơ chế nào cho phép người dùng bỏ qua cơ chế kiểm tra này hay loại bỏ OGA tương tự như những gì đã xảy ra với WGA.
Bắt đầu từ ngày 27/10 vừa qua, tất cả những ai dùng bộ ứng dụng Office “lậu” sẽ không còn có thể tải về miễn phí các Office Templates hay bất kỳ một thứ gì liên quan đến Office như clip-art, add-on ... Để có thể tải về, người dùng buộc phải vượt qua cuộc kiểm tra tính hợp pháp của bộ ứng dụng Office.
Và bắt đầu từ 27/01/2007, nếu không dùng một phiên bản Office hợp pháp, người dùng đừng mong được tải về những bản cập nhật dành cho bộ ứng dụng này. Hay nói đúng hơn là tại thời điểm này OGA chính thức có hiệu lực trên phạm vi toàn cầu.
Microsoft cho biết hãng này sẽ tiếp tục tặng cho những người dùng đã mua lầm phải bộ ứng dụng Microsoft Office “lậu” một phiên bản mới có bản quyền đầy đủ. Tuy nhiên, người dùng phải hoàn tất đầy đủ thủ tục chứng minh mình đã bị mua nhầm phải phần mềm “lậu” theo đúng quy trình của Microsoft, cũng như cung cấp đĩa CD chứa phần mềm lậu đó.
Nếu người dùng không có đủ bằng chứng chứng minh họ đã mua phải một bộ Office “lậu” thì họ vẫn nhận được ưu đãi. Microsoft sẽ giảm giá mua bộ ứng dụng Office có đầy đủ bản quyền cho họ.
Các chuyên gia phân tích đánh giá bước đi này của Microsoft cũng là một phần trong nỗ lực chống việc vi phạm bản quyền sử dụng hai sản phẩm nổi tiếng nhất của hãng và cũng là “con gà đẻ trứng vàng” của hãng phần mềm số một thế giới: Hệ điều hành Windows và bộ ứng dụng văn phòng MS Office.
Cũng mới đây, Microsoft tuyên bố đã có kế hoạch lôi ra toà các đối tượng đã lợi dụng các trang web đấu giá nổi tiếng để kinh doanh các phần mềm vi phạm bản quyền của hãng. Theo kế hoạch này, tổng số vụ kiện sẽ lên tới con số 50.
Thống kê của Hiệp hội kinh doanh phần mềm cho thấy có khoảng 1/3 số phần mềm được cài đặt trên các PC trên toàn thế giới trong năm 2005 là phần mềm vi phạm bản quyền. Con số này tương đương với thiệt hại hàng tỉ USD của ngành công nghiệp phần mềm toàn cầu.
Trang Dung (Theo TechTree)