(VietNamNet) – Dù là thu hút vốn đầu tư các đối tác quốc tế về phía doanh nghiệp mình hay mở rộng thị trường, vươn ra thế giới, các DN viễn thông đều đang có mục tiêu là bắt tay làm ăn với nước ngoài.
Mở đầu bằng thị trường Mỹ và Campuchia
Ngày 10/8 vừa qua, Viettel đã được nhận giấy phép cung cấp dịch vụ VoIP tại Campuchia và trở thành doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam đầu tư cung cấp dịch vụ ở nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư cho giấy phép cung cấp dịch vụ VoIP tại Campuchia là 1 triệu USD.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó TGĐ Viettel cho biết: ''Trong chiến lược phát triển lâu dài, Viettel theo hướng đa ngành, đa nghề, đầu tư tại thị trường trong nước, nhưng cũng có đầu tư ra thị trường nước ngoài. Khi chúng tôi đầu tư sang Campuchia, cũng có ý kiến cho rằng hiện tại thị trường trong nước còn chưa khai thác hết, tại sao lại đầu tư ra nước ngoài?
Thế nhưng, chúng tôi cho rằng khi đầu tư ra nước ngoài sẽ đồng thời khai thác thị trường trong nước tốt hơn. Hơn nữa, khi đợi khai thác xong thị trường trong nước mới đầu tư ra nước ngoài, thì Viettel sẽ không còn cơ hội đầu tư. Vì vậy, chúng tôi tiến hành đầu tư song song''.
Cũng theo ông Hùng, khi đầu tư ra nước ngoài, Viettel sẽ tạo ra được những liên minh, với mức cước đặc biệt rẻ, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Chẳng hạn như Singapore có chính sách cho khách hàng dùng dịch vụ di động nằm trong liên minh gồm Mỹ, Singapore, HongKong thì sẽ được miễn phí cuộc gọi trong những thị trường, tạo ưu thế cạnh tranh mới.
Trước đó rất lâu, Tập đoàn BCVT Việt Nam VNPT cũng đã nhắm tới mục tiêu mở Chi nhánh tại Mỹ để tiến hành các hoạt động nghiên cứu thị trường, hỗ trợ các đơn vị thành viên mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác Mỹ. Quan trọng hơn, động thái này nhằm quảng bá hình ảnh VNPT tại thị trường Mỹ, xây dựng phương án kinh doanh một số dịch vụ thích hợp (viễn thông, Internet, giá trị gia tăng..)
Lý do VNPT chọn thị trường Mỹ mà không phải là các nước khác (ví dụ như các nước trong khu vực) vì đây là thị trường ''bán buôn'' lưu lượng VT với quy mô lớn nhất thế giới, và có hệ thống hạ tầng mạng hiện đại, kết nối với tất cả các nước. Tất cả các cuộc gọi quốc tế xuất phát từ Mỹ tới các nước khác đều có giá cước rẻ hơn. Nguyên nhân chính do Mỹ buộc các nước muốn chuyển các cuộc gọi quốc tế qua Mỹ thì phải down (giảm) giá xuống. Ví dụ: cuộc gọi từ Pháp về VN sẽ có giá cước cao hơn là cuộc gọi từ Pháp, qua Mỹ rồi về VN.
Với vai trò này, thị trường VT Mỹ được coi là trung tâm trung chuyển các cuộc gọi quốc tế. Hầu như tất cả các công ty viễn thông hàng đầu thế giới đều có công ty con hoặc chi nhánh tại đây. Mặt khác, cộng đồng Việt kiều đông đảo (hơn 1,3 triệu người) tại Mỹ cũng là thị trường đầy tiềm năng cho VNPT trong việc cung cấp dịch vụ bán lẻ (thẻ trả trước, chuyển tiền nhanh..).
VNPT hi vọng khi vào Mỹ sẽ lập một công ty đại diện để thu được cước quá giang. VNPT sẽ hút các cuộc gọi quốc tế về VN phải qua Mỹ để hưởng loại cước này. Bản thân khách hàng, do giá cước rẻ, sẽ sử dụng dịch vụ này thay vì gọi trực tiếp từ Pháp về VN, sẽ gọi từ Pháp, qua Mỹ về VN. Vì vậy, đây là thị trường đầy tiềm năng đối với VNPT.
Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn này cũng đang gặp không ít khó khăn. Trở ngại lớn nhất của VNPT là luật pháp Mỹ không cho phép các DN 100% vốn nước ngoài như VNPT được mở công ty 100% vốn tại Mỹ. VNPT chỉ có thể mua lại khoảng 25% cổ phần của một công ty tại Mỹ để kinh doanh dịch vụ này nên có thể lợi nhuận thu về sẽ không cao bằng việc đầu tư trực tiếp 100% vốn.
Sau Mỹ, hiện tại, VNPT sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, đầu tư vào công ty viễn thông Acasia (Malaysia) là liên doanh của một số nhà khai thác lớn thuộc các nước thành viên ASEAN.
Xu thế bắt tay với đối tác quốc tế
Bên cạnh việc vươn ra thế giới, xu thế chung cho các doanh nghiệp viễn thông trong nước nhằm thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài là kêu gọi đối tác nước ngoài vào VN. Hợp tác sớm nhất trong lĩnh vực này là mạng di động S-Fone. Bà Trần Thị Ánh Tuyết - Trưởng bộ phận Quan hệ Công chúng, Trung tâm ĐTDĐ S-Telecom cho biết: ''Trung tâm Điện thoại Di động S-Telecom – nhà khai thác mạng điện thoại di động S-Fone - hoạt động dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC – Business Cooperation Contract) giữa Saigon Postel (SPT) và SLD Telecom (Hàn Quốc).
Năm 2000, hai bên đã đạt được thỏa thuận sau cùng để ký kết BCC và dự án có thời hạn hoạt động là 15 năm nhằm xây dựng hệ thống mạng thông tin di động sử dụng công nghệ CDMA 2000-1x , vô tuyến cố định và các dịch vụ GTGT khác trên băng tần 800 Mhz.''
Vốn đầu tư ban đầu của dự án lên đến 230 triệu USD, trong đó SPT đóng góp các tài sản vô hình như: thương quyền kinh doanh dịch vụ di động, quyền sử dụng tần số, kho số và 11 triệu USD vốn lưu động; đối tác SLD góp 218 triệu USD gồm vốn cố định và vốn lưu động. Trong khi đó, đối thủ tiềm năng, sắp trình làng di động là HaNoi Telecom đã ký kết với Hutchison Telecom dự án đầu tư với tổng vốn là 656 triệu USD vào năm 2005 để xây dựng mạng di động sử dụng công nghệ CDMA tại Hà Nội.
Đến thời điểm này, hàng loạt tên tuổi lớn trong làng VT thế giới cũng đã và đang làm ăn tại VN như Telstra, Alcatel, Ericsson, Nokia ...Thời gian tới, VN có xu hướng chuyển các doanh nghiệp viễn thông sang cổ phần hóa, nhằm tác động tốt hơn tới việc huy động thêm vốn từ thị trường quốc tế. Mô hình BCC trước đây đang không phù hợp, và nhà đầu tư đang trông chờ chuyển đổi sang mô hình liên doanh.
Mới đây, quan chức của Telstra-hãng viễn thông nước ngoài đã từng có mặt ở VN từ những ngày đầu tiên, cho rằng, mô hình đầu tư mới cần được áp dụng vì hệ thống BCC không còn phù hợp với xu hướng quốc tế. Phía Korea Telecom thì cho rằng: ''Những kinh nghiệm chúng tôi vốn có mách bảo chúng tôi phải đầu tư thêm, nhưng miễn là môi trường đầu tư cho các DN phải thuận lợi hơn.''
Theo đánh giá của các chuyên gia VT, do chi phí đầu tư cơ bản lĩnh vực VT sẽ tăng lên, lợi nhuận giảm đi do mức độ cạnh tranh tăng nên nếu tiếp tục duy trì mô hình BCC, VN sẽ chỉ thu hút được những nhà đầu tư kém chất lượng.
Trong hiệp định Thương mại Việt - Mỹ BTA, Việt Nam đã đồng ý cho phép thành lập liên doanh trong ngành viễn thông có vốn đầu tư của Mỹ. Theo Hiệp định BTA có hiệu lực tháng 12-2001, phía Mỹ được chiếm tối đa 49% vốn sở hữu trong các liên doanh dịch vụ viễn thông cơ bản tại VN (bao gồm điện thoại di động và vệ tinh) sau bốn năm; chiếm 49% trong dịch vụ điện thoại cố định sau sáu năm và chiếm 50% trong dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng sau hai năm. Cam kết này cũng sẽ được đưa ra với các nước khác khi VN gia nhập WTO trong năm nay.
Do vậy, VN sẽ mở rộng các loại hình đầu tư nước ngoài cho các nhà đầu tư quốc tế nói chung và các nhà đầu tư Mỹ nói riêng, tạo điều kiện cho ngành VT Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Khi gia nhập WTO vào tháng 12/2001, Trung Quốc cũng đã cam kết tự do hóa thị trường viễn thông nước này. Tiếp theo đó, từ tháng 12/2003, nhà đầu tư nước ngoài có quyền sở hữu tới 50% các công ty cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ nhắn tin trên toàn lãnh thổ TQ. Từ tháng 12/2004, một phần lớn các dịch vụ viễn thông cơ bản như cố định, di động và vệ tinh đã được mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Nhà đầu tư có quyền lập liên doanh kinh doanh trong nước và quốc tế tại lục địa TQ, với mức sở hữu tối đa 25%. Tỷ lệ này được tăng lên 35% trong năm 2006 và 49% trong năm 2007. |
-
Hoàng Hùng