"Hội tụ" đang là câu thần chú mới của cả ngành công nghiệp viễn thông. Nhưng liệu người tiêu dùng có thực sự thích thế hay không thì lại là một vấn đề khác.
Những người ủng hộ một mực khẳng định tiềm năng của hội tụ là cực lớn. Nhiều người đã phấn khích với ý tưởng "điện thoại di động-cố định hội tụ", trong đó cùng một chiếc điện thoại cầm tay có thể kiêm nhiệm chức năng của ĐTDĐ (khi ở ngoài trời) lẫn điện thoại cố định (khi ở trong nhà hoặc văn phòng). Thú vị không kém là một dịch vụ cho phép bạn thu lại chương trình truyền hình kỹ thuật số từ xa, hoặc qua mạng Web, hoặc bằng ĐTDĐ.
Có người còn mơ về ý tưởng kết hợp truyền hình với audio-conferencing, cho phép một nhóm bạn "cùng" xem 1 trận đấu bóng từ nhiều địa điểm khác nhau. Thậm chí ĐTDĐ và truyền hình cũng sẽ được tích hợp, để khi bạn đang xem dở một bộ phim mà có ai đó gọi đến, tên người gọi sẽ hiện ra trên màn hình TV và bộ phim tự động pause lại khi bạn nhấc điện thoại lên.
Hội tụ có thể sốt thật hoặc sốt ảo, nhưng ngành công nghiệp viễn thông đang tự thuyết phục mình rằng "đáng theo đuổi đấy". Bất cứ ai không chấp nhận điều này đều phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau. "Chỉ cần một mạng di động tiên phong là những mạng khác sẽ hùa nhau chạy theo ngay", chuyên gia Lombard nhận định. Nhưng tiến trình này sẽ diễn ra nhanh đến mức nào, xa đến đâu thì còn phải xem đã.
Dù sao cũng đã đến
Dường như người ta đã quên hết thảm kịch hồi năm 2001 khi các hãng đua phá sản, lừa đảo, đổ sập. Số tiền 1000 tỷ USD mà các nhà đầu tư rót vào Internet đã biến theo bong bóng xà phòng. Mấy năm trở lại đây, người ta chứng kiến một loạt những hợp đồng sáp nhập, thâu tóm khổng lồ mà tác giả là các mạng di động, các hãng sản xuất thiết bị viễn thông trên khắp thế giới.
Tại Mỹ, SBC chi 16 tỷ USD để mua AT&T, sau đó nuốt chửng thêm BellSouth với cái giá khủng khiếp 67 tỷ USD nữa. Trong khi ấy, đối thủ của hãng là Verizon lại móc ví 8,4 tỷ để mua MCI. Còn ở châu Âu, Telefónica, mạng di động lớn nhất Tây Ban Nha vung tiền thâu tóm O2 sau khi chi ra 17,7 tỷ bảng (31,3 tỷ USD). Mạng cáp NTL của Anh thì tiếp quản Virgin Mobile với cái giá khiêm tốn hơn - 962 triệu bảng. Vodafone, mạng di động có doanh thu lớn nhất thế giới đã từ bỏ tham vọng toàn cầu của mình khi bán đứt chi nhánh tại Nhật cho Softbank, bỏ túi 15,4 tỷ USD.
Và danh sách này còn tiếp tục dài ra nữa....
Đâu chỉ có những bản hợp đồng thâu tóm, các mạng viễn thông toàn cầu còn rục rịch xây dựng "mạng thế hế mới" với kinh phí khủng khiếp. Verizon tiên phong với 18 tỷ USD cho mạng mới, trong khi BT của Anh phóng tay 10 tỷ bảng. "Mạng thế hệ mới" cho phép các hãng di động cung cấp dịch vụ truyền hình bên cạnh điện thoại và Internet băng thông rộng thông thường.
Cơn sốt Hội tụ
Họ sốt sắng chi tiền cũng phải, vì sân nhà đang chứng kiến cảnh một loạt đại gia như Google, Yahoo và Microsoft giễu võ dương oai. Cả ba đại gia này đều đang cung cấp dịch vụ gọi điện miễn phí qua mạng Internet. Skype- hãng đi đầu về VoIP thì đã được eBay mua lại với giá 2,6 tỷ USD.
Ngay đến các hãng chuyên sản xuất thiết bị viễn thông như Cisco giờ cũng không giấu giếm tham vọng "bon chen" vào lĩnh vực viễn thông. Cisco vừa mua lại Scientific-Atlanta, một doanh nghiệp chuyên chế tạo đầu thu truyền hình kỹ thuật số. Alcatel và Lucent thì chấp nhận sáp nhập trong một bản hợp đồng trị giá 11 tỷ USD, còn Nokia và Siemens thì "kết hôn" cho bộ phận thiết bị mạng của hai bên.
Thoạt nhìn, tưởng như những hợp đồng này chẳng liên quan gì đến nhau. Nhưng tất cả chúng đều phản ánh một xu hướng mới, đang chùm chăn lên ngành công nghiệp viễn thông: hội tụ.
Bạn tự hỏi: Thế là sao?
Theo xu hướng này, hai lĩnh vực viễn thông và giải trí trước đây tồn tại rạch ròi , "anh ở đầu sông, em cuối sông" giờ sẽ về ngồi chung một mái nhà. Điện thoại cố định, di động, băng thông rộng và truyền hình sẽ xoắn xuýt lấy nhau như những cặp tình nhân. Người ta gọi đấy là "thiên đường của thông tin".
Ở thiên đường ấy, người dùng sẽ được hưởng sự tự do đến vô tận: chọn bất cứ loại hình dịch vụ nào mà họ thích, bất chấp không gian, hoàn cảnh, nhưng vẫn thỏa mãn được cùng lúc 3 nhu cầu: liên lạc, thông tin và giải trí.
Tuy nhiên, để tới được thiên đường ấy, loài người còn phải trải qua một chặng đường gọi là "chuyển đổi công nghệ". Mà ở những giai đoạn đầu tiên, được lợi nhiều nhất chắc chắn là các mạng dịch vụ chứ chưa phải người dùng.
Hội tụ là gì?
Về bản chất, hội tụ là kết quả của việc viễn thông nồng nhiệt chào đón công nghệ Internet. Internet cho phép họ "vận chuyển" dữ liệu trên nền mạng vừa rẻ lại vừa hiệu quả. Trong Internet, tất cả đều di chuyển dưới hình thức các "gói dữ liệu" được mã hóa bằng IP. Cũng hệ thống ấy có thể được sử dụng để mã hóa các cuộc gọi điện thoại, tin nhắn SMS và tin nhắn hình và thậm chí cả TV nữa.
Thật ra, mãi tới gần đây công nghệ IP mới đủ "chín" để có thể mang vác gồng gánh tất cả những dịch vụ nói trên một cách hiệu quả, đảm bảo và chắc chắn. Nhưng có sao đâu, quan trọng nhất là khi được hỏi "Khả thi không?", người ta đã có thể dõng dạc trả lời "Có".
Hiện tại, với mỗi dịch vụ như điện thoại, dữ liệu, video... các mạng di động lại phải huy động một kênh mạng riêng. Nhưng với Internet, tất cả sẽ có thể quy tụ về một nền mạng duy nhất. "Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một cơ sở hạ tầng IP và các dịch vụ sẽ chạy tới chạy lui trên hạ tầng đó", ông Basil Alwan, chủ tịch bộ phận IP của Alcatel cho biết.
Tương tự, các mạng điện thoại cố định và di động đang chạy tách biệt (nhưng có tương tác) với nhau. Nhưng một khi chúng đã hội tụ, bạn sẽ có thể kết nối điện thoại cố định bằng dây cáp Internet, kết nối di động thông qua tổng đài hoặc xem truyền hình thông qua Wi-Fi và đường dây điện thoại cố định.
"Đến năm 2010, sẽ rất khó tìm thấy một mạng di động hoặc cố định không chạy trên nền tảng IP", chuyên gia Robert Lloyd của Cisco dự đoán.
Một ưu điểm nữa của xu hướng này là các dịch vụ mới có thể được bổ sung vừa nhanh, vừa dễ, không cần phải xây thêm một hạ tầng mới theo kèm. Nói chung, nó sẽ không khác gì với việc bạn cài thêm một phần mềm mới vào hệ điều hành đang chạy cả.
Cỗ xe tứ mã
Nhưng cũng chính vì sự hội tụ mạng này , nhiều hãng trước đây "nước sông không phạm nước giếng" lại té ngửa ra khi đụng trán vào nhau. Nào là các mạng điện thoại, các ISP cho đến các hãng truyền hình cáp... tất cả đột nhiên cùng cắn chung một cái bánh.
Các hãng cáp bon chen cung cấp cả Internet băng thông rộng trong khi các mạng viễn thông ráo riết nâng cấp hạ tầng mạng, phục vụ tín hiệu truyền hình.
Đây chính là nguyên nhân để giải thích cho nhiều bản hợp đồng "không tưởng" diễn ra gần đây. AT&T mua BellSouth để toàn quyền kiểm soát Cingular, từ đó dàn quân trên đủ 4 mặt trận: điện thoại cố định, di động, Internet băng thông rộng và Truyền hình.
Softbank (đang cung cấp truyền hình, điện thoại VoIP và truy cập Internet qua mạng băng thông rộng) mua lại Vodafone Nhật Bản để bổ sung thêm phần di động. Tương tự là việc NTL mua lại Virgin và bắt tay cùng Sprint Nextel.
Quan điểm chung của các hãng là cung cấp gói dịch vụ 4-trong-1 "tiện lợi đủ đường" cho người tiêu dùng và họ tin rằng khách hàng sẽ mặn mà. Nhất là khi những gói dịch vụ kiểu này bao giờ cũng tiết kiệm đáng kể so với thuê riêng từng dịch vụ. Đó là chưa kể họ sẽ giảm được chi phí quảng cáo và marketing khổng lồ, vì nay tất cả dịch vụ đã nằm trong một nhãn hiệu duy nhất.
Bóng đen 3G
Nhưng bất cứ ai hiểu biết sâu sắc về viễn thông đều nhớ rằng: chính ngành công nghiệp này đã từng chi hàng chục tỷ USD xây dựng một mạng sợi quang hồi cuối những năm 90, mơ về một sự "thăng hoa" chưa bao giờ hiện thực hóa.
Nói cách khác, đây chính là những chú "ếch vồ râm bụt". Hãy nhớ lại trường hợp của mạng di động 3G. Các mạng di động châu Âu đã chi không dưới 100 tỷ euro mua giấy phép công nghệ này, kỳ vọng rằng dịch vụ dữ liệu sẽ ăn khách, kéo bay doanh thu. Nhưng rồi một lần nữa, họ lại ôm thất vọng tràn trề.
Vì thế, thật dễ hiểu khi nhiều người tỏ ra hoài nghi về cơn sốt hội tụ nói trên. Hiện mới chỉ có 1% người dùng ở Ý, 8% ở Pháp và 10% ở Anh đăng ký sử dụng những gói dịch vụ 3-in-1 (gồm điện thoại cố định, internet băng thông rộng và truyền hình). 44% dân châu Âu thẳng thừng phán họ chẳng hứng thú gì với dịch vụ cả gói, dù 49% lưu ý rằng họ sẽ nghĩ lại nếu như có giảm giá % hấp dẫn.
Trọng Cầm (Theo The Economist)
Diễn biến xu hướng 3G tại Việt Nam Ở góc độ công nghệ di động 3G tại Việt Nam, các mạng sử dụng công nghệ CDMA có lợi thế đáng kể hơn nhiều so với các mạng GSM khi triển khai nhờ khả năng phủ sóng rộng hơn, băng thông kết nối rộng hơn. Mạng S-Phone 095 mới đây đã bắt đầu triển khai dịch vụ xem video theo yêu cầu VOD, nhạc theo yêu cầu và kết nối Internet ngay trên ĐTDĐ. EVN Telecom đã cung cấp các dịch vụ di động (096), di động nội vùng, điện thoại cố định không dây đều có khả năng kết nối Internet. Mạng HT Mobile 092 của Hanoi Telecom đang được trông đợi với các dịch vụ mang 3G hiện đại, tuy chưa triển khai kịp trong tháng 11 năm nay theo kế hoạch ban đầu, nhưng cũng đang gấp rút thử nghiệm nội bộ tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Trong khi đó, các mạng GSM VinaPhone, MobiFone, Viettel hiện mới đang dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ GPRS cho khách hàng. Vina và Mobi đang thử nghiệm dịch vụ mạng EDGE (tiền 3G) tại một số thành phố chính trên cả nước, nhưng phạm vi phủ sóng chưa rộng.