Dell đưa ra tuyên bố nói trên sau khi kết quả tài chính trong quý I/2006 của hãng được công bố. Lãi ròng của hãng tính đến hết tháng 5 vừa qua là 762 triệu USD, tương đương 33 cent/cổ phiếu, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu lại tăng 6% lên 14,2%, chủ yếu là nhờ tăng trưởng ở các thị trường nước ngoài.
Dell, hãng sản xuất PC lớn nhất thế giới, biện giải lý do lãi giảm là do hãng hạ thấp giá thành để tăng thị phần, đồng thời đầu tư nâng cấp dịch vụ khách hàng.
Còn đó âu lo
Thông tin về việc Dell sử dụng chip AMD đã đẩy giá cổ phiếu AMD tăng lên 13% sau phiên giao dịch chiều qua. Trong khi ấy, giá cổ phiếu Intel lại giảm gần 5%. Bản thân giá cổ phiếu của Dell cũng tăng 4%, đạt 23,95 USD/cổ phiếu.
Giới phân tích tự hỏi sao Dell phải chờ đợi đến tận lúc này mới chịu đưa chip AMD vào trong các sản phẩm của mình. Hiểu rõ thắc mắc này, Giám đốc điều hành của Dell cho hay Dell "phải nghe ngóng thị trường để xem khách hàng muốn gì. AMD rất thành công, vì vậy chúng tôi dùng chip của họ", Rollins nói.
Ông cũng vạch ra kế hoạch cải thiện tốc độ tăng trưởng của Dell trong thời gian tới. Theo đó, Dell sẽ tiếp tục hạ thấp giá thành sản phẩm, tiết kiệm chi phí hoạt động. Muốn vậy, họ sẽ phải hạ thấp chi phí bảo hành, thay đổi một số vật liệu và linh kiện của máy tính mà không làm thay đổi chất lượng.
Tuy nhiên, Dell không có ý định cắt giảm lực lượng lao động hiện nay. Thay vào đó, họ còn tuyển thêm 2000 nhân viên kinh doanh, hỗ trợ kỹ thuật mới và đào tạo lại hơn 5000 người. Hơn 100 triệu USD sẽ được Dell chi dùng cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng - mà theo Rollins là đang hoạt động "xuống cấp là làm tổn hại đến hình ảnh, doanh thu của hãng".
Bất chấp hàng loạt kế hoạch trên giấy đó, giới phân tích vẫn không hết lo ngại về tương lai tăng trưởng của hãng. "Rõ ràng là Dell đang trải qua nhiều thay đổi, nhưng những thay đổi đó đi kèm với vô số bấp bênh vô định", nhà phân tích Laura Conigliaro của Goldman Sachs nói.
Một số khác thì nhún vai :"Họ có nói được chi tiết nào cụ thể về cắt giảm chi phí đâu". Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận những điều mà ông Rollins trình bày về triển vọng của Dell có thể tạo ra cả một cơn địa chấn, sóng thần tại đế chế này.
Quá muộn?
Việc Dell chuyển sang xài chip AMD trong dòng máy chủ không thể giải quyết được nhiều vấn đề, nhưng nó là một dấu hiệu cho thấy Dell đang sẵn sàng thay đổi. Tuy nhiên, đến lúc này mới chịu dùng chip Opteron thì cũng đã là "quá muộn".
Đối thủ chính của Dell là HP đã cung cấp sản phẩm dùng chip AMD từ cả thập kỷ nay. Hiện chip AMD đang được cài đặt trong hơn 30 mẫu PC và máy chủ của HP. Ai cũng biết nhờ chip AMD mà khách hàng HP có nhiều sự lựa chọn về giá thành và hiệu suất hơn hẳn.
Trên địa hạt laptop, thị trường "hot" nhất hiện nay, mức tăng trưởng của Dell chưa bằng một nửa HP (12 so với 27%). Thị phần PC toàn cầu của Dell trong ba tháng đầu năm 2006 chỉ đạt 18,1%, trong khi HP đang vươn lên mạnh mẽ và đuổi sát nút với 16,4%. Chỉ có xét về doanh thu PC để bàn, Dell mới tỏ ra hơn HP (Dell tăng 3% , HP tăng 1%)
Dell tuyên bố tăng trưởng ở các thị trường ngoài nước mới là nhân tố quan trọng trong thời điểm hiện nay. Rollins cho biết doanh thu tại Trung Quốc đã tăng 29%, trong khi ở Hàn Quốc là 54% và Ấn Độ là 40%.
Đổi ngôi trên thị trường chip
Việc Dell cuối cùng cũng bán máy chủ dùng chip AMD cho thấy thị trường Chip đang có sự chuyển động rõ rệt. Từ bấy lâu nay, Intel luôn là nhà cung cấp duy nhất, độc tôn trong lòng Dell. Mối quan hệ khăng khít, bài AMD ấy chỉ bị lay chuyển mãi đến tận gần đây, với sự nổi lên của liên minh HP - AMD.
"Ngay đến Dell cũng phải thừa nhận AMD cung cấp các sản phẩm chip máy chủ cực tốt, nếu không muốn nói là tốt hơn", nhà phân tích Linley Gwennap nhận định.
Trong nhiều năm, AMD luôn chỉ được coi là cái bóng của Intel. Cho tới tận 3 năm trước, AMD mới thay đổi được phần nào định kiến này khi giới thiệu Opeteron, một con chip máy chủ đầu tiên chạy được trong cả chế độ 64 bit lẫn 32 bit chuẩn.