(VietNamNet) - Tiếp sau hàng loạt chiến dịch giảm cước ồ ạt của các mạng điện thoại di động, việc VNPT áp mức cước cố định đường dài giảm từ ngày 15/8 đang được coi là ''ngòi nổ'' cho đợt giảm giá tiếp theo của các DN khác.
Điều chỉnh theo cước di động
Liên tiếp trình phương án điều chỉnh vùng cước dịch vụ cố định đường dài từ năm ngoái, VNPT lần này đã chính thức được Bộ BCVT phê duyệt phương án giảm 3 vùng xuống theo cước đường dài nội vùng và khác vùng cho hai dịch vụ PSTN truyền thống và VoIP.
Từ góc độ Bộ chủ quản, lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ BCVT cho biết: Việc điều chỉnh hai vùng cước giúp giảm chi phí quản lý tính cước cho doanh nghiệp, người tiêu dùng lại được áp giá cước rẻ hơn. Đặc biệt, với mức giảm cước mới này của VNPT, mức chênh lệch giữa cước điện thoại cố định đường dài với di động sẽ không còn.
Khi còn 3 vùng cước cố định, cước liên lạc liên vùng (vùng 1 đến vùng 3 và ngược lại là 2.000 đồng/phút), mức cước này cao hơn cước di động hiện hành (1.500 đồng/phút). Hiện nay, khi chỉ còn 2 vùng cước cố định, mức cước khác vùng được giảm xuống còn 1.500 đồng/phút, (bằng cước liên lạc di động mức cao nhất là 1.500 đồng/phút).
Vị quan chức này cũng nhấn mạnh: ''Thực tế là điện thoại di động đã thống nhất vùng cước duy nhất trên phạm vi toàn quốc trước đó rất lâu, nên việc gọi cố định đường dài lại đắt hơn gọi di động đường dài là bất hợp lý và cần điều chỉnh lại.''
Đồng thời, qua đợt giảm cước mới, cước ĐT cố định đường dài được tính theo phương thức block 6 giây+1, bình đẳng hơn so với các doanh nghiệp khác. Được biết, từ tháng 9 năm 2005, Viettel tính cước này theo block 6 giây+1 (trong khi, tại thời điểm này, VNPT vẫn tính theo 1 phút+1).
Quản lý theo các Tổng công ty VT vùng
Đầu năm nay, Tập đoàn VNPT chính thức ra mắt. Tiến sỹ Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM cho biết, mô hình tập đoàn của VNPT có 2 nét đặc trưng đáng lưu ý: Thứ nhất, tập đoàn vừa đóng vai trò là người trực tiếp kinh doanh một số dịch vụ bưu chính - viễn thông then chốt nhưng đồng thời lại đóng vai trò một nhà đầu tư tài chính (holding company).
DN cung cấp dịch vụ ĐT cố định: |
Hiện tại, có 5 doanh nghiệp được cấp phép dịch vụ ĐT cố định là VNPT, Saigon Postel (SPT), EVN Telecom, Hanoi Telecom và Viettel. Nhưng trên thực tế chỉ có VNPT và Viettel phát triển dịch vụ điện thoại cố định trên phạm vi toàn quốc, còn SPT mới chỉ cung cấp dịch vụ này trong phạm vi hẹp tại TP. HCM. Về dịch vụ VoiP, Hanoi Telecom mới chỉ triển khai tại vài tỉnh, thành trên cả nước. |
Thứ hai, ba tổng công ty Viễn thông vùng sẽ quản lý dịch vụ viễn thông tại ba miền Bắc, Trung và Nam tạo cho liên kết của tập đoàn vừa “liên kết cứng” đối với lĩnh vực viễn thông (Tổng Công ty Viễn thông theo mô hình công ty mẹ - công ty con), vừa “liên kết mềm” giữa Tổng Công ty Viễn thông và Tổng Công ty Bưu chính.
Chiểu theo mô hình này, việc tính cước cố định đường dài theo nội vùng và khác vùng sẽ thuận lợi hơn cho việc quy hoạch thuê bao theo từng Tổng công ty. Ban Giá cước Tiếp thị - VNPT phân tích: ''Việc khách hàng được tính cước theo phạm vi quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tính cước, cài đặt trên hệ thống tổng đài.
Đối với khách hàng, điểm lợi đầu tiên là các thuê bao gọi cách vùng (trước đây) tha hồ dùng giá rẻ: ví dụ như gọi từ Hà Nội vào Cà Mau cũng chỉ có giá bằng gọi từ Hà Nội sang Hà Tây''...
Quan trọng hơn, việc điều chỉnh cước cố định lần này đảm bảo cho thuê bao cố định đường dài được áp chuẩn cước quốc tế là phương thức 6 giây + 1. Phương thức mới tiết kiệm chi phí tới 30% cho khách hàng, so với cách tính 1phút+1 trước đây. So sánh giữa cố định đường dài PSTN (điện thoại truyền thống) với VoIP thì trong đợt giảm cước này, PSTN được giảm nhiều hơn. Đây cũng được coi là phương thức cạnh tranh trực tiếp với dịch vụ VoIP giá rẻ.
Lãnh đạo VNPT cũng cho biết, mức cước mới không chỉ giúp VNPT cạnh tranh ''đối kháng'' với các doanh nghiệp mới mà còn tự cạnh tranh giữa PSTN đường dài với VoIP 171. Dịch vụ 171 hiện đang được đánh giá cao về chất lượng thoại (với hạ tầng mạng dựa trên nền NGN tiên tiến) ổn định và giá cước rẻ.
Việc điều chỉnh vùng cước tạo lợi thế cạnh tranh hơn cho VNPT so với các doanh nghiệp còn lại đang cung cấp dịch vụ cố định. Hiện tại, Viettel, SPT vẫn đang tính cước theo cự ly. Và mới đây, sau khi VNPT giảm vùng cước, Viettel ngay lập tức đã ''phản pháo'', thống nhất cước cố định đường dài thành một vùng duy nhất. Hanoi Telecom cũng đang triển khai dịch vụ điện thoại đường dài VoIP 172 theo một vùng cước duy nhất.
Sau sự điều chỉnh cước của VNPT và Viettel, chắc chắn rằng, ba doanh nghiệp còn lại là SPT, EVN Telecom và Hanoi Telecom sẽ ''vào cuộc'', tiếp tục cuộc đua giảm cước, thu hút thuê bao!
-
Hoàng Hùng