Chính thức ra mắt vào ngày 8/8 vừa qua, Handy Play Games không giấu diếm mục tiêu tăng trưởng sau 6 tháng hoạt động là sẽ chiếm được 30% thị phần và trở thành nhà cung cấp game cho ĐTDĐ hàng đầu tại Việt Nam.
Liệu công ty này có thực hiện được tham vọng đó? e-Chip MOBILE đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Thúy, Phụ trách Marketing của Handy Play Games.
- Nhiều nhà cung cấp game di động (mobile games) tại Việt Nam đã từng thử nghiệm và thăm dò thị trường nhưng dường như mobile games chưa thực sự thu hút người dùng. Handy sẽ làm gì để tránh được những thất bại của các đơn vị khác?
Bà Bùi Thị Thúy: Ngoài chiến lược Marketing ra, chúng tôi sẽ tận dụng chính những điểm mạnh của sản phẩm mà chúng tôi cung cấp. Ví dụ như các games này trước khi được chọn để đưa ra thị trường đều đã qua nhiều công đoạn sàng lọc và đánh giá chất lượng khắt khe của nhà cung cấp trực tiếp games cho chúng tôi, kết hợp cả yếu tố phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đặc điểm chung của các games này là kịch bản hấp dẫn và mang tính giải trí, tương thích cao với nhiều loại ĐTDĐ của các nhà sản xuất khác nhau, âm thanh và đồ họa tuyệt vời. Có hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt mà người chơi có thể chọn tùy theo sở thích, đặc biệt là chúng rất dễ chơi mà không mất nhiều thời gian để tìm hiểu cách chơi.
- Giá tin nhắn cho một lần tải game di động là 15.000 đồng, chưa kể phí truy cập GPRS, có “quá cao” không?. Phải chăng nhà cung cấp mobile games sẽ được hưởng lợi nhiều từ phí tin nhắn cao thế này?
Nếu so với một số games hiện nay đang được các nhân viên tại cửa hàng điện thoại sao chép cho khách hàng ở mức giá 3.000 - 5.000 đồng hoặc tự khách hàng tải trực tiếp từ một số trang Web cũng phải trả cước ở mức giá trên thì giá mà Handy cung cấp tính ra vẫn rẻ nếu bạn so sánh giữa nội dung và chất lượng. Chưa kể rủi ro khác khi mua "nhầm" những sản phẩm bất hợp pháp, dễ gặp nhất là không tương thích với loại máy điện thoại của bạn và bạn phải mất thêm vài lần nữa để tải được một games mà mình có thể sử dụng được. Ngoài ra máy có thể bị nhiễm virus, phần mềm bị lỗi… Bạn biết đấy, nói 15.000 đồng nhưng thực ra sau khi trừ đi chi phí cho các nhà điều hành mạng di động (20-25%) và chi phí bản quyền cho nhà cung cấp games (50%), chỉ còn lại khoảng 25 -30%. Nếu trừ cả chi phí marketing thì phần còn lại không là bao nhiêu.
- Hiện người yêu thích mobile games ở Việt Nam có thói quen “xài chùa” games crack hoặc tải trực tiếp từ các đơn vị bán lẻ máy di động. Về nguồn cung cấp games của Handy thì sao?
Handy cung cấp 100% sản phẩm có bản quyền. Chúng tôi được Mobile Solution Services (MSS) hỗ trợ về công nghệ, đầu số và cả nội dung, trong đó nhiều nhất vẫn là mobile games. Hàng tháng, MSS nhập về khoảng trên 3.000 games mới, tuy nhiên trong số đó, chúng tôi chỉ lựa chọn một số games hay nhất để làm marketing và cung cấp cho thị trường. Đó là chiến lược của chúng tôi. Theo nhiều nghiên cứu, không nhiều khách hàng có tỷ lệ download trên 5 games mỗi tháng. Về mặt bản quyền, MSS có thể đảm bảo tuyệt đối cho chúng tôi. Họ đã ký hợp đồng phân phối games với trên 80% nhà cung cấp và phát triển games trên toàn thế giới.
- Chất lượng mobile games không chỉ phụ thuộc vào nội dung, kịch bản và độ hấp dẫn của trò chơi mà còn phụ thuộc rất lớn vào cơ sở hạ tầng, ở đây trực tiếp là việc kết nối GPRS hiện còn chưa thật ổn định. Handy có “kế sách” gì để hạn chế và vượt qua những khó khăn này?
Khách hàng của chúng tôi cũng chưa than phiền gì về việc download dịch vụ vì MSS đã đảm bảo cho họ về tiền cước phí games, họ chỉ trả sau khi họ download thành công. Đối với chất lượng dịch vụ của các nhà điều hành mạng, như việc kết nối GPRS, chúng tôi cũng như tất cả các nhà cung cấp dịch vụ khác chỉ có thể trông chờ vào sự ổn định và mong mọi thứ đều suôn sẻ.
- Một vài dự đoán của bà về thị trường mobile games của Việt Nam trong thời gian tới?
So với thị trường nội dung thông thường như nhạc chuông, hình ảnh… đã khá quen thuộc với khách hàng mà hầu như đã được các nhà cung cấp dịch vụ khai thác mạnh mẽ thì games cho ĐTDĐ có bản quyền ở Việt Nam dường như còn khá "mới". Tuy nhiên, đây sẽ là hướng đi sắp tới cho thị trường dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động.
-Xin cảm ơn bà!
(Theo eCHIP Mobile)