Cuộc đua giành ngôi số một trên thị trường di động toàn cầu giờ chỉ còn lại hai đối thủ cân tài sức: Nokia và Motorola. Với một loạt chiến thuật khôn ngoan, Motorola đang được dự đoán sẽ soán ngôi Nokia trong một thời gian không xa nữa khi họ có được thị phần ở quý thứ 7 liên tiếp. Liệu sao có đổi ngôi và khách hàng sẽ được hưởng lợi gì qua cuộc đua này?
Thị trường tiêu thụ số một
Cuộc đua giành ngôi số một trên thị trường di động toàn cầu giờ chỉ còn lại hai đối thủ cân tài sức: Nokia và Motorola... |
Theo tờ Tin điện tử của Trung Quốc, nước này tiếp tục là thị trường tiêu thụ ĐTDĐ lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm nay và đang tăng trưởng ở tốc độ cao nhất. Cho tới cuối tháng 6, có hơn 70 doanh nghiệp có quyền sản xuất ĐTDĐ ở Trung Quốc trong khi thị trường tăng trưởng ở mức hai con số. Theo hãng Nghiên cứu Thị trường Sino, các thương hiệu nội địa của nước này chiếm 32,7% thị phần cho tới cuối tháng 4 năm nay, giảm rất nhiều so với con số hơn 50% có được trong năm 2004. Sở dĩ có hiện tượng này vì sự “đổ bộ” mạnh mẽ của các “đại gia” di động nước ngoài như Nokia, Motorola... Theo công ty Theo dõi Thị trường Trung Quốc - China Market Monitoring Co (CMMC), Nokia chiếm 30,3% thị phần thị trường ĐTDĐ nước này trong 5 tháng đầu năm 2006, tiếp đến là Motorola với 21,4%. Đây cũng là 2 công ty chiếm hai vị trí cao nhất về thị phần.
Tiếp đó là hàng loạt tên tuổi như Samsung, Bird, Lenovo, Sony Ericsson và Xoceco, chiếm từ 4 tới 10% thị phần. Vị trí cuối cùng và cách biệt hẳn hai vị trí trên là Philips, Haier, Konka, TCL và NEC với chưa đầy 2% thị phần/hãng.
Cũng theo số liệu từ Sino, trong năm 2005, Trung Quốc đã tiêu thụ tổng cộng 85,4 triệu máy di động, mức tăng trưởng hàng năm đạt 28%. Sino dự đoán, theo đà này, thị trường Trung Quốc sẽ có mức tăng trưởng từ 30-40% trong năm nay và tiêu thụ tổng cộng từ 110 tới 120 triệu máy di động. 90% số máy bán ra là loại GSM tuy số lượng máy CDMA được tiêu thụ cũng đang tăng lên. Các nhãn hiệu và model được yêu thích là Motorola V3, Nokia 3230 và N70 cùng Sony Ericsson W800, bán chạy nhất trong tổng số 1.600 model di động được cấp phép bán ra thị trường.
Người cười nụ, kẻ khóc thầm
Những con số của thị trường tiêu thụ số một toàn cầu về ĐTDĐ cũng đã phần nào phản ánh cuộc đua tranh quyết liệt giữa các hãng di động lớn trên thế giới.
Ngày 19/7, Motorola báo cáo doanh thu quý II của hãng với con số ấn tượng: Thu nhập ròng của quý II đã tăng 45% lên 1,4 tỷ USD trong khi doanh thu tăng 29% lên 10,9 tỷ USD. Ấn tượng hơn, Motorola đã có được thị phần tăng trưởng liên tiếp trong 7 quý liền. Theo hãng này ước tính, thị phần của hãng đã tăng 5%, từ 17% của năm 2005 lên 22% hiện nay.
Trong khi đó, theo hãng Phân tích Chiến lược, Nokia giữ 33,3% thị phần. Khoảng cách giữa hai “đại gia” đứng đầu thị trường di động giờ chỉ còn hơn 10%, không còn là khoảng cách an toàn cho Nokia nữa.
Cùng với những thông báo lạc quan và hết sức có lợi với những ai đang nắm giữ cổ phiếu của Motorola, Zander và các cộng sự của mình tiếp tục giới thiệu những model mới, xây dựng trên thành công của RAZR siêu mỏng, đó là KRZR, RIZR và MotoPhone. Những phản ứng ban đầu của thị trường khá tích cực với các sản phẩm mới này vì RAZR vẫn đang tiếp tục thành công, dù đã tiêu thụ tới hơn 50 triệu chiếc. Bob Laikin, Quản lý cấp cao của CELL - Nhà Phân phối cho Motorola, Nokia và nhiều hãng khác đã phải thốt lên: “Tôi cảm thấy đây sẽ lại là một sản phẩm “hot”.
Trong khi đó, Nokia bắt đầu chuyển hướng sang những model có tốc độ truyền dẫn cao với ổ cứng lớn. Một sản phẩm mới được đưa ra gần đây là model 3G N91 với ổ cứng lên tới 4 GB. Đây là một thủ thuật của Nokia khi họ muốn gây ấn tượng với các nhà cung cấp mạng về tương lai của 3G trong khi Motorola vẫn tiếp tục chạy theo khuynh hướng siêu mỏng. Các nhà cung cấp mạng hiểu rằng, với những sản phẩm kiểu này, họ có thể giúp khách hàng lưu trữ rất nhiều dữ liệu và cũng có nghĩa chiếc mobile càng lưu trữ được nhiều thì người dùng càng có khuynh hướng tải và sử dụng nhiều dịch vụ nội dung hơn từ phía các nhà cung cấp mạng. Đó chính là lợi nhuận. Một khi Nokia có được mối quan hệ đối tác tốt với các nhà cung cấp mạng thì việc bán sản phẩm ra sẽ trở nên vô cùng dễ dàng.
Đó là trên mặt trận công nghệ và thiết kế. Quay trở lại với trường hợp Trung Quốc, mặt trận chính để hai đối thủ đang ngang sức này so tài chính là các thị trường mới nổi. Tiếp tục có được thị phần cao nhất tại Trung Quốc, doanh thu của Nokia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Ấn Độ, cũng tăng lên tới 47%, mang về 2,06 tỷ Euro dù chỉ tập trung chủ yếu vào dòng điện thoại giá rẻ. Tuy nhiên, vị trí thứ nhất tại thị trường Bắc Mỹ đã rơi vào tay Motorola. Motorola tỏ ra bám đuổi quyết liệt Nokia khi tung ra nhiều chương trình giới thiệu các model mới tại Trung Quốc, Ấn Độ với sự tham gia của các ngôi sao giải trí. Ngay tại thị trường châu Âu truyền thống của Nokia, Motorola cũng đang từng bước thâm nhập mạnh mẽ. Charles Golvin, chuyên gia phân tích của hãng Forrester đã nói: “Cuộc chiến lớn về thị phần đang tiếp diễn tại các thị trường đang nổi. Nó sẽ bắt đầu từ dòng bình dân và người chiến thắng sẽ là người có khả năng đưa ra thị trường từ 30 tới 40 model” .
Đáng chú ý nhất trong các thủ thuật bám đuổi Nokia của Motorola mới đây chính là việc Motorola chủ động hợp tác với nhà cung cấp thiết bị mạng Huawei của Trung Quốc. Đây chính là cách để Motorola có thêm nhiều khách hàng mới, đặc biệt ở các thị trường đang nổi như Trung Quốc.
Trong khi cuộc đua giờ đây chỉ còn lại hai đối thủ cân tài sức là Nokia và Motorola, và khi hai hãng này tiếp tục công bố các tỷ lệ tăng trưởng thì thị phần của cả Samsung, LG - vốn đứng thứ 3 và thứ 4 trong top 5 nhà sản xuất ĐTDĐ lớn nhất toàn cầu - đều giảm vì họ chỉ chú trọng vào công nghệ mà bỏ quên thị trường. Vị trí thứ 4 của LG đã được thay thế bằng Sony Ericsson khi vẫn đang hút hàng với các model có tính năng nghe nhạc và chụp ảnh hiệu quả.
Chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa, năm tài khóa 2006 sẽ kết thúc. Cuộc đua giữa những người dẫn đầu ngày càng trở nên gay cấn. Giảm giá, thay đổi mẫu mã, tăng tính năng,... của sản phẩm đều để đi đến một mục tiêu duy nhất: giành khách hàng. Rõ ràng lựa chọn của khách hàng giờ đây được đặt lên hàng đầu. Và khách hàng có lợi nhất chính là kết quả của cạnh tranh lành mạnh.
(Theo Thụy Vũ/eCHIP Mobile)