Dù chưa có lời lãi và mới chỉ thành lập chưa đầy 1 năm, YouTube - website chia sẻ video nổi tiếng nhất hiện nay vẫn nhanh chóng trở thành "mồi ngon" cho các đại gia công nghệ và truyền thông giành giật.
Theo nguồn tin mật của tờ Wall Street Journal, Gã khổng lồ tìm kiếm Google đang đàm phán để mua lại YouTube với giá 1,6 tỷ USD. Mặc dù các cuộc thương lượng mới chỉ ở giai đoạn đầu và có thể chẳng dẫn đến đâu, song quy mô quá lớn của Google "dư sức" thuyết phục YouTube gật đầu.
Động thái này cũng khiến những hãng đang nhòm ngó YouTube phải tăng tốc và chào giá cao hơn. Từ Microsoft, Yahoo, Viacom cho đến tập đoàn News Corporation đều đã từng ghé thăm đại bản doanh YouTube tại San Mateo, California trong những tháng gần đây để thảo luận về việc thâu tóm YouTube.
Một cơn sốt mới
Giới quan sát đều nhận định rằng việc các đại gia săn lùng chữ ký từ những website "hot" (năm ngoái là MySpace và năm nay là YouTube) là những dấu hiệu cho thấy một cơn sốt Internet khác đang thành hình. Liệu những điểm đến đang nổi tiếng này có mang lại lợi nhuận hay không thì vẫn chưa rõ, nhưng các bậc đại gia thì không thể không chạy đua với nhau.
Trong khi ấy, với YouTube, "bán mình" thành công cho một đại gia, bất kể đó là Google, Microsoft hay News Corp, thì cũng là giây phút đăng quang rực rỡ cho một "kẻ mới đến". Chính thức khai trương từ tháng 12 năm ngoái, nhưng gần như ngay lập tức, YouTube đã nổi lên như một hiện tượng văn hóa toàn cầu.
Hiện nay, mỗi ngày YouTube cung cấp hơn 100 triệu video clip các loại, cho phép người dùng thoải mái chia sẻ những đoạn phim cây nhà lá vườn, tự biên tự diễn. Đôi khi đó là những hình ảnh ngộ nghĩnh, nhưng lắm lúc cũng thô tục và cục cằn chẳng kém.
Gần như đơn thương độc mã song YouTube vẫn một tay "lăng xê" cho nền văn hóa mang tên Chia sẻ video. Các nhà làm phim nghiệp dư khắp thế giới như được tiếp thêm sức mạnh và cảm hứng. Và bất chấp việc YouTube có thể bị kiện vì tội vi phạm bản quyền, các hãng truyền thông vẫn cứ đậm đà với website này như thường. Khác với Napster, giới truyền thông không coi YouTube là kẻ phá bĩnh, là kẻ thù cần tiêu diệt, mà lại muốn biến YouTube thành đồng minh thân cận, thậm chí "người nhà".
Đôi bên đều có lợi
Nếu YouTube đồng ý bị thâu tóm, đây sẽ là một sự lột xác về tư tưởng. Chad Hurley, người sáng lập ra hãng từng tuyên bố rằng ông thích "tự do và sự độc lập", thậm chí không hề nghĩ đến việc bán mình hay phát hành cổ phiếu.
Thế nhưng trước thông tin của WSJ, cả Google lẫn YouTube đều giữ im lặng. Cái giá 1,6 tỷ USD - tưởng như là quá hào phóng cho một công ty "trẻ người non dạ", song trong trường hợp này, lại hoàn toàn hợp lý.
"Đắt nhưng xắt ra miếng", nhà phân tích Charlene Li của Forrester Research nhận định. Bà Li ước tính YouTube hiện có khoảng 50 triệu người dùng trên toàn thế giới và việc thâu tóm YouTube sẽ mang lại triển vọng cho cả hai phía.
Bất chấp thương hiệu nổi tiếng và sự phổ biến của các dịch vụ Internet của Google, Google Video vẫn giữ một thị phần rất khiêm tốn (10%) so với YouTube (46%) và MySpace (23%).
"YouTube đã tưởng tượng ra một thế giới mà cả Google, Yahoo lẫn Microsoft đều không làm được. Không chỉ là video, mà là xây dựng hẳn một cộng đồng bao quanh video", bà Li nói.
Liên kết với Google có thể giúp YouTube tránh được những rắc rối về mặt pháp lý, do các luật sư của Google đã quá quen với việc tranh chấp bản quyền. Với mức giá 1,6 tỷ USD, YouTube sẽ là vụ mua bán đắt đỏ nhất của Google từ trước tới nay. Cụ thể hơn, nó sẽ gần xấp xỉ tổng chi phí "thâu tóm" của Google suốt từ năm 2001 cho tới nay. Đình đám nhất trong số này là vụ Google mua 5% cổ phiếu của AOL, trị giá 1 tỷ USD.
Trọng Cầm (Theo The New York Time)