221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
819087
Săn giải thưởng bằng tin nhắn "ma"
1
Article
null
Săn giải thưởng bằng tin nhắn 'ma'
,

Để lấy được giải thưởng 16 triệu đồng, một khách hàng của FPT SMS đã nhắn tới 36.000 tin trong 1 tháng. Số cước phải trả cho số tin nhắn này phải  trên 100 triệu đồng (3.000 đồng/tin nhắn tham dự trò chơi). Có phải khách hàng này sẵn sàng chịu lỗ một cách vô lý như vậy để săn cho được một giải thưởng?

Bí quyết trúng thưởng

Ảnh minh hoạ DAD (Thanh Niên).

Theo tiết lộ của các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng di động như Dalink, Quang Minh DEC, LuckyWin, MobiCom..., gần như tất cả người trúng thưởng đều là những khách hàng nhắn tin với số lượng cực lớn, liên tục trong một thời gian ngắn. Gần như các giải thưởng về tin nhắn có dạng "có bao nhiêu người dự đoán như bạn?" đều do một nhóm khách hàng trúng thưởng, và những người này có mặt ở hầu hết các trò chơi SMS trúng thưởng.

Nguyên tắc để nhắn tin trúng thưởng cũng rất đơn giản. Thứ nhất, nghiên cứu kỹ quy định của trò chơi. Thứ hai, nhắn tin liên tục với số lượng cực lớn với các đáp án dự đoán khác nhau để "chặn đầu, chặn đuôi" đối với số lượng người dự đoán  hoặc các phương án có thể. Tất nhiên, nhắn tin cũng phải có bí quyết thì mới có lãi (dù số tiền tin nhắn nhiều hơn tiền giải thưởng). Theo đó, điện thoại di động nhắn tin phải được lập trình để nhắn tin cực nhanh, liên tục trong một thời gian ngắn. Thứ hai, sim di động dùng để nhắn tin phải là sim trả trước.

Các công ty tổ chức giải thưởng về tin nhắn đều thừa nhận, với những trò chơi có đáp án đơn giản, việc trúng giải phần lớn phụ thuộc vào câu dự đoán số người đoán trúng hoặc một câu hỏi tương tự như vậy. Với đáp án đúng và gửi khoảng vài nghìn dự đoán thì người nhắn tin chắc chắn sẽ trúng giải thưởng.

"Tin nhắn ma"

Để hạn chế tình trạng săn giải thưởng chuyên nghiệp, ông Vương Vũ Thắng, Giám đốc MobiCom - một công ty tổ chức khá nhiều trò chơi tin nhắn trúng thưởng - cho biết: "Chúng tôi đã thay đổi quy định của các trò chơi. Các câu hỏi như: "có bao nhiêu người dự đoán như bạn?" gần như không còn. Chúng tôi tạo ra các game khuyến khích khách hàng trả lời ngay và trả lời sớm sẽ được trúng giải". Bà Trần Hương Lúa, Giám đốc Trung tâm Dalink (Công ty VASC) thì cho biết: "Các game của chúng tôi được thiết kế sao cho giải thưởng được rơi một cách ngẫu nhiên vào một người nào đó tham dự giải và những người săn giải thưởng chuyên nghiệp sẽ không thể thực hiện được".

Bí quyết của việc gửi miễn phí các tin nhắn trúng thưởng nằm ở chỗ, tất cả các mạng di động tại Việt Nam đều không thể tính cước online (trừ tiền ngay lập tức) đối với dịch vụ tin nhắn mà thường trừ sau ít nhất 10 phút, cá biệt có mạng di động để cả ngày sau mới trừ. Chính vì thế, một số người săn giải thưởng chuyên nghiệp thường chọn thời điểm tài khoản chỉ còn vài trăm đồng để gửi hàng loạt tin nhắn dự thưởng và có khá nhiều người đã gửi được tới hàng nghìn tin nhắn. Những tin nhắn này đều là những tin nhắn dự thưởng hợp pháp nhưng nhà cung cấp thì không thu được tiền của khách hàng nhắn tin.

Do không thu được tiền từ các tin nhắn này nhưng vẫn phải trả rất nhiều giải thưởng nên các công ty SMS gọi đây là các "tin nhắn ma". Và các công ty SMS phải "cười đau, khóc hận" khi biết nhiều khách hàng đến nhận giải thưởng đã không hề trả tiền cho những tin nhắn họ gửi. Giám đốc một công ty về SMS nói: "Tôi tức nổ đom đóm mắt mỗi khi trao giải nhưng... vẫn phải trao giải". Tình trạng này đang khiến các chương trình nhắn tin trúng thưởng của các công ty cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động đứng trước nguy cơ phá sản bởi những người dự thi phải trả tiền thực sự thì cơ hội trúng thưởng gần như bằng 0; còn những người dự thi với "tin nhắn ma" lại gần như chắc chắn trúng thưởng.

Những "vua tin nhắn"

Trong số những người săn giải thưởng tin nhắn chuyên nghiệp, anh T.V.T được mệnh danh "vua tin nhắn Việt Nam" với số lượng tin nhắn trong gần 2 năm lên tới cả triệu tin. Anh T. cũng là người trúng nhiều nhất các giải thưởng về tin nhắn tại Việt Nam với số giải lên tới con số hàng trăm...

Thực tế, T. chỉ là trường hợp điển hình nhất của những người săn giải thưởng chuyên nghiệp với số lượng "tin nhắn ma" khổng lồ. Các nhà cung cấp dịch vụ ước tính có tới cả trăm người săn giải chuyên nghiệp như anh T. Đặc điểm chung của những "vua tin nhắn" này là họ liên tục thay đổi số sim điện thoại di động trả trước. Số sim di động của mỗi người ít nhất cũng  trên 30, cá biệt có người sử dụng tới hàng trăm chiếc sim trả trước.

Lãnh đạo của một mạng di động cho biết, bộ phận tính cước của mạng di động này đã phát hiện một số khách hàng sử dụng dịch vụ trả trước đã âm tài khoản lên tới hàng chục  triệu đồng. Ông cũng thừa nhận: "Hiện nay chúng tôi cũng đang phối hợp với các nhà cung cấp nội dung trên mạng di động để tìm giải pháp nhưng cũng chưa tìm ra biện pháp nào để ngăn chặn hoàn toàn tình trạng này". Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Công nghệ thông tin MobiFone thì nhận xét: "Vấn đề chính là các mạng di động tại Việt Nam đều chưa thể tính cước tin nhắn online. Một sim di động trả trước khi vừa mới hết tiền vẫn có thể nhắn tin "miễn phí" trong một thời gian ngắn hay dài tùy thuộc vào thời điểm trừ cước tin nhắn định kỳ của nhà cung cấp". Lãnh đạo của một mạng di động nhận định: "Nếu chưa xử lý được tình trạng tài khoản hết tiền mà vẫn nhắn tin được thì các "vua tin nhắn" vẫn tồn tại".

Hoàng Ly (Thanh Niên)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,