Hiện nay, hiện tượng hack sim mới nhen nhóm ở Việt Nam, nhưng cũng đã khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng. Phóng sự "Hack sim - chuyện thật như bịa" đăng tải trên e-CHIP Mobile số 62 đã nhận được sự quan tâm rất lớn của bạn đọc. Tiếp nối mạch bài này, PV đã có cuộc trao đổi với đại diện của 3 nhà cung cấp mạng lớn nhất hiện nay.
(Ảnh: eCHIP M!) |
- Gần đây xuất hiện một số hiện tượng hack sim trên các mạng di động, đặc biệt là mạng GSM. Các ông có thể cho biết hiện trạng bảo mật của mạng Viettel/MobiFone/VinaPhone?
- Ông Tống Viết Trung - Giám đốc Viettel Mobile: Tình trạng hack sim di động phụ thuộc chủ yếu vào mức độ bảo mật (level security) của sim. Hiện tại, có hai hình thức hack sim. Thứ nhất, khách hàng mang máy di động đến cửa hàng sửa chữa, rất dễ gặp tình trạng bị copy dữ liệu của sim, để lộ thông tin bảo mật. Thứ hai, hacker có thể dùng những công cụ, thiết bị hiện đại, tinh vi để theo dõi quá trình liên lạc từ máy tới trạm gốc. Tuy vậy, tình trạng này ở Việt Nam nói chung và với mạng Viettel Mobile nói riêng thường khó xảy ra, vì hacker cần được trang bị máy móc hết sức tinh vi. Hiện trạng bảo mật mạng Viettel phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ sim di động. Phương pháp bảo mật quan trọng và duy nhất hiện nay tập trung vào công nghệ của sim. Trong tương lai, mạng Viettel sẽ đưa ra những sim di động có công nghệ bảo mật cao đảm bảo an toàn dữ liệu cho sim, từ đó bảo đảm được tính an toàn trong quá trình trao đổi của khách hàng.
- Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc VMS - MobiFone: Vừa qua, mạng MobiFone đã xảy ra vụ việc hack sim số đẹp. Nguyên nhân là do hacker biết được mật mã (password) do sơ hở tại một cơ sở giao dịch MobiFone. Thủ phạm đã truy nhập vào mạng VPN của MobiFone và dễ dàng lấy được những số điện thoại đẹp theo ý muốn. Đây là sơ hở của cơ chế quản lý, để lộ tên truy cập và password cho đối tượng này. Nhờ đó, hacker đã mạo danh, giả làm người truy cập vào hệ thống dữ liệu của chúng tôi. Tuy vậy, chúng tôi đã kịp thời nắm rõ thông tin trên để chủ động báo cho công an can thiệp. Bên cạnh việc bảo mật thông tin của mạng di động, tôi nghĩ MobiFone cần được hệ thống pháp luật can thiệp. Sau vụ hack sim này, nhằm tăng cường tính bảo mật, chúng tôi đã yêu cầu các cửa hàng, đại lý MobiFone thường xuyên đổi password và user name của nhân viên. Đồng thời, nhân viên nào để lộ thông tin sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới. Công ty sẽ thường xuyên tổ chức các khóa học nâng cao trình độ, tránh tái diễn tình trạng này...
- Ông Hoàng Trung Hải - Giám đốc Công ty Dịch vụ Viễn thông GPC, đơn vị chủ quản mạng VinaPhone: Tôi khẳng định mạng viễn thông hiện nay được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Mạng viễn thông có 2 phần: phần kết nối cho khách hàng và phần điều hành. Hai phần này thiết kế hoàn toàn độc lập nhau và có giao diện cực kỳ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU), đảm bảo an toàn tuyệt đối. Việc hacker chui vào điều khiển hệ thống viễn thông là hoàn toàn không thể xảy ra. Máy chủ (server) quản lý các dữ liệu, chẳng hạn như số liệu khách hàng, việc tính cước không kết nối vào mạng Internet. Ngay cả mạng truyền số liệu cũng không kết nối Internet. Chỗ tôi cũng phải dùng đến 2 máy tính, trong đó 1 máy kết nối Internet dùng cho công việc liên quan đến giao dịch.
- Liệu tình trạng hack sim này có tiếp diễn trên mạng Viettel/MobiFone/VinaPhone?
- Ông Tống Viết Trung: Viettel Mobile chưa gặp tình trạng tương tự như vụ hack sim di động vào mạng MobiFone vừa qua.
- Ông Lê Ngọc Minh: Tình trạng này chắc chắn sẽ không lặp lại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho ngôi nhà, chủ nhà phải giữ, phải thay khóa liên tục. Vì có nhiều kẻ cắp với hình thức đột nhập vào nhà tinh vi nên tôi cũng đề nghị cơ quan pháp luật cần xử lý nghiêm những kẻ trộm xâm nhập trái phép vào nhà riêng.
- Ông Hoàng Trung Hải: Với hệ thống mạng được thiết kế bảo mật như vừa đề cập, cho đến thời điểm này, VinaPhone chưa xảy ra tình trạng hack sim.
- Với tư cách là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, Viettel/MobiFone/VinaPhone sẽ làm gì để bảo vệ khách hàng của mình khỏi tình trạng bị hack sim?
- Ông Tống Viết Trung: Nếu không may gặp tình trạng tương tự, với tư cách là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, chúng tôi sẽ khuyến cáo khách hàng đổi sim cũ, huỷ sim cũ đi và thiết lập ngay sim mới cho số di động hiện thời của mình. Theo nguyên tắc, mỗi sim di động sẽ có mã bảo mật (Code Security) riêng. Nếu người sử dụng không dùng sim cũ nữa thì hacker sẽ không thể lấy dữ liệu từ đây. Vì vậy, chúng tôi cũng khuyến cáo thêm khách hàng, khi kiểm tra bảng cước điện thoại chi tiết hàng tháng của mình, nếu thấy số lạ không phải do mình liên hệ thì cần báo ngay cho nhà cung cấp dịch vụ.
- Ông Lê Ngọc Minh: Thứ nhất, người sử dụng nên coi máy di động như tài sản cá nhân của mình, không để nên cho người khác sử dụng. Thứ hai, nếu có những dấu hiệu bất thường (ví dụ như thấy có số lạ nháy vào máy mình) thì không nên liên lạc, báo ngay cho nhà cung cấp dịch vụ. Những người nháy máy thường là đầu nậu buôn bán số sim điện thoại đẹp trên mạng.
- Ông Hoàng Trung Hải: Tăng cường các giải pháp an ninh mạng là biện pháp mà GPC đã và sẽ tiếp tục thực hiện. Nếu thực sự có hiện tượng hack sim như báo chí đề cập, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với khách hàng và các cơ quan chức năng để đưa ra giải pháp phù hợp bởi đây là loại tội phạm công nghệ cao, cần sự vào cuộc của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
(Theo Hoàng Dung/eCHIP Mobile)