221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
810044
25 sản phẩm hi-tech tệ nhất mọi thời đại
1
Article
null
25 sản phẩm hi-tech tệ nhất mọi thời đại
,

Tạp chí về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới PC WORLD mới đây đã công bố danh sách 25 sản phẩm tồi tệ nhất mọi thời đại.
 
Các sản phẩm được đưa vào danh sách này được lựa chọn ra trong hàng loạt các sản phẩm công nghệ cao đã xuất hiện trên thị trường kể từ khi PC WORLD xuất bản ấn phẩm đầu tiên cách đây gần một phần tư thế kỷ.
 
Sau đây là danh sách 25 sản phẩm đó:
 
1. America Online (1989-2006) 

 

Kể từ khi chính thức được thành lập vào năm 1989, khách hàng của America Online đã phải “tận hưởng” những phần mềm khủng khiếp, dial-up không thể truy cập, tiếp thị nghèo nàn, quá nhiều quảng cáo, phương thức thanh toán có quá nhiều điểm nghi vấn, dịch vụ khách hàng quá tồi tệ …. Trong khi đó, giá cả dịch vụ của AOL lại cao hơn các đối thủ cạnh tranh khác. Kết hợp tất cả những điều này đã đưa nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất thế giới lên vị trí đầu bảng trong danh sách 25 sản phẩm công nghệ tồi tệ nhất của PC WORLD.
 
2. RealNetworks RealPlayer (1999)

Không có khả năng chạy các tệp tin đa phương tiện truyền thông khiến cho người dùng nản lòng (Mặc dù một phần là do sự thay đổi định dạng tệp tin quá nhanh). Đây mới chỉ là một phần vấn đề của Real. RealPlayer còn một cách nữa gây khó chịu là nó “quá tự nhiên” trên máy tính của người dùng – khi cài đặt nó sẽ tự thiết lập mình trở thành một ứng dụng đa phương tiện truyền thông mặc định trên hệ thống hay quá tự nhiên chỉnh sửa Windows Registry, bung ra nhiều “tin nhắn” quảng cáo khó chịu cùng rất nhiều những thứ khác.
 
3. Syncronys SoftRAM (1995)

Quay trở lại những năm 1995, khi giá RAM ở mức 30-50USD/1MB và đứng trước “cơn khát” RAM của các ứng dụng trong Windows 95, đã có khoảng 700.000 người bị hấp dẫn bởi ý tưởng “tăng gấp đôi” dung lượng RAM hệ thống đến từ Syncronys SoftRAM. Nhưng thực tế, SoftRAM lại chỉ tăng dung lượng bộ nhớ đệm của Windows trên ổ đĩa cứng - một công việc quá đơn giản không cần đến phần mềm trợ giúp, do đó chỉ giúp cải thiện chút ít tốc độ hệ thống. Nhà sản xuất đã bị cáo buộc lừa đảo, phải thu hồi sản phẩm và đền bù thiệt hại cho khách hàng.
 
4. Microsoft Windows Millennium (2000) 

 

Đây được xem là phiên bản hệ điều hành Windows tồi tệ nhất của Microsoft. Chỉ một thời gian ngắn sau khi chính thức ra mắt vào cuối năm 2000, người sử dụng đã liên tục phàn nàn về các vấn đề liên quan đến việc cài đặt sử dụng, tính tương thích với các phần mềm phần cứng của ME hay làm thế nào để cho ME ngừng hoạt động. Thêm một điểm đáng buồn nữa là tính năng System Restore của ME lại có thể khôi phục cả những tệp tin nhiễm virus. Ngoài những vấn đề đó ra Windows ME vận hành khá tốt.
 
5. Sony BMG Music CDs (2005)
 

Đã từng bao giờ bạn nghĩ rằng một chiếc CD nhạc lại có thể biến hệ thống PC của bạn thành một thứ đồ chơi của tin tặc chưa. Nhưng đó lại chính là điều mà những chiếc đĩa CD nhạc của Sony BMG Music Entertainmen đã làm trong năm 2005. Phần mềm chống sao chép bất hợp pháp của những chiếc CD này cài đặt một “rootkit” lên hệ thống của người dùng.

Bất kỳ một tin tặc nào cũng có thể lợi dụng được “rootkit” này để cài một thứ gì đó tương tự như con keylogger và ăn cắp các thông tin cá nhân hoặc đoạt quyền kiểm soát hệ thống của bạn. Và bạn nên nhớ “rootkit” là công cụ giúp tin tặc “hô biến” các phần mềm độc hại của chúng trước con mắt của các công cụ bảo mật. Sony BMG đã bị khởi kiện và phải đền bù những thiệt hại.
 
6. Disney The Lion King CD-ROM (1994)

CD-ROM trò chơi The Lion King của Disney được xem là một trong số ít những sản phẩm đã “giết chết” ngày giáng sinh của hàng ngàn trẻ em. Vấn đề là ở chỗ trò chơi này lại dựa trên nền cơ chế đồ hoạ WinG của Microsoft. Điều này đồng nghĩa với việc phải chỉnh sửa các trình điều khiển card đồ hoạ mới có thể chơi được trò chơi này. Nếu không tương thích thì sao, thì khi bạn mở chiếc CD này bạn sẽ được thấy thế nào là “màn hình xanh chết chóc”. Nhưng đây là câu chuyện có cái hậu vui vẻ. Nhờ vào WinG mà ngày nay chúng ta mới có DirectX và Xbox.
 
7. Microsoft Bob (1995)

Khó một danh sách các sản phẩm tồi nào có thể vắng bóng người bà con của Windows – Bob. Được thiết kế nhằm mang lại giao diện “ưa nhìn” hơn cho Windows 3.1, Bob mang hình ảnh của một chiếc phòng khách với những đồ vật hay hàng hoạt các hình hoạt hoạ động mà khi người dùng nhắp chuột vào đó sẽ khởi động các ứng dụng tương ứng. Nhưng Bob nhanh chóng rời vào quên lãng trước “ánh hào quang” của Windows 95. Những người đã sử dụng cho biết Bob đặt ra quá nhiều câu hỏi so với số mà nó có thể trả lời được.
 
8. Microsoft Internet Explorer 6 (2001) 

Nhiều tính năng, dễ sử dụng nhưng lại dễ bị tin tặc tấn công nhất, Internet Explorer 6.x lại được xem là phần mềm kém an toàn nhất trên hành tinh này. Nếu người sử dụng IE truy cập vào một trang web nguy hiểm, họ sẽ rất dễ bị nhiễm các phần mềm độc hại. Sử dụng IE nhiều khi đồng nghĩa là tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm. Các lỗ hổng bảo mật trong IE liên tục được phát hiện, cái nọ nối tiếp cái kia, Microsoft dường như đã vá không xuể. IE trở thành một chiếc áo rách bươm.
 
9. Pressplay và MusicNet 2002

Bạn nghĩ sao bạn phải trả 15 USD một tháng chỉ để được phép nghe trực tuyến 500 bài hát có chất lượng thấp, tải về 50 bài và ghi ra đĩa CD 10 bài? Quá tồi tệ ! Nhưng đó lại là những gì mà Pressplay đã làm. Trên thực tế, chưa chắc bạn đã tải về mọi bài hát mà bạn muốn hay bạn khó có thể ghi ra đĩa được quá hai bài hát của cùng một tác giả. MusicNet cũng lâm vào tình trạng tương tự. Với 10 USD một tháng, bạn chỉ được nghe 100 bài hát trực tuyến và tải về 100 bài hát. Nhưng mỗi một bài hát bạn tải về bạn chỉ được sử dụng trong vòng có 30 ngày. Nếu bạn muốn nghe tiếp bạn phải trả tiền. Quá tệ!
 
10. Ashton-Tate dBASE IV (1988)

Phiên bản dBASE IV được xem là một thảm hoạ không thể được khắc phục của Ashton-Tate. Phá huỷ hoàn toàn những thành quả mà nhà phát triển xây dựng nên từ ngày đầu. Chỉ đúng một năm sau ngày dBASE IV ra đời, thị phần của Ashton-Tate đã giảm một cách thê thảm - từ gần 70% xuống dưới 40%. Kết quả Ashton-Tate phải sáp nhập với hãng khác, bán lại quyền sở hữu phần mềm cho một công ty mới.
 
11. Priceline Groceries and Gas (2000)
 

William Shatner - chủ sở hữu Priceline – đã không thể kiểm soát được các dịch vụ khi ứng dụng mô hình “name-your-price” (một hình thức đấu giá trực tuyến) vào việc kinh doanh gas và hàng tạp phẩm. Với mô hình này, người đi mua hàng tạp phẩm chỉ có thể nhận được giảm giá nếu họ không quá “kén cá chọn canh” thương hiệu mặt hàng hoặc sẵn sàng chấp nhận những điều luật quy định những gì có thể mua và cách trả tiền. Còn người mua gas phải thanh toán trực tuyến, chờ đợi thẻ gas của Priceline được gửi đến qua đường thư tay … mà chỉ để tiết kiệm có vài đồng xu. Priceline đã phải trả giá bằng sự phá sản.
 
12. PointCast Network (1996)

Khoảng giữa thập kỷ 90, khi mà công nghệ “đẩy” có được sự phát triển mạnh mẽ, chứng kiến sự ra đời ứng dụng “đẩy” của PointCast Network. Với ứng dụng này, người dùng có thể đọc tin và lấy thông tin trực tuyến trực tiếp trên PC thay vì phải lướt web – nhưng phải kèm theo chút quảng cáo. Chả bao lâu sau khi ra mắt, ứng dụng “đẩy” của PointCast đã “ra rìa” do nó chiếm qua nhiều băng thông đường Net dial-up. Thêm một nguyên nhân nữa chính là thói quen “trưng thu” luôn hệ thống PC của người dùng không thèm trả lại quyền kiểm soát của các loại trình bảo vệ màn hình/trình duyệt độc quyền PointCast. Các văn phòng nhanh chóng “cấm cửa” ứng dụng đẩy PointCast. Tuy nhiên, đây lại là tiền thân cho công nghệ RSS ngày nay.
 
13. IBM PCjr. (1984)

Kế hoạch sản xuất một chiếc PC giá rẻ dành cho người dùng gia đình và trường học của IBM đã thực sự thất bại thê thảm. Chiếc bàn phím “Chiclet” của chiếc IBM PCjr không thể sử dụng được. Thậm chí chiếc PC này còn không thể chạy được các phần mềm viết cho người bà con của nó IBM PC. Trong khi đó giá bán của PCjr lại cao gấp đôi sản phẩm của Commodore và Atari. Hai năm sau đó, IBM đã phải quyết định vĩnh viễn “chôn vùi” sản phẩm này.
 
14. Gateway 2000 10th Anniversary PC (1995) 

Không ai có thể tưởng tượng được sản phẩm kỷ niệm 10 năm có tên trong danh sách các nhà sản xuất PC hàng đầu của Gateway 2000 lại tồi tệ đến như vậy. Những gì mà Gateway 2000 gọi là ổ CD-ROM 6X nhưng thực ra chỉ có 4X mà có khi còn chậm hơn, một chiếc card đồ hoạ “tàn tật” hay một bộ loa “surround” nhưng không thực sự có khả năng “surround”.
 
15. Iomega Zip Drive (1998)

Hàng ngàn chiếc ổ đĩa Zip và Jaz của Iomega đã bị “chết” một cách bí ẩn, chỉ có những tiếng “click-click-click” do đầu ghi dữ liệu bị lệch và chỉ ghi được những dữ liệu không bao giờ có thể đọc được. Iomega đã bỏ qua mọi sự phàn nàn của khách hàng cho đến tận khi họ quyết định khởi kiện công ty này vào năm 1998. Mất 3 năm Iomega mới giải quyết được vụ việc.
 
16. Comet Systems Comet Cursor (1997)
 

Cho dù Comet Systems đã khẳng định phần mềm Comet Cursor - một loại phần mềm thay đổi hình dạng con trỏ chuột – của hãng hoàn toàn không phải là một spyware nhưng chả mấy ai đồng tình với hãng. Phần mềm này sẵn sàng bí mật tự cài đặt mình vào trình duyệt Internet Explorer hoặc RealPlayer mỗi khi người dùng truy cập vào một số trang web. Một số phiên bản phần mềm này còn “bắt cóc” luôn ứng dụng trợ giúp tìm kiếm của IE hoặc làm treo trình duyệt. Comet Cursor sau đó đã vĩnh viễn biến mất.
 
17. Apple Macintosh Portable (1989)

Không thể vận hành bằng nguồn điện AC mà chỉ dựa vào những tấm pin axít–chì “khổng lồ” khiến cho chiếc Macintosh “xách tay” của Apple được gọi là “một con quái vật”. Và bạn có sẵn sàng mua “con quái vật” này với mức giá 6.500 USD không?
 
18. IBM Deskstar 75GXP (2000)

Nhanh, to lớn và không đáng tin cậy là những gì để miêu tả chiếc ổ đĩa Deskstar 75GXP của IBM. Nó xứng đáng với tên gọi “Deathstar – Ngôi sao chết chóc” hơn nhờ vào “thói quen” bất cứ lúc nào cũng có thể hỏng và mang đi toàn bộ dữ liệu. Hậu quả, IBM đã bị kiện và phải trả 100USD cho những ai sở hữu Deskstar. Kết cục cuối cùng, IBM phải bán đơn vị sản xuất ổ đĩa này cho Hitachi vào năm 2002.
 
19. OQO Model 1 (2004)

OQO Model 1 hoàn toàn có thể tự hào là chiếc máy tính chạy Windows XP nhỏ nhất thế giới. Tuy nhiên, đó cũng chính là nguyên nhân nó được đưa vào danh sách này. Với OQO Model 1 bạn sẽ cần đến một chiếc kính lúp để đọc được những dòng văn bản trên chiếc màn hình tí xíu 5 x 3-inch, trong khi đó chiếc bàn phím lại quá nhỏ. Nhưng giá thành của Model 1 lại không hề nhỏ chút nào, hơn 1.900 USD đấy.
 
20. DigitalConvergence CueCat (2000)
 

DigitalConvergence đã gửi đến cho hàng nghìn độc giả báo, tạp chí một thiết bị quét mã vạch CueCat có tính năng giúp họ tìm kiếm trang web của các loại quảng cáo. Chỉ cần kết nối thiết bị vào một chiếc máy tính, cài đặt một vài phần mềm, quét mã vạch trên các quảng cáo thiết bị sẽ mang đưa ra chính xác trang chủ của nhà sản xuất sản phẩm đó. Nhưng đáng buồn thiết bị này lại còn được sử dụng để thu thập các thông tin cá nhân của người sử dụng. “Con mèo” CueCat đã bị “cắt móng vuốt” năm 2001.
 
21. Eyetop Wearable DVD Player (2004)
 

Bạn có thể tưởng tượng được là bạn vừa xem DVD vừa đi bộ hay lái xe được không? Thế mà Eyetop Wearable DVD Player lại muốn làm được điều đó đấy. Thiết bị bao gồm một đầu đĩa DVD xách tay chuẩn và “một đôi kính” khá nặng có trang bị màn hình LCD cỡ 320 x 240 bên mắt phải. Người dùng phải mang theo chiếc đầu DVD và pin trên vai, đeo đôi kính vào và rồi… chân nam đá chân chiêu hoặc bạn đeo thêm một cái gì đó để che mắt trái khi bạn vừa đi vừa xem chăng? Đáng buồn Eyetop chỉ gây nên một bệnh có tên gọi “say chuyển động” (motion sickness).
 
22. Apple Pippin @World (1996)

Trước thời của Xbox, PlayStation, DreamCast, Apple đã ra mắt một thiết bị chơi video game trên màn hình TV có khả năng kết nối Internet. Đáng buồn thiết bị này lại vận hành trên nền tảng bộ xử lý PowerPC quá yếu và đường truyền Internet qua modem chỉ có 14.4kbps. Chắc bạn biết điều gì sẽ xảy ra chứ? Người chơi sẽ liên tục bị “online hoặc offline”. Về sau thiết bị này được nâng cấp vận hành trên hệ điều hành Mac OS, nhưng đâu có game nào chạy trên Mac đâu, trong khi đó giá thành của nó lên tới 600 USD.
 
23. PC miễn phí (1999)

Cuối những năm 90 - những năm của phong trào “PC miễn phí” rộ lên, để nhận được một chiếc PC miễn phí của FreePC.com bạn phải trả lời một bản câu hỏi điều tra rất dài về thu nhập, sở thích, tình trạng hôn nhân …. Rồi bạn phải dành ít nhất 10 giờ một tuần để sử dụng chiếc PC đó và tối thiểu 1 giờ sử dụng web do chính FreePC cung cấp. Nhưng đổi lại bạn chỉ nhận được một chiếc PC Compaq Presario cấp thấp với 1/3 màn hình bị bao phủ bởi quảng cáo. Và khi bạn dùng chiếc PC đó lướt web, nó sẽ ghi lại xem bạn đã truy cập vào đâu, bạn sử dụng phần mềm gì và ai biết còn cái gì nữa? Thật là một cơn ác mộng đối với vấn đề “tính riêng tư”.
 
24. DigiScents iSmell (2001)

Năm 2001, DigiScents ra mắt iSmell - một loại thiết bị cắm trực tiếp vào cổng USB và sẽ toả ra các mùi vị thích hợp mỗi khi người dùng truy cập vào một trang web “có sử dụng mùi”. Nhưng người sử dụng đã nhanh chóng phải “bịt mũi” trước iSmell.
 
25. Sharp RD3D Notebook (2004)

Là chiếc máy tính xách tay có “âm thanh nổi 3D” đầu tiên, Sharp RD3D cũng có thể hiển thị được hình ảnh chiều 3D. Nhưng chiếc máy tính xách tay này cũng gây ra nhiều sự đau đầu hơn. Khi bạn bấm nút kích hoạt trạng thái 3D, RD3D vận hành chậm hẳn đi và hiệu ứng 3D chỉ được hiển thị ở một số góc rất hẹp. Nếu bạn di chuyển đôi mắt, hiệu ứng sẽ biến mất. Một chiếc lăng kính vạn hoa cũng không tồi tệ đến như thế.

Hoàng Dũng (Theo PC World)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,