(VietNamNet) - Lâu nay, với những người Việt Nam quan tâm tới lĩnh vực công nghệ điện tử, con chip IC là một thứ khá quen thuộc, vì nó xuất hiện trong mọi sản phẩm điện tử, nhưng lại cũng rất lạ lẫm, vì hầu như không ai biết bên trong nó như thế nào. Nhưng giờ đây, người Việt đã có thể trực tiếp tham gia vào quá trình thiết kế nên những chip IC được sử dụng trong các thiết bị công nghệ cao cấp.
Chip IC analog quản lý nguồn điện sẽ tích hợp chức năng của nhiều chip IC linh kiện nhỏ khác, giúp giảm chi phí và tiết kiệm thời gian sản xuất. |
Bạn biết gì về một con chip IC?
Lịch sử hình thành và quá trình phát triển mạch điện tử tích hợp (IC) |
Năm 1947 (được coi là năm gốc - năm 0 của ngành bán dẫn) khi Shockley, Brattain và Bardeen thuộc phòng thí nghiệm Bell của Mỹ đã phát minh ra Transistor. Bởi phát minh quan trọng này ba nhà khoa học đã đạt giải Nobel Vật lý năm 1956. Năm 1952, đơn tinh thể silicon được sản xuất; nhà khoa học người Anh Geoffrey W.A Dummer công bố khái niệm về mạch tích hợp (IC) ngày 7 tháng 5 năm 1952 tại Washington D.C, nhưng vào năm 1956 Dummer đã không thành công khi thử nghiệm xây dựng mạch tích hợp. Năm 1958, mạch tổ hợp được phát minh. Tháng 7 năm 1958 Jack Kilby vào làm tại Texas Instruments, ngày 24 tháng 7, Kibly có một ghi chú quan trọng là “các linh kiện như điện trở, tụ điện và transistor nếu được làm từ cùng một vật liệu thì hoàn toàn có thể tạo ra các mạch điện trên cùng một phiến đế gọi là chip”. Vào ngày 12 tháng 12 năm 1958 Kibly đã xây dựng một IC dao động đơn giản gồm 5 linh kiện được tích hợp và đăng ký phát minh mang tên “Miniaturied electronic circuit” vào năm 1959, với đóng góp quan trọng này Kibly đã nhận giải Nobel Vật lý cùng hai nhà khoa học khác. Năm 1959, công nghệ Planar ra đời, cho phép tích hợp các linh kiện trên một phiến bán dẫn với tỷ lệ tích hợp cao. Phát minh của Kibly có hạn chế là các thành phần mạch riêng lẻ được nối với nhau bằng dây vàng do vậy rất khó linh hoạt về tỷ lệ tích hợp khi IC có độ phức tạp cao. Năm 1958 nhà vật lý người Thụy Sỹ, Jean Hoerni đã phát triển cấu trúc chuyển tiếp PN trên đế silicon, tromg đó, một lớp mỏng oxit silic được dùng để cách ly và được ăn mòn tạo điểm tiếp xúc có thể nối ra ngoài. Nhà vật lý người Czech, Kurt Lehovec đã phát triển công nghệ sử dụng lớp chuyển tiếp PN để cách điện. Robert Noyce đã có ý tưởng chế tạo mạch tích hợp bằng cách kết hợp các công nghệ của Hoerni và Lehovec, làm bay hơi một lớp kim loại mỏng lên trên các lớp oxit silic, lớp kim loại này sẽ nối các điểm mạch và được ăn mòn theo các đường mạch định trước. Chip IC (Intergrated Circuit) hay mạch tích hợp là một thiết bị điện tử có kích thước hình học nhỏ, được làm từ vật liệu bán dẫn, nó bao gồm một số lượng lớn các transistor và các linh kiện khác được chế tạo trên cùng một đế silic. Ngày nay người ta phân loại các mạch tích hợp dựa theo tiêu chí về tỷ lệ mật độ tích hợp như sau: SSI: (Small-Scale Integration): Độ tích hợp cỡ nhỏ gồm khoảng 100 linh kiện điện tử trên một chip. MSI (Medium-Scale Integration): Gồm từ 100 đến 3000 linh kiện trên chip LSI (Large-Scale Integration): Có từ 3000 tới 100000 linh kiện trên một chip (1970) VLSI (Very Large-Scale Integration): Từ 100000 tới một triệu linh kiện trên một chip (1980) ULSI (Ultra Large-Scale Integration): Hơn một triệu linh kiện trên chip. |
Các thợ sửa chữa điện tử, TV, ĐTDĐ, laptop... tại Việt Nam có thể thay thế chúng dễ dàng trên các thiết bị này cho bạn khi chúng gặp sự cố, và bạn được họ "phán bệnh" là "chết" IC. Chỉ với một chiếc mỏ hàn, cuộn dây thiếc và cục nhựa thông, họ có thể "hút" mối hàn thiếc nhổ con IC to bằng đầu ngón tay đó ra khỏi bảng mạch, vào lục tung kho đồ cũ lên để tìm đúng con IC giống y hệt trên một thiết bị tương tự, cấy lại vào bảng mạch thiết bị điện tử của bạn. Lập tức món đồ hỏng lại hoạt động được trở lại.
Đó là một trong những công việc đơn giản nhưng hiệu quả nhất mà dân sửa đồ điện tử mới vào nghề nào cũng biết. Tuy nhiên, thậm chí, ngay cả những người thợ cao tay nhất cũng chỉ có thể nhìn mặt con chip IC và xác định ngay được nó có thể được sử dụng trong những thiết bị nào, có bao nhiêu chân, cấy làm sao để không bị... cháy cả bảng mạch. Còn thực tế, họ cũng không thể biết được bên trong con IC đó là cái gì.
Công nghệ bán dẫn để chế tạo nên con chip IC rất phức tạp, và chỉ nghe qua thôi, người ta đã cảm thấy nó xa vời với nền tảng công nghệ hiện có của Việt Nam: Chip IC hay mạch tích hợp (Intergrated Circuit) là một thiết bị điện tử có kích thước hình học nhỏ được làm từ vật liệu bán dẫn, nó bao gồm một số lượng lớn các transistor và các linh kiện khác được chế tạo trên cùng một đế silic.
Kỹ sư Việt Nam đã thiết kế được chip IC cao cấp?
Dù chưa thể tự hoàn thiện từ đầu đến cuối, nhưng lần đầu tiên tại Việt Nam, các chuyên gia của công ty Active-Semi VN đã tham gia đáng kể vào quá trình thiết kế cấu trúc chip IC analog quản lý nguồn điện dùng trong các thiết bị điện tử như ĐTDĐ, laptop... Đó là các chip IC đóng vai trò quan trọng trong việc kéo dài tuổi thọ và thời gian sử dụng nguồn điện pin.
Trong các thiết bị tương thích với thế giới thực như điện thoại, máy quay video, laptop... các tín hiệu vào ra có tính tương đồng, (hay tương tự) với nhau (tiếng nói, hình ảnh, sinh học...). Vì vậy, để xử lý các tín hiệu này cần phải có các IC analog (còn gọi là IC tương tự) để giao tiếp và chuyển đổi thành tín hiệu số cho các chip IC số (digital IC) xử lý.
Bản thiết kế chip IC analog "made-in-VN" nói trên, sau khi triển khai tại Việt Nam, được các chuyên gia tại tổng hành dinh Tập đoàn Active-Semi tại Silicon Valley (Mỹ) hoàn thiện và chuyển qua nhà máy sản xuất chip ở Thượng Hải, Trung Quốc để ra sản xuất thành phẩm. Đây sẽ là các IC analog tích hợp mọi hoạt động quản lý nguồn điện bên trong chiếc ĐTDĐ: từ màn hình, đèn bàn phím, nguồn sạc pin.. đến đèn LED/OLED, quản lý điện áp, hiệu suất pin, chống suy hao điện năng... Sản phẩm chip IC tích hợp này sẽ được cung cấp cho các hãng sản xuất ĐTDĐ lớn trên thế giới.
Bước khởi đầu cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam?
Sơ lược về chip IC analog (còn gọi là IC tương tự) Trong các thiết bị tương thích với thế giới thực như điện thoại, máy quay video, laptop... các tín hiệu vào ra có tính tương đồng, (hay tương tự) với nhau (tiếng nói, hình ảnh, sinh học...). Vì vậy, để xử lý các tín hiệu này cần phải có các IC tương tự để giao tiếp và chuyển đổi thành tín hiệu số cho các IC số xử lý. IC analog là loại IC thực hiện các biến đổi điện tuyến tính (như IC ổn áp, IC điều chế, IC tạo dao động,…). Thường thì khả năng thích nghi của IC tương tự cao hơn IC số do trong quá trình thiết kế chế tạo người ta đã cố gắng tạo ra những IC có dải điện áp vào lớn, chịu tác động môi trường cao, thời gian đáp ứng nhanh, và nguồn cung cấp dải rộng,… |
Tuy công nghệ sản xuất IC còn rất mới mẻ ở Việt Nam, và với cơ sở vật chất hiện nay, rất khó để xây dựng một ngành chế tạo và sản xuất IC. Tuy nhiên, đây là ngành công nghệ cơ bản để phát triển ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn.
Xu thế của thị trường thế giới hiện nay là tiến tới các sản phẩm điện tử công nghệ cao có kích thước gọn nhẹ nhưng nhiều chức năng. Vì vậy thị trường về chip IC tích hợp sẽ tiếp tục tăng trưởng rất mạnh trong thời gian tới. Việc tiếp cận với các công nghệ thiết kế chip IC, và không lâu nữa là lắp ráp, thử nghiệm với nhà máy ATM của Intel tại TP.HCM, sẽ là những tiền đề quan trọng để tạo dựng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn khi từng bước hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Lợi thế của các nước đi sau là thừa hưởng các thành tựu khoa học của các nước tiên tiến. Nếu nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật tiên tiến, các xu thế phát triển để ngày càng làm lớn mạnh của ngành khoa học kỹ thuật trong nuớc, với lợi thế về nguồn lực con người, Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhận khâu thiết kế và đây có thể sẽ là hướng đi đúng đắn trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay.
Nghe có vẻ quá to tát và kỳ vọng, nhưng thực tế, Việt Nam hoàn toàn có thể bắt đầu từ những bước đi như vậy. Từ tiếp cận, làm chủ công nghệ thiết kế chip tích hợp, tiến dần tới xây dựng các nhà máy sản xuất các chip linh kiện điện tử (như IC analog quản lý nguồn của Active-Semi) để cung cấp cho các thị trường khu vực, rồi nâng lên các sản phẩm chip cao cấp hơn, thậm chí cả bộ xử lý cho máy tính, thiết bị di động... Đây chính là con đường mà các thị trường bán dẫn lớn của châu Á như Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc đã hình thành và phát triển mạnh như hiện nay.
Phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao
Active-Semi là một tập đoàn chuyên sản xuất
và cung cấp các giải pháp toàn diện về IC quản lý nguồn cho các thiết bị điện tử, di động và ứng dụng công nghệ cao. Được thành lập năm 2003 tại thung lũng Silicon (Mỹ) bởi một Việt kiều có tên Steven Thu Huynh, Active-Semi hiện đã có các trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) tại Mỹ và châu Á, với các chi nhánh ở Thượng Hải, Hong Kong, Đài Loan, Shenzhen. Tháng 1/2006, Active-Semi tới Việt Nam.Tuy tổng số nhân viên trên toàn cầu của Active-Semi năm 2005 chỉ khoảng 90 người, nhưng mỗi tháng, hãng vẫn đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 6 triệu chip IC, doanh số đạt khoảng 8 triệu USD/năm.
Hiện Active-Semi đang có chiến lược tuyển dụng và đào tạo các kỹ sư làm việc trong lĩnh vực thiết kế chip IC analog tại Việt Nam, tiến tới các thiết kế sản phẩm chip hoàn toàn do người Việt Nam thực hiện. Đây sẽ là một cơ hội để các kỹ sư trẻ yêu thích lĩnh vực bán dẫn và chip điện tử tiếp cận với những công nghệ tiên tiến trên thế giới, góp phần tạo cơ sở cho một nguồn nhân lực công nghệ cao trong tương lai.
Vào chiều thứ sáu tuần này, 12/5, Chủ tịch và các lãnh đạo cao cấp của tập đoàn Active-Semi, cùng đại diện chi nhánh tại Việt Nam sẽ có buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc VietNamNet để chia sẻ thêm thông tin về triển vọng của thị trường chip IC analog trên thế giới.
Những vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao tại thị trường Việt Nam cũng sẽ được các lãnh đạo Active-Semi trao đổi cùng bạn đọc. Thông tin về vai trò của IC analog trong các thiết bị công nghệ cao, "tại sao khái niệm analog - gợi tới một công nghệ viễn thông cũ, đã được thay thế bằng công nghệ số (digital), lại không thể thay thế được bằng các chip IC digital?" cũng sẽ được thảo luận trong cuộc giao lưu này. Mời quý độc giả chú ý theo dõi.
-
Huy Phong
Bạn quan tâm tới vấn đề này? Xin phản hồi ý kiến về toà soạn theo mẫu sau: