(VietNamNet) - Đang dùng chiếc Nokia 6125 được ít lâu, chị Mai ngơ ngác không hiểu sao một ngày nó liên tục bị treo, pin rất nhanh cạn... dù chỉ nghe và gọi đơn thuần. Hóa ra cậu con trai chị lấy máy của mẹ ra nghịch và vô tình đã để nhiễm virus vì bật chức năng Bluetooth...
Nguy cơ tiềm ẩn...
Không có hiểu biết gì nhiều về mobile, chị Mai vội vàng mang đến trung tâm bảo hành để "phàn nàn". Đến đây chị Mai mới biết, chị cũng như nhiều khách hàng khác đã vô tình để virus "ăn" vào điện thoại. Từ đó, chị cũng hiểu thêm về chức năng Bluetooth của máy, chứ trước đây chị đâu để ý gì đến ứng dụng này.
Anh Trịnh Đình Trường, trưởng Phòng Kỹ thuật của Nokia Care 18 Điện Biên Phủ, Hà Nội, giải thích: Đa số hiện tượng nhiễm virus qua Bluetooth rơi vào dòng máy series 60 của Nokia vốn có rất nhiều model. Các dòng 80, 90 đến nay chưa có hiện tượng này vì mới có một số mẫu điện thoại và chạy trên hệ điều hành khác chứ không phải hệ điều hành Symbian như series 60.
Từ khoảng 2 năm nay, virus đã xâm nhập vào thế giới mobile và gây ra lỗi này. Theo đó, khi một máy điện thoại bị nhiễm virus, nó sẽ tự động gửi đi một file có đuôi .SIS. Trong bán kính hoạt động 10m của công nghệ Bluetooth, máy bị nhiễm sẽ hoạt động bằng cách "dò tìm" đối tượng đang mở cổng Bluetooth để "lây nhiễm". Khi máy khác đang trong chế độ bật cổng Bluetooth sẽ nhận được yêu cầu download file chứ virus. Nếu chủ nhân thấy thông báo hỏi có download hay không và chọn "accept" (chấp nhận) thì sẽ tải virus về máy mình.
File chứa virus nằm trong mục message (tin nhắn). Nếu người dùng bấm vào và cài đặt nó là chính thức máy... bị bệnh. Tai hại hơn khi alô đã trong tình trạng "cảm cúm" rồi thì sẽ tiếp tục lây lan sang các "đồng đội" khác. Tưởng tượng một chút là đủ thấy sự dễ dàng của tình trạng lây nhiễm có tính "dây chuyền" này.
Tác hại của nó như hiện tượng chị Mai đã thấy ở trên: pin sụt giảm nhanh, máy hay bị treo, mang máy đi chỗ khác sẽ chuyển file lây nhiễm sang máy khác... Anh Trường cho biết, khi đó sẽ có 3 cách giải quyết: Diệt bằng tay (với những người am hiểu về máy và các phần mềm kèm theo), format lại máy (nhưng sẽ bị mất dữ liệu cài đặt), đến cửa hàng sửa chữa - bảo hành nhờ khắc phục.
Anh Trường cho biết: "Tùy yêu cầu của khách mà chúng tôi sẽ can thiệp theo từng cách khác nhau. Việc xử lý hiện tượng này cũng không khó, quan trọng là lưu ý, hướng dẫn khách hàng để không để xảy ra trường hợp lây nhiễm tương tự".
"Tình trạng virus làm lỗi phần mềm điện thoại đến nay mới chỉ xảy ra chủ yếu với trường hợp gửi file qua đường Bluetooth. Còn hiện tượng nhiễm virus khiến máy thay đổi biểu tượng của nhà cung cấp dịch vụ mạng không phải do lây nhiễm qua Bluetooth mà do việc sử dụng GPRS".
Như vậy, tình trạng phải cài lại máy vì dính virus đã và đang xảy ra tại Việt Nam với mức độ lây lan cũng không kém so với hiện tượng tương tự ở nhiều nước khác. Sau virus máy tính đang thường xuyên gây nhốn nháo trên mạng thì với sự bùng nổ của điện thoại di động, người ta cũng bắt đầu lo ngại nhiều hơn về khả năng lây nhiễm virus đối với thiết bị này. Tuy nhiên, đến nay, ở nước ta mới chỉ nhắc nhiều đến tình trạng lây nhiễm virus máy tính, còn tình trạng tương tự với điện thoại vẫn bị bỏ ngỏ, chưa được cảnh báo đúng mức...
Chuyện cảnh báo - "chín người mười ý"?
Một phần mềm quét virus trên ĐTDĐ |
Số lượng điện thoại cầm tay luôn nhiều hơn số lượng máy vi tính (PC) và điện thoại thì có tính di động cao, gần như liên tục hoạt động, vì thế, thử tưởng tượng, nếu virus lây lan trong môi trường có tính chuyển dịch cao như thế, thử hỏi chuyện gì sẽ xảy ra? Có nguy hại hơn là chuyện nghẽn mạng, mất sóng diện rộng?
Còn nhớ cách đây hai năm, sự xuất hiện của sâu Cabir lây lan trên hệ điều hành Symbian gắn với sự lên ngôi của điện thoại di động đã khiến dư luận xôn xao. Rất nhiều lời cảnh báo, cách thức đề phòng được đưa ra (cho dù sau đó các chuyên gia đã công bố sâu Cabir chỉ phát tán chứ không phá hoại gì!) cũng vẫn khiến người ta coi đây như một ẩn họa khó lường đối với người sử dụng điện thoại. Nhưng từ đó đến nay, chưa có sự vụ nào cỡ sâu Cabir xuất hiện và không ít người thấy thở phào nhẹ nhõm nên đã "dễ tính" hơn trong việc tắt - mở chức năng Bluetooth.
Tuy nhiên với các chủ cửa hàng thì "khả năng điện thoại của bạn đã bị nhiễm virus máy tính" luôn ở mức khá cao. Theo khảo sát của VietNamNet, khi hỏi qua một số nơi sửa chữa điện thoại thì thường nhận được câu trả lời "đã có nhiều trường hợp máy điện thoại đem đến đây sửa là do bị nhiễm virus dẫn đến chết máy, lỗi phần mềm!".
Anh D.L, thợ sửa chữa điện thoại của một cửa hàng trên đường Láng (Hà Nội) cho hay: "Một số khách dùng điện thoại dòng cao cấp đến chỗ tôi yêu cầu cài đặt phần mềm chống virus. Tôi đã nhận sửa một vài trường hợp máy bị nghi nhiễm virus, hỏng phần mềm qua đường Bluetooth, nhưng thú thật cũng chưa có nhiều người gặp phải trường hợp này...".
Một người sửa điện thoại khác tiết lộ, đa số khách hàng cũng không có hiểu biết nhiều về phần cứng, phần mềm của điện thoại di động nên khi thợ sửa chữa bí trong việc tìm ra nguyên nhân hỏng hóc thì "đổ thừa" cho việc bị nhiễm virus vì sử dụng Bluetooth (!).
Cũng như virus máy tính, theo định kỳ 6 tháng, 1 năm, nhiều cơ quan nghiên cứu cũng đưa ra thông báo "danh tính" những loại sâu phát tán trên mobile, tuy nhiên, số sâu trên điện thoại chỉ là con số nhỏ bé so với sâu trên máy tính. Trước xu thế dự báo, virus điện thoại chưa xuất hiện nhiều nhưng sẽ tăng nhanh, một số hãng phần mềm như Symmatec, F-Secure đã cho xuất xưởng các loại phần mềm chống virus điện thoại...
Tại thị trường Việt Nam, theo tìm hiểu của VietNamNet, những loại phần mềm cũng như điện thoại có cài đặt sẵn phần mềm này chưa phổ biến. Còn trên thế giới, đã có ý kiến cho rằng, nguy cơ bảo mật đối với điện thoại di động đã bị thổi phồng để các hãng bán hàng!
Dù gì thì nguy cơ bảo mật với virus điện thoại vẫn là mối lo ngại của đa số người sử dụng ĐTDĐ, và sự nguy hại của cũng không kém nhiều so với mối đe dọa từ virus máy tính. Đó là vì chỉ cần một điện thoại bị nhiễm virus thì sự lây lan chắc chắn sẽ không chỉ trong phạm vi hạn hẹp. Tuy chưa có con số thống kê thiệt hại cụ thể từ virus ĐTDĐ, nhưng lời khuyên từ các nhà bảo mật vẫn là "cẩn tắc vô áy náy".
Nếu như với máy tính, trước mỗi đường link lạ không nên click để "thử xem sao" thì với di động, thiết bị PDA, để không bị dính "bệnh" qua bluetooth, người dùng cũng cần lưu ý với trạng thái truy cập tự do (visible to all mode) trong máy. Bluetooth là một chức năng rất thú vị, tiện ích, không thể không tận dụng, tuy nhiên, ít nhất khi chủ động bật - tắt chức năng này thì thiết bị vừa tiết kiệm được pin - vừa đề phòng sâu "ăn" điện thoại...
-
B.D