Video game đang được dùng làm "thuốc chữa", theo đúng nghĩa đen, trong cuộc chiến chống lại những căn bệnh nguy hiểm như béo phì, ung thư và tâm thần phân liệt.
Nguồn: banderasnews.com |
Hàng trăm nhà phát triển game, chuyên gia y tế và những nhà hoạch định chính sách của Mỹ sẽ ngồi lại với nhau trong tháng 9 tới, trong khuôn khổ Dự án "Games vì Sức khỏe".
"Tôi nghĩ game hoàn toàn có thể ứng dụng vào các mục đích tốt đẹp", tiến sĩ Richard Tate của HopeLab, hãng tạo ra game Re-Mission dành cho trẻ em bị bệnh ung thư, cho biết. "Vấn đề là chúng ta thiết kế chúng như thế nào mà thôi".
Re-Mission là sự kết hợp hài hòa giữa nữ anh hùng họat hình "Roxxi" - được vũ trang đầy đủ, hiện đại chuyên tìm diệt các tế bào ung thư bên trong cơ thể con người - với những kiến thức chính xác về y sinh học.
HopeLab tin rằng sau khi chơi game, các bệnh nhân nhí sẽ có xu hướng chịu uống thuốc hơn, tự nguyện chấp nhận các liệu pháp điều trị cần thiết và hơn hết thảy là một niềm tin có thể đánh bại căn bệnh ung thư chết người. Theo Tate, hiện Re-Mission đang nhận được tới hơn 30.000 đơn đặt hàng từ hơn 55 quốc gia trên thế giới, chỉ 4 tháng sau khi phát hành.
Hiện tại, hãng cũng đang nghiên cứu phát triển các game đặc biệt để điều trị chứng trầm cảm, bệnh tự kỷ, bệnh thiếu máu và béo phì ở trẻ em.
Ben Sawyer, thành viên ban tổ chức Hội thảo Game Y tế sắp diễn ra, cho biết "Mục tiêu của chúng tôi là chứng minh ngay một công nghệ hùng mạnh như video game cũng có thể vượt ra khỏi lĩnh vực giải trí đơn thuần, và mặt khác, giải trí cũng là một phần của lối sống lành mạnh".
Cùng lúc, bang Tây Virginia của Mỹ cũng đang nghiên cứu để kiểm chứng liệu chơi game Dance Dance Revolution (DDR) của tập đoàn Konami Nhật bản có thể giúp trẻ em trở nên khỏe khoắn hay không. DDR là một trò chơi rất phổ biến tại châu Á, cho phép người chơi nhảy múa trên một bàn phím cảm biến lớn, bao gồm 4 mũi tên trái, phải, lên, xuống.
Để ghi điểm, người chơi phải di chuyển chân ăn khớp với những mũi tên hiển thị trên màn hình video, hoặc ở trình độ cao hơn, thực hiện các động tác giống với người nhảy mẫu của game.
Chuyên gia Emily Murphy, thành viên của nhóm kiểm chứng, cho rằng DDR sẽ sớm được triển khai rộng rãi tại bang này trước mùa tựu trường tới đây. "Cả học sinh lẫn giáo viên đều yêu thích game này. DDR có một sức sống mạnh mẽ, rất thu hút người chơi và thật may khi đó là một sự thu hút lành mạnh".
Mặc dù vẫn còn quá sớm để khẳng định những kết quả "trẻ, khỏe" như lời quảng cáo, song nhiều học sinh trước đây luôn từ chối lớp học thể dục giờ lại xếp hàng rồng rắn để được chơi DDR, bà Murphy cho biết. "Một em gái khá mập khi nhảy DDR đã giảm được tới 30 pound (gần 15 kg)".
Phần lớn thời gian hội thảo sẽ được dành cho việc giả lập môi trường bên trong cơ thể con người để giảng dạy y khoa - giống như cách các phi công tương lai được huấn luyện với những tình huống giả định vậy. "Chúng ta có thể đào tạo thực tiễn cho các y tá, bác sĩ. Bất cứ phương diện nào của cơ thể con người cũng có thể trở thành nội dung thú vị cho game", Sawyer nói.
Trọng Cầm (Theo AP)