Hiện tại, các hình thức quảng cáo trực tuyến thông qua đặt banner, logo trên những website có lượng truy cập lớn đang ngày được giới marketing quan tâm. Tuy nhiên, số khách hàng tiếp cận với sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo chưa được xác định rõ. Chính vì thế, dịch vụ gửi e-mail trực tiếp đến các khách hàng có khả năng tài chính, theo từng khu vực, ngành nghề, đã thu hút mạnh mẽ những người chịu trách nhiệm quảng bá sản phẩm, dịch vụ của công ty đến tận tay khách hàng.
Ưu điểm của hình thức này là nhanh chóng, rẻ tiền hơn quảng bá trên các phương tiện truyền thống và khá phù hợp để giới thiệu các lĩnh vực kinh doanh máy tính, hàng điện tử, điện thoại, quà lưu niệm, tư vấn thiết kế, giới thiệu nhà hàng, cà phê và địa điểm vui chơi... Khách hàng chính của dịch vụ này là bộ phận marketing ở các công ty, những đối tượng kinh doanh trên mạng. Ngay cả một số người điều hành website cũng chọn dịch vụ này với mong muốn gia tăng số lượng thành viên truy cập.
Ông Lê Hoàng Vũ, chủ một dịch vụ cung cấp 1,2 triệu địa chỉ e-mail và phần mềm gửi thư điện tử với giá 350.000 đồng, cho biết: “Việc gửi e-mail quảng cáo sẽ giúp những người thực sự có nhu cầu biết đến đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Một số khách hàng không có nhu cầu nhưng cũng chưa muốn xóa vội những thông tin được gửi đến, để lúc cần có thể liên hệ”.
Những dịch vụ này sẽ cung cấp bản danh sách từ vài trăm nghìn đến vài triệu địa chỉ e-mail của doanh nghiệp và cá nhân, có thể phân loại đối tượng khách hàng và đảm bảo không trùng nhau. Tất cả số địa chỉ đó có thể nằm gọn trong 1 đĩa CD.
“Chúng tôi có một chương trình hút tất cả hộp thư từ các website, trung bình khoảng 4.000-5.000 địa chỉ e-mail mỗi ngày. Dữ liệu này sẽ được cập nhật và phân loại liên tục theo từng ngành nghề như du lịch, khách sạn, tin học...”, ông Tiến Phúc, chủ một dịch vụ cung cấp 7 triệu địa chỉ e-mail, cho biết. “Khách hàng của tôi thuộc mọi đối tượng, từ các công ty tin học lớn cho đến những dịch vụ thuộc về sức khỏe, y khoa mới khai trương”.
Ông Lê Hoàng Vũ tiết lộ thêm: “Có nhiều cách để lấy địa chỉ các hộp thư điện tử. Tôi sử dụng một phần mềm quét tất cả website tại Việt Nam nên có thể đảm bảo mức chính xác rất cao và chủ hộp thư thuộc loại có khả năng chi trả tài chính tốt. Đây là những địa chỉ e-mail đang hoạt động và đa số có đuôi là tencongty.com, tencongty.com.vn, hn.vnn.vn, hcm.vnn.vn, fpt.vn, hotmail.com, yahoo.com...". Tuy nhiên, theo một chủ dịch vụ có e-mail là quangcaotructuyen..., rao bán 6 triệu địa chỉ thư với giá 100 USD, thì danh sách này được tích lũy từ những lần hack diễn đàn, website của các doanh nghiệp, cá nhân.
Hiện nay, hầu hết dịch vụ kiểu này có hỗ trợ cho khách hàng những phần mềm gửi e-mail tùy chọn, dưới dạng file text, html, âm thanh, hình ảnh... với tốc độ gửi 1.000-2.000 địa chỉ mỗi phút. Ngoài ra, dịch vụ update địa chỉ e-mail, cung cấp phần mềm tự tìm kiếm e-mail với giá từ 100.000 đến 500.000 đồng cũng được quảng bá khá rầm rộ.
Tuy nhiên, hình thức quảng cáo kiểu spam này luôn bị sự phản đối mạnh mẽ từ số đông người sử dụng Internet, bởi ngoài việc gây phiền phức thì nguy cơ tiềm ẩn virus dưới hình thức này khá cao. Ngoài ra, việc các diễn đàn, website liên tục bị hack làm rò rỉ thông tin cá nhân khiến nhiều người sử dụng e-mail tỏ ra e ngại.
Chị Mỹ Chi, một nhân viên kinh doanh, bày tỏ: “Thật vô cùng khó chịu khi đang chờ đợi e-mail lại nhận được thông báo có thư mới, lúc mở ra thì là một spam chào giá các loại thuốc tân dược, như Viagra. Chưa kể cả chục e-mail rác khác phải dọn sạch sẽ mỗi ngày, với các nội dung từ giới thiệu cửa hàng bán linh kiện máy tính, tour du lịch cho đến bán phần mềm giá rẻ ở tận đâu đâu”.
Theo anh Trương Văn Hoàng, chủ một cửa hàng Internet tại quận 8 (TPHCM), thì thư rác thường gây chú ý bởi những tiêu đề hấp dẫn, hình ảnh khêu gợi hoặc file đính kèm với định dạng rất lạ. Đó là mối nguy hiểm cho những người sử dụng Internet thích tìm tòi những điều mới lạ nhưng thiếu kiến thức về tin học. "Có một số phần mềm cho phép chặn spam nhưng hầu hết người dùng không tự mày mò và thực hiện được”, anh Hoàng cho biết.
Cũng chính vì nhiều ý kiến phản đối spam mà không ít người muốn khai thác các chủ hộp thư đã tỏ ra lưỡng lự vì khả năng gây tác dụng ngược của chiến dịch quảng bá online. Ông Nguyễn Thành Tâm, chủ một cửa hàng máy tính ở quận Gò Vấp (TPHCM), bày tỏ: “Hình thức này cho phép tiếp cận đối tượng dễ dàng nhất, giá lại rất rẻ. Tuy nhiên, spam là vấn đề gây khó chịu cho người dùng Internet và quảng bá với hình thức này chưa thực sự khiến tôi an tâm, bởi chính tôi cũng rất ghét spam”.
Về phía người cung cấp dịch vụ, ông Tiến Phúc cho rằng: “Đa số khách hàng không đồng ý với spam, nhưng điều này không có nghĩa là từ chối tiếp cận. Việc quảng bá có gây khó chịu với khách hàng hay không còn tuỳ thuộc vào nội dung thông tin và lời lẽ gửi đến. Chúng tôi luôn xin lỗi chủ hộp thư nếu làm phiền”.
Cũng theo ông Tiến Phúc thì dịch vụ này hoàn toàn hợp pháp vì tại Việt Nam không có luật chống spam. Tuy nhiên, nếu gửi hàng triệu e-mail cùng lúc từ một máy chủ thì khả năng bị ngăn chặn thư từ các nhà cung cấp dịch vụ kết nối ISP sẽ rất cao. Và đối phó vấn đề này, các nhà cung cấp dịch vụ cũng đã nhanh tay thiết kế những chương trình tự động dò tìm host trống để gửi e-mail.
(Theo VNE)