Gã khổng lồ máy tính của Trung Quốc sẽ không cài đặt hay hỗ trợ hệ điều hành nguồn mở Linux trên bất cứ sản phẩm PC nào của mình, bao gồm cả dòng ThinkPad và series notebook 3000 mới.
Tuyên bố giật gân
Tuyên bố này được đích thân Frank Kardonski, giám đốc sản phẩm toàn cầu của Lenovo đưa ra. "Chúng tôi sẽ không có sản phẩm này dành riêng cho Linux và hiện cũng chưa có đơn đặt hàng nào dành cho các sản phẩm tùy biến với nguồn mở. Vào thời điểm này, chỉ có Windows mà thôi".
Với tuyên bố này, rõ ràng Lenovo đang muốn khẳng định "chiến tuyến" của mình như là một đối tác độc quyền của Microsoft, chỉ vài tuần sau khi hãng ký ký hợp đồng mua 1,2 tỷ USD phần mềm từ Gã khổng lồ phần mềm.
Người phát ngôn của Lenovo cho hay chính sách "Phi Linux" cũng sẽ được áp dụng cho cả nhãn hiệu notebook ThinkPad của hãng, mặc dù Lenovo vẫn sẽ cung cấp tư vấn và hỗ trợ cho những khách hàng "kiên trung" cài đặt hệ điều hành Linux đến cùng.
Nếu thật, ảnh hưởng đến đâu?
Mối quan hệ hữu hảo giữa Lenovo và Microsoft đã có từ rất lâu trước khi Lenovo mua lại bộ phận PC từ IBM hồi năm ngoái. Trong khi ấy, IBM lại luôn ủng hộ Linux ra mặt trong toàn bộ các dòng sản phẩm của mình. Những chiếc laptop Thinkpad từng được cài sẵn Linux trước khi nó được chuyển giao qua tay Lenovo.
Giới quan sát cho rằng vị thế hiện tại của Lenovo không thể ảnh hưởng nhiều đến chuyện kinh doanh của Linux trong tương lai gần, nhưng về lâu về dài, tình thế hoàn toàn có thể thay đổi. Cũng theo họ thì quyết định bỏ rơi Linux có thể khiến Lenovo thiệt hại chút ít về doanh thu bán hàng.
Trong số hai đối thủ lớn nhất của Lenovo thì HP đã bắt đầu chào hàng những mẫu notebook Linux đầu tiên ngay từ năm 2004. Dell cũng cung cấp cấu hình Linux cho một số model nhất định.
Lại là tin vịt?
Thế nhưng thông tin trên, đăng tải bởi website CRN cuối tuần trước, đã nhanh chóng bị phía Lenovo bác bỏ. Một người phát ngôn khác của Lenovo nhấn mạnh rằng Kardonski đã "cung cấp các thông tin không chính xác cho CRN" và rằng Lenovo vẫn dự định tiếp tục cung cấp Linux trên dòng ThinkPad.
"Không có gì thay đổi trong cam kết và sự hỗ trợ của chúng tôi đối với cộng đồng Linux cũng như các khác hàng và đối tác khác", ông Marc Godin, phó chủ tịch marketing cho sản phẩm notebook của Lenovo khẳng định với CNET.
Lenovo hiện đang kinh doanh song song hai họ laptop, series 3000 dành cho gia đình và ThinkPad dành cho doanh nhân. Theo như lời của Kardonski được CRN trích lại, thì chính sách "Phi Linux" sẽ được áp dụng cho cả hai họ sản phẩm này.
Chỉ là lầm lẫn?
Tuy nhiên, Godin nói rằng Kardonski đã "lầm lẫn" giữa việc Lenovo không cung cấp "License" phần mềm với cung cấp bản thân hệ điều hành Linux (!?!)
"Các công ty khác nhau sử dụng cấu hình Linux khác nhau cho notebook ThinkPad của họ nên Lenovo không thể cung cấp licenses phần mềm được. Khách hàng tự chịu trách nhiệm mua license. Ngay khi họ cầm được license trong tay, Lenovo sẽ tiến hành cài đặt luôn cấu hình lên ThinkPad", Godin cho biết.
Như để củng cố thêm cho lời phản biện của mình, Godin tiết lộ Lenovo đã có kế hoạch hỗ trợ Linux trên ThinkPad từ quý III năm nay, theo hợp đồng hợp tác với Novell. Các khách hàng Trung Quốc sẽ có thể mua máy tính với Red Flag, hệ điều hành Linux do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn.
Vậy thực hư câu chuyện này như thế nào? Hãy cùng chờ xem.
Thiên Ý (Tổng hợp CRN, CNET)