Công trình nói trên của các chuyên gia Ý chỉ là phát hiện mới nhất trong một chồng các nghiên cứu trước đây về ĐTDĐ, những tác động mà thiết bị này có thể gây ra cho não bộ và liệu có tồn tại mối liên hệ nào với bệnh ung thư hay không.
Theo dự đoán của giới phân tích, trong năm nay sẽ có khoảng 730 triệu điện thoại được bán ra, và số người sử dụng ĐTDĐ trên toàn thế giới sẽ vượt mốc 2 tỷ.
Trong số này, có tới hơn 500 triệu người đang sử dụng điện thoại GSM, loại thiết bị phát ra trường điện từ mà hiện tại, ảnh hưởng của nó lên sức khỏe con người vẫn còn là ẩn số và gây nhiều tranh cãi.
Tiến sĩ Paolo Rossini của bệnh viên Fatebenefratelli tại Milan và các đồng nghiệp đã tiến hành kiểm tra chức năng của vỏ não trong khi người dùng đang sử dụng điện thoại.
15 tình nguyện viên nam đã nói chuyện di động bằng điện thoại GSM 900 liên tục trong vòng 45 phút. Ở 12 trong số 15 người này, các tế bào vỏ não gần kề với điện thoại cho thấy dấu hiệu bị kích thích, tuy nhiên, trong vòng một giờ sau thí nghiệm, chúng đã trở lại trạng thái bình thường.
Các tác giả nhấn mạnh rằng họ không kết luận sử dụng di động có hại cho bộ não, tuy nhiên, những người có tiền sử động kinh có thể chịu ảnh hưởng không tốt từ bức xạ này.
"Chưa thể khẳng định được việc tiếp xúc liên tiếp, trong thời gian dài với tần số điện từ EMF từ điện thoại di động phát ra hàng ngày là có lợi hay gây hại cho thần kinh. Cần có thêm các công trình nghiên cứu để xác minh nghi vấn này và đưa ra các quy tắc sử dụng an toàn cho ĐTDĐ", nhóm nghiên cứu viết.
Trước đó, các nghiên cứu y tế về điện thoại di động đã cho ra những kết quả rất khác nhau, thậm chí là trái ngược. Năm ngoái, các chuyên gia Thụy Điển khẳng định dùng di động nhiều có thể gây ra nguy cơ u não.
Thế nhưng một nghiên cứu do 4 mạng di động lớn tại Nhật Bản tài trợ lại không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh bức xạ di động phá hủy tế bào hay DNA.
Tương tự, Hội đồng y tế Hà Lan cũng cho hay chưa có bằng chứng nào khẳng định bức xạ di động là có hại.
Thiên Ý (Theo Reuters)