221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
827250
Chìa khoá để Việt Nam hội nhập viễn thông toàn cầu
1
Article
null
Nền tảng công nghệ IP:
Chìa khoá để Việt Nam hội nhập viễn thông toàn cầu
,

(VietNamNet) - Mới đây, Alcatel đã tổ chức một hội thảo về giải pháp IP cho các khách hàng tại thị trường viễn thông Việt Nam. Đây là giải pháp quan trọng trong việc giúp chuyển đổi các hạ tầng viễn thông cũ sang một nền tảng công nghệ mới, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn viễn thông trên thế giới khi gia nhập WTO.

Tại hội thảo, Alcatel đã giới thiệu về xu hướng IP hoá hạ tầng viễn thông của thế giới. Đây cũng là công nghệ cốt lõi trong hệ thống mạng thế hệ mới NGN (Next Generation Network) mà VNPT đang triển khai tại Việt Nam. Khi nói tới công nghệ IP (Internet Protocol) trong viễn thông, chúng ta có thể hình dung tới một hạ tầng mạng giống như Internet, nơi mà tất cả các loại dữ liệu từ âm thanh thoại, tin nhắn, dữ liệu truyền tải trên mạng, nội dung video truyền trực tuyến (streaming)... đều được gói lại bằng các gói tin (packet) và truyền trên mạng viễn thông, giống hệt như các gói tin được truyền trên mạng Internet.

Cuộc gặp gỡ của Alcatel với báo chí ngày 19/7/2006

Về công nghệ mạng IP của Internet, thế giới đã sử dụng nền tảng IPv4 từ khi Internet hình thành và phát triển rộng khắp ra thế giới. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các dải địa chỉ mạng IPv4 đang dần cạn kiệt, và cần phải mở rộng dải địa chỉ IP với chuỗi bit mã hoá dài hơn, và công nghệ IPv6 được đưa vào sử dụng trong những năm gần đây.

Các công nghệ mạng IP sử dụng trong các mạng viễn thông do đó cũng cần cải tiến để sẵn sàng tương thích với chuẩn giao thức mạng IPv6, và đây chính là một điểm mạnh mà Alcatel hứa hẹn sẽ cung cấp cho khách hàng của mình. Theo số liệu của hãng phân tích Synergy, trong vòng 18 tháng qua, tập đoàn viễn thông của Pháp này đã có sự phát triển vượt bậc trong phân khúc thị trường thiết bị mạng IP Edge và IP Core, chiếm thị phần lớn thứ 2 trên thị trường toàn cầu.

Trong buổi gặp gỡ với báo giới hôm 19/7, trả lời câu hỏi của VietNamNet về "những mảng thị trường nào tại Việt Nam sẽ được Alcatel chú trọng để cung cấp và triển khai các giải pháp IP", ông Victor Zhang, Giám đốc giải pháp marketing Bộ phận IP của Alcatel khu vực châu Á-TBD cho biết: "Chúng tôi sẽ tập trung vào các hạ tầng mạng viễn thông hiện có tại Việt Nam,  đặc biệt là các hạ tầng mạng mà chúng tôi đã từng triển khai cùng các đối tác lâu năm ở đây, để IP hoá hoàn toàn các hệ thống này. Alcatel đã có mặt tại Việt Nam từ 30 năm trước, và sản phẩm của chúng tôi có mặt rất nhiều vào hạ tầng viễn thông hiện có của Việt Nam".

"Tại các quốc gia khác, chúng tôi cũng tập trung giải pháp IP vào các mạng viễn thông cung cấp dịch vụ ADSL, IPTV và các hệ thống mạng nội thị (metro network). Đó cũng là những mục tiêu mà Alcatel nhắm tới tại thị trường Việt Nam".

Về mạng NGN đang được triển khai tại Việt Nam, bà Christine Gaulier, Phó GĐ điều hành kiêm Giám đốc kỹ thuật của Alcatel VN cho biết: "Hiện tại, mạng NGN ở quốc gia các bạn vẫn mới chỉ triển khai dịch vụ thoại Internet VoIP, trong khi nền tảng NGN cho phép cung cấp rất nhiều dịch vụ gia tăng khác. Chúng tôi sẽ tập trung vào việc triển khai các dịch vụ IPTV trên hạ tầng mạng thế hệ mới này".

Định tuyến các "dịch vụ non-stop" trên nền IP

Bà Christine Gaulier, Phó GĐ điều hành kiêm Giám đốc kỹ thuật của Alcatel Việt Nam.

Trả lời VietNamNet về việc các giải pháp IP của Alcatel sẽ dựa vào những ưu thế nào để cạnh tranh với sản phẩm của các đối thủ khác, nhất là trong bối cảnh khi các "đại gia" về thiết bị mạng viễn thông từ Mỹ và các nước phát triển đều đã tham gia vào thị trường Việt Nam và cũng đã triển khai những giải pháp IP quy mô, bà Christine Gaulier cho biết: "Trong 6 quý liên tục vừa qua, thị phần IP Edge của chúng tôi trên thị trường toàn cầu liên tục tăng lên và giành thị phần từ các đối thủ khác. Đó là vì giải pháp của chúng tôi sẵn sàng tương thích với công nghệ IPv6, luôn đạt các tiêu chuẩn cao nhất về mạng băng rộng VPN. Nhưng điểm mạnh thực sự trong các giải pháp IP của chúng tôi là các giải pháp định tuyến và dịch vụ hoạt động liên tục (non-stop routing, non-stop service)".

"Alcatel đang tạo nên làn sóng thứ 3 về những phát kiến IP, đó là các dịch vụ được định tuyến liên tục, do các thiết bị định tuyến của Alcatel được dự phòng card điều khiển 1+1 với card standby, nên việc lưu lại toàn bộ các thông tin về tuyến và các dịch vụ trên hệ thống và thời gian chuyển điều khiển từ card active sang card standby chỉ là vài milisecond. Các hãng cung cấp giải pháp IP khác chỉ mới dừng lại ở 2 làn sóng phát kiến đầu tiên: Làn sóng thứ nhất là định tuyến trong doanh nghiệp, với các giải pháp IP dành cho doanh nghiệp, cho phép thoại IP,  chia sẻ dữ liệu trong phạm vi văn phòng. Làn sóng thứ 2 được biết đến với khả năng định tuyến các dịch vụ và hạ tầng Internet, cho phép cung cấp các dịch vụ kết nối Internet ở mọi nơi, mọi lúc."

Bà Christine Gaulier giải thích: "Hiện chỉ có giải pháp của Alcatel là có khả năng cung cấp mọi dịch vụ trên nền IP như thoại, dữ liệu, video, cũng như khả năng hội tụ đa dịch vụ (di động+cố định...) một cách liên tục. Điều này có được là nhờ khoảng thời gian định tuyến để chuyển đổi giữa các vùng mạng và dịch vụ mạng chỉ diễn ra trong thời gian vài phần trăm giây, cho phép các dịch vụ này vẫn hoạt động và cung cấp thông suốt, không ngắt quãng." 

Chìa khoá để hội nhập viễn thông

Chia sẻ với báo giới về xu thế IP hoá đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, ông Victor Zhang cho biết: "Hiện các tập đoàn viễn thông lớn trên toàn cầu đều đã ứng dụng công nghệ IP vào các dịch vụ của mình để tăng cường khả năng cạnh tranh. Khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam sẽ phải đối diện với sức ép cạnh tranh rất lớn từ các đối thủ quốc tế. Do đó các bạn cần phải IP hoá các hạ tầng mạng và dịch vụ của mình càng sớm càng tốt, để không bị yếu thế hơn khi cạnh tranh hội nhập".

Ông Zhang nói thêm: "Alcatel đã triển khai những giải pháp chuyển đổi sang công nghệ IP cho các tập đoàn lớn trên thế giới, chẳng hạn như Dự án Lightspeed cho hãng AT&T, tập đoàn viễn thông lớn nhất nước Mỹ, Dự án 21CN cho British Telecom của Anh, hoặc Dự án CN2 cho China Telecom của Trung Quốc, hay dự án Titan cho tập đoàn viễn thông Telstra của Úc. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm và các giải pháp tối ưu cho việc triển khai các hệ thống ứng dụng công nghệ IP, và sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm này với các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam. Đó sẽ là những ưu thế quan trọng để các bạn có thể phát triển nhanh chóng và bắt kịp tốc độ với các quốc gia khác trong quá trình hội nhập toàn cầu".

  • Huy Phong

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,