(VietNamNet) – "Khi VN gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thị trường viễn thông trong nước sẽ bùng nổ thực sự khi có sự tham gia ngày càng sâu rộng của các đối tác nước ngoài". Nhận xét của Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) Nguyễn Bá Thước khi trả lời phỏng vấn VietNamNet.
VietNamNet: - Chỉ còn một tuần nữa, Việt Nam sẽ chính thức gia nhập WTO. Về phía Tập đoàn BCVT VN, VNPT đã chuẩn bị gì trước ngưỡng cửa WTO?
- Ông Nguyễn Bá Thước: VNPT đã chuẩn cho tiến trình hội nhập từ năm 2000 đến nay bằng việc xây dựng hạ tầng cơ sở vững chắc, đa dạng các dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, di động và Internet. Điểm khác biệt của VNPT là đầu tư vào nhiều lĩnh vực chứ không tập trung chủ yếu vào các dịch vụ cho lãi cao như những doanh nghiệp khác.
Bên cạnh đó, chúng tôi đầu tư lớn vào việc xây dựng thương hiệu. VNPT đã được cấp giấy chứng nhận thương hiệu tại Mỹ và chúng tôi đang đẩy nhanh chiến lược quảng bá hình ảnh trên phạm vi toàn quốc. Hiện VNPT đang chiếm trên 90% thị phần điện thoại cố định, 72% thị phần di động, và chúng tôi xác định sẽ luôn là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực này. Những yếu tố đó cho thấy chúng tôi hoàn toàn có lợi thế hơn các đơn vị khác khi mở cửa thị trường!
- Theo ông, đâu là yếu tố tạo nên sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp viễn thông VN?
- Mấy năm trở lại đây, thị trường di động và Internet phát triển với tốc độ chóng mặt. Giá cước ngày một rẻ, các dịch vụ tiện ích lần lượt ra đời đem lại lợi ích cho người sử dụng. Theo tôi, đối với các mạng di động, giá cước cũng như vùng phủ sóng, dịch vụ giá trị gia tăng sẽ dần bão hòa. Anh giảm cước thì tôi cũng giảm cước, anh ra dịch vụ mới này thì tôi cũng có dịch vụ tiện ích khác.
Duy chỉ còn chất lượng dịch vụ, chính sách chăm sóc khách hàng và chế độ hậu mãi là tạo lên sự khác biệt của các doanh nghiệp và quyết định khả năng thu hút người tiêu dùng đến đâu.
Các doanh nghiệp VN có lợi thế hơn so với đối tác nước ngoài ở các yếu tố am hiểu thị trường, văn hóa và thị hiếu người tiêu dùng. Nếu các doanh nghiệp trong nước xây dựng được cơ sở hạ tầng vững mạnh, cách thức chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp thì họ sẽ không thua kém gì các tập đoàn viễn thông quốc tế. Thậm chí, các doanh nghiệp trong nước cũng có thể... đem chuông đi "gõ" xứ người.
- Trước thời điểm hội nhập, ông đánh giá như thế nào về các đối tác nước ngoài đã và đang có ý định đầu tư vào VN trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin?
- Hiện tại, có khoảng 30 đối tác nước ngoài hợp tác với VNPT... Quả thật chưa bao giờ chúng tôi coi những công ty, tập đoàn này là đối thủ mà chỉ là các đối tác cùng hợp tác kinh doanh để học hỏi kinh nghiệm. Với các doanh nghiệp trong nước cũng vậy.
Tôi được biết, nhiều tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới cũng đang rất quan tâm đến thị trường VN và họ sẽ sớm lựa chọn được doanh nghiệp có tiềm lực thực sự để ký kết các hợp đồng hợp tác. Điểm khác biệt giữa doanh nghiệp VN và đối tác nước ngoài chính là họ có thế mạnh về công nghệ, hoạt động toàn cầu, kinh nghiệm khai thác và quản lý, biết tận dụng và khai thác nguồn nhân công giá rẻ.
- Nhiều ý kiến cho rằng, khúc mắc trong câu chuyện kết nối giữa các mạng di động thời gian qua đã ảnh hưởng đáng kể đến uy tín của VNPT và làm giảm sức cạnh tranh của các mạng khác, ông nghĩ sao?
- Theo tôi, trong quá trình phát triển, cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ sẽ không tránh khỏi việc nảy sinh những mâu thuẫn này kia. Vấn đề kết nối cũng thường xảy ra ở các nước trên thế giới cũng vậy. Quả thực, không phải chúng tôi cố tình gây khó dễ không cho các doanh nghiệp khác kết nối mà lúc ấy chúng tôi cũng đang khó khăn. Câu chuyện kết nối cũng được coi là bước tập dượt để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh vì khi gia nhập WTO, thị trường sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn rất nhiều.
WTO là cơ hội và cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp VN. Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải biết cập nhật thông tin, nâng cao chất lượng, tạo dựng lòng tin với khách hàng. Bởi nếu chất lượng dịch vụ không đảm bảo, chế độ hậu mãi không tốt, người tiêu dùng có thể quay lưng lại với các doanh nghiệp trong nước để sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài với giá cả phải chăng, chất lượng tốt và chính sách chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!
-
Hoàng Hùng (thực hiện)