Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng theo nhiều chuyên gia trong ngành, mức tăng trưởng nửa đầu năm đạt khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hãng vẫn không ngừng giành giựt từng khách hàng bằng việc liên tục bổ sung tính năng và giảm giá thành cho sản phẩm.
Công nghệ tăng nhanh
6 tháng qua, các hãng không ngừng giới thiệu các model mới. Chiếm đa phần trong những mẫu mới này là ĐTDĐ tích hợp nhiều tính năng cao cấp. Tốc độ tăng “chấm”: từ 1,3 MP (N7610…) lên 2 MP (K750i) phải mất hơn một năm, nhưng lên tới 3,2 MP (P850) chỉ trong có 9 tháng. Bộ nhớ trong của ĐTDĐ cũng đã đạt đến 4 GB. Các model chụp hình 2 MP xuất hiện nhiều hơn hẳn với hơn 20 sản phẩm. Tính năng chụp hình VGA hay nghe MP3 giờ đã trở nên phổ biến.
Đó chính là những minh chứng cho thấy các hãng đã không ngừng gia tăng cạnh tranh trên phân khúc hi-end. Hai “đại gia” chịu chơi nhất trong việc tung ra sản phẩm mới chính là Nokia và Samsung. Trong đó, Samsung trở thành kẻ châm ngòi cuộc chiến sản phẩm công nghệ cao khi họ tỏ ra chẳng biết mệt mỏi trong việc tung sản phẩm mới. Đặc biệt từ khi mất ngôi á quân, dường như Samsung càng vùng lên mạnh hơn. Một bên là Samsung với đòn liên hoàn P850, I300x, D820, D520, P300… và một bên là Nokia cũng thể hiện sức mạnh với N-Series N71, N72, N80, N91…
Không chỉ muốn thể hiện về công nghệ, Samsung còn liên tục gây tiếng vang bằng các sản phẩm siêu mỏng và ngày càng mỏng hơn. Cái Samsung đang theo đuổi không chỉ là công nghệ mà còn là kiểu dáng. Nhưng dường như Nokia đã dành được thành công khá lớn với N70, N72, N80 và N91 trong khi Samsung vẫn phải cố gắng nhiều cho các model Hi-end của họ dù cho họ đang chiếm ưu thế về số lượng sản phẩm cấp cao mới ra.
Bên cạnh đó, Sony Ericsson có vẻ cũng chẳng muốn thua sút nhiều khi họ cũng tích cực nhân bản thêm cho dòng họ “Quý tộc nhạc số” bằng các model W700i, W810i… Nhưng chiêu thức “bình mới rượu cũ” của Sony Ericsson vẫn chưa thể hiện được tính hữu hiệu của nó. Một tên tuổi khác là BenQ-Siemens cũng đã bước nào thể hiện đẳng cấp sau khi liên doanh này liên tục cho ra các model giàu về tính năng công nghệ. Và bước đầu, liên doanh này theo dân trong nghề nhận xét, đã ít nhiều nhận được tín hiệu tốt từ thị trường. Ngược lại, tân á quân Motorola tỏ ra không mặn mà lắm với cuộc đua công nghệ. Hiện nay, model V3i của Motorola là sản phẩm có chất lượng chụp hình cao nhất của họ cũng chỉ là 1,23 MP. Tính thực dụng của người Mỹ khiến cho họ luôn muốn khai thác triệt để những gì mình có. Motorola vẫn đang ăn nên làm ra với dòng V3, và họ cũng lo chăm chút nhiều hơn cho phân khúc giá thấp.
Việc các hãng đẩy mạnh cuộc đua công nghệ sẽ giúp cho mức giá của các sản phẩm công nghệ cũ giảm xuống. Nên hiện nay, mức giá ĐTDĐ chụp hình VGA đã xuống dưới 2 triệu đồng và mobile có tính năng nghe MP3 cũng vậy. Hay để có thể mua ĐTDĐ chụp hình 1,3 MP, bạn chỉ cần dưới 3 triệu đồng và với khoảng 4,4 triệu đồng, bạn đã có thể sở hữu một "con dế" chụp hình 2 MP.
Nhưng có lẽ cuộc đua công nghệ này sẽ không còn mạnh mẽ vào nửa cuối năm, bởi nếu các hãng liên tục cho ra đời thêm nhiều model với tính năng công nghệ cao hơn nữa, họ sẽ khó có thể thu nhận được nhiều lợi nhuận như mong muốn từ sản phẩm Hi-end, vốn là dòng sản phẩn chiếm tỷ trọng lớn trong lợi nhuận. Cho nên, các sản phẩm sắp ra có lẽ tối đa chụp hình 3,2 MP nhưng có thể có thêm vài tiện ích phụ trợ. Điển hình là Nokia N93 sắp ra sẽ được trang bị khả năng Zoom quang học 3X.
Mobile với tính năng như chụp hình 2 MP sẽ giảm giá khá nhanh từ nay đến cuối năm, mức giá chỉ còn khoảng 2,3 triệu đồng (so với hơn 4 triệu đồng của đầu năm). Và có thể cuộc chiến công nghệ này sẽ tiến đến mức “bình dân hoá” các tính năng công nghệ cao của mobile.
Tiềm năng phân khúc cao thấp
Nhờ có sự giảm giá cước, các chương trình khuyến mãi từ nhà cung cấp mà số lượng thuê bao trong sáu tháng qua đã không ngừng tăng. Và cũng từ đó, phân khúc mobile cấp thấp thể hiện một vị thế mạnh. Bằng biện pháp giảm giá sản phẩm, các hãng đã đẩy phân khúc này trở nên cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, cú khai chiến của Motorola với chương trình điện thoại giá rẻ khiến các hãng khác chẳng thể ngồi yên.
Cho nên, bên cạnh việc không tăng cường thêm nhiều tính năng công nghệ hiện đại cho dòng Hi-end. Thời gian còn lại của năm sẽ là lúc các hãng tăng nhanh việc giới thiệu các model mới cho dòng sản phẩm cấp thấp để giành thị trường. Hiện nay, mức giá điện thoại GSM thấp nhất đã xuống dưới 600 ngàn đồng nên từ nay đến cuối năm, có thể mức giá này sẽ chỉ còn khoảng 400 ngàn đồng.
Thực tế hiện nay, ĐTDĐ CDMA thấp nhất cho mạng S-Fone là Motorola gần mức giá 440 ngàn đồng. Nếu S-Fone có thể tiếp tục gây ảnh hưởng của mình mạnh hơn thì mức giá dành cho điện thoại GSM cũng có thể hạ nhanh hơn.
Hàng "Tàu" lên tiếng
Trong sáu tháng qua, bên cạnh sự quay lại của VK Mobile và sự xuất hiện mới của I-Mobile từ Thái Lan, người ta còn thấy sự xuất hiện đáng chú ý của các thương hiệu điện thoại lạ từ Trung Quốc. Các sản phẩm này đa phần nhái sản phẩm của các “đại gia”. Chúng cũng tỏ ra là người theo kịp thời đại khi tích hợp khá nhiều tính năng cao cấp. Một điểm nhấn chính của dòng ĐTDĐ này chính là mức giá khá thấp khi chúng chỉ xấp xỉ 2 triệu đồng và đang giảm xuống nhanh hơn. Một khuyết điểm lớn của dòng ĐTDĐ này chính là chất lượng của nó không ổn định. Nếu trong thời gian tới, dòng điện thoại này giảm giá hơn nữa thì sẽ có nhiều khách hàng muốn sử dụng vì điện thoại rẻ tiền mà giàu tính năng.
Cũng có một thương hiệu điện thoại khác của Trung Quốc là TCL đang muốn quay lại thị trường Việt Nam sau khi họ đã sáp nhập cùng thương hiệu ĐTDĐ danh tiếng của Pháp là Alcatel.
Nửa cuối năm nay, thị trường ĐTDĐ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh. Dự kiến sẽ có nhiều bất ngờ trong diễn biến về giá thành dành cho ĐTDĐ trong khoảng thời gian này.
(Theo Ngô Minh Trí/eCHIP Mobile)