Gần đây, cụm từ “quảng cáo trực tuyến” xuất hiện với tần suất ngày một cao trên các phương tiện truyền thông, nhưng với số đông, nó vẫn là một khái niệm xa lạ.
Ông Phan Minh Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty cổ phần Dịch vụ quảng cáo trực tuyến (QCTT) có cái nhìn về thực trạng và tương lai loại hình quảng cáo còn mới này với báo giới-
- Ông đánh giá thế nào về thị trường QCTT ở VN hiện nay?
Quảng cáo trực tuyến với mật độ khá lớn trên website: http://www.24h.com.vn |
- Ông Phan Minh Tâm: Theo tôi, VN chưa có thị trường QCTT đúng nghĩa và mọi thứ còn ở mức sơ khai. DN quảng cáo ít, website sống được nhờ quảng cáo chỉ đếm trên đầu ngón tay, công nghệ quảng cáo chỉ dừng lại ở bước ban đầu. Đã có một số người nhận xét vui là QCTT VN đang ở thời kỳ... đồ đá. Vì thế, doanh số quảng cáo thấp, toàn bộ doanh thu của các website hàng đầu như VietnamNet, 24h.com.vn, VnExpress, Tuổi trẻ Online, Thanh niên Online... cộng lại ước tính cũng chỉ đạt 64 tỷ trong năm nay, tức tương đương với 0,5% tổng giá trị thị trường quảng cáo.
Con số này quá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn QCTT ở Trung Quốc đã đạt hơn 3 tỷ nhân dân tệ, chiếm 2,3% tổng giá trị thị trường quảng cáo, Hàn Quốc đạt 850 tỷ won, chiếm 12% tổng giá trị thị trường.
- Phải chăng do chúng ta có quá ít người dùng Internet, thưa ông
- Trái lại, với 12,5 triệu người dùng, chiếm 15,08% dân số sử dụng Internet, QCTT có một lượng người xem khổng lồ không thua kém bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác. Hơn nữa, đối tượng mà loại hình quảng cáo này hướng đến đều là giới trẻ, có học thức và có sức mua khá cao.
Lý do khiến QCTT có doanh thu thấp là do các nhà quảng cáo, các DN chưa quan tâm đúng mức đến thị trường này. Người ta chỉ hiểu sự ảnh hưởng to lớn của Internet đến mọi tầng lớp trong xã hội chứ không chứng minh được bằng những số liệu cụ thể và càng khó thuyết phục khách hàng bỏ tiền nếu không có minh chứng cụ thể.
- Có nghĩa là tương lai của QCTT VN còn mờ mịt?
- Trái lại, loại hình quảng cáo này đang phát triển rất mạnh. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 70-100% mỗi năm trong vài năm tới và có thể đạt tới tổng doanh số hơn 500 tỷ đồng vào năm 2010.
Để đạt mục tiêu này, QCTT VN cần có những cuộc “cách mạng” mang tính đột phá, chẳng hạn thống nhất về định dạng banner, thống nhất cách tính phí, phát triển các công nghệ quảng cáo mới, thành lập hiệp hội để quảng bá và điều tiết QCTT, có những tổng đại lý chuyên đại diện cho các website để bán quảng cáo... Tóm lại, QCTT cần chiến lược dài hơi với bước đi bài bản, mang tính chuyên nghiệp và đẳng cấp quốc tế...
- Vậy đã có động thái nào theo hướng như vậy chưa?
- Đang và sẽ có, có thể lấy ngay công ty của chúng tôi làm ví dụ. Đến nay, chúng tôi đã liên kết, chia sẻ kinh nghiệm phát triển web với hàng trăm website đông khách khác. Liên kết của chúng tôi đã đạt được thỏa thuận thống nhất về định dạng banner ở một số vị trí quan trọng trong các website.
Chúng tôi đã ký hợp đồng độc quyền bán quảng cáo cho 62 website, trong đó có 24H.com.vn và Báo điện tử VietnamNet là 2 trong 3 trang web có lượng truy cập lớn nhất VN hiện nay. Về mục tiêu, chúng tôi cũng như các đồng nghiệp ai cũng mong muốn đạt được vị trí số 1 trong ngành QCTT, đồng thời là công ty bán quảng cáo nhiều đối tượng nhất VN.
- Theo ông, QCTT như thế nào để có hiệu quả nhất?
- Tôi cho rằng, còn tùy mục đích của chủ thể quảng cáo. Khi xây dựng một thương hiệu lớn cho mục tiêu dài hạn thì uy tín và tính phổ cập cần phải được đặt lên hàng đầu. Trong trường hợp này, DN cần quan tâm nhất đến số lượt quảng cáo được xem, vị trí đặt quảng cáo có trang trọng hay không.
Còn nếu DN cần quảng bá một sản phẩm có vòng đời ngắn dưới 2 năm như hàng điện tử, điện thoại di động... yếu tố cần chú ý nhất là số lượng vào mạng và tỷ lệ hành động (thông số thống kê hành vi của người dùng sau khi bấm quảng cáo như tải xuống hoặc điền vào một mẫu đăng ký...).
Với trường hợp này, DN cần đưa những thông điệp kêu gọi, thúc giục mạnh mẽ vào trong banner quảng cáo của mình. Ví dụ: “Click ngay-bay sang Đức”, “Bấm vào đây để trúng TV 21 inch”... Ngoài ra, một yếu tố khác không thể không nhắc đến là tính định hướng như muốn quảng cáo cho mỹ phẩm, đồ trang sức... thì nên tìm đến các website hoặc chuyên mục dành cho phụ nữ.
- Nhưng làm sao có thể “cân đo đong đếm” được hiệu quả của QCTT, thưa ông?
- Chúng tôi đề xuất DN cần xây dựng được hệ thống đánh giá tính hiệu quả của QCTT. Hệ thống này cần có khả năng thống kê và phân tích để đưa ra các dữ liệu như số lượt quảng cáo đã được xem, tỷ lệ click, tỷ lệ hành động, chi phí cho mỗi click, chi phí tiếp cận 1.000 khách hàng. Thậm chí, để giúp chuyên gia marketing đưa ra được quyết định đúng đắn nhất, hệ thống còn phải có khả năng phân biệt trình duyệt, hệ điều hành, độ phân giải màn hình, vị trí địa lý của máy tính đang dùng...
- Có vẻ như đã xuất hiện những bước đi đầu tiên của “cuộc cách mạng” về QCTT phải không?
- Chưa hẳn vậy. Đây chỉ là một đóng góp nhỏ mang tính công nghệ thuần túy cho ngành QCTT nước nhà. Nó đem lại các minh chứng cụ thể cho các DN về tính hiệu quả của quảng cáo trên Internet, điều mà nhiều nhà quản lý cũng như chuyên gia marketing còn khá mơ hồ. Sẽ cần đến rất nhiều đóng góp sâu sắc, khoa học hơn nữa mới có thể làm thay đổi tình hình nhưng tôi tin rằng ngày ấy đang đến. Xét một cách tổng thể, các DN đang và sẽ có thêm một công cụ marketing cực kỳ hiệu quả, phù hợp với quy luật vận động của kinh tế hiện đại - đó là QCTT.
(Theo Hà Nội mới)