Trong khi Windows Vista dành cho máy tính bị hoãn lên hoãn xuống, Microsoft lại âm thầm phát triển phiên bản mới của Windows CE, hệ điều hành mà ta có thể bắt gặp trong mọi thiết bị, từ máy khâu cho tới ĐTDĐ thời thượng nhất.
Phiên bản thử nghiệm của Windows CE thế hệ mới theo dự kiến sẽ được giới thiệu trước các nhà phát triển phần mềm trong cuộc hội thảo chiều nay tại Las Vegas. Đây sẽ là nền tảng cho Windows Mobile - hệ điều hành được xây dựng riêng cho những mẫu alô cao cấp - nhưng bản thân Microsoft cũng phải thừa nhận là "thiếu trước hụt sau" và còn nhiều khiếm khuyết.
Theo lời Microsoft thì người dùng sẽ có thể nhìn thấy những sản phẩm sử dụng cả hai hệ điều hành nói trên (Windows CE và Windows Mobile) vào năm 2007.
Nhiệm vụ kép nặng nề
Lúc này, không những Microsoft phải gồng hết sức mình để chinh phục thị trường ĐTDĐ cao cấp đang rất phát đạt mà còn phải "tìm đường sống mới" cho Windows CE, hệ điều hành đã có tuổi đời hơn 10 năm (Microsoft vốn phát triển CE cho các thiết bị điện tử nhỏ gọn như máy bơm trạm xăng hay đầu thu TV kỹ thuật số).
Giới phân tích nhận định rằng thị trường này rất tiềm năng, dẫu Microsoft còn vô khối chông gai phía trước. "Suy cho cùng, lịch sử của Microsoft được viết nên bằng gì? Hệ điều hành. Mà ngày càng có nhiều loại thiết bị sử dụng hệ điều hành", nhân phân tích Joe Wilcox của Jupiter Research nhận định.
Hiện tại, Bộ phận thiết bị nhúng và di động của Microsoft chỉ chiếm một phần doanh thu rất nhỏ, 89 triệu USD so với tổng số10,9 tỷ USD trong quý I/2006 vừa qua. Đã thế, không phải quý nào bộ phận này cũng có lãi. Quý trước đó, họ đã lỗ 14 triệu USD. Để so sánh, bộ phận Windows dành cho PC kiếm được tới 2,5 tỷ USD trong quý I.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận công lao của Microsoft trong việc "lăng xê" lên cái gọi là "smartphone" - thế hệ điện thoại di động mới có thể đảm đương những nhiệm vụ phức tạp và cao cấp như email và theo dõi lịch hẹn.
Năm ngoái, Microsoft thậm chí còn đạt được thỏa thuận với Palm, tung ra mẫu smartphone Treo dùng hệ điều hành Windows đầu tiên. Đây là thành tựu đáng kể của Microsoft sau nhiều năm vật vã chống lại địa vị thống trị của hệ điều hành Palm OS trên địa hạt thiết bị cầm tay.
Thách thức lớn
Đối thủ xương xẩu còn lại của Microsoft là Symbian của Nokia và Blackberry của RIM rất được ưa chuộng tại Mỹ. Đấy là chưa kể một loạt các công ty mới thành lập khác, tất cả đều "lăm le" tích hợp thêm nhiều chức năng hơn nữa vào bên trong chiếc điện thoại tí hon.
Khó khăn làm vậy, song Microsoft vẫn tự tin mình có "ưu thế" khi hệ điều hành di động rất giống với hệ điều hành máy tính, và rằng Windows Mobile có tiềm năng mở rộng tính năng hơn hẳn so với các đối thủ.
Vấn đề còn lại là tìm xem các tính năng ấy đang ở "phương trời nào".
Chuyên gia Tim Bajarin của Creatvie Strategies cho biết thường phải mất từ 2-4 lần bấm phím mới kích hoạt được một tính năng trong hệ điều hành Windows Mobile 5.0, trong khi với Palm OS, bạn chỉ cần từ 1-2 lần click. Ngoài ra, tìm và sử dụng các ứng dụng không phải của Microsoft phát triển những mẫu điện thoại Windows cũng rất khó khăn.
Đây chính là thách thức lớn nhất mà Microsoft phải vượt qua. "Làm sao để dịch vụ cởi mở hơn, dễ truy cập hơn?". Với một thị trường như ĐTDĐ, nơi người dùng bỏ tiền ra để mua lấy sự tiện lợi, bài toán này có ý nghĩa thật sự sống còn.
Ve vãn cộng đồng phát triển
Microsoft tin rằng các nhà phát triển tự do không muốn tạo ra một sản phẩm tương thích với quá nhiều hệ điều hành. Thay vào đó, họ lựa chọn phương châm "quý hồ tinh bất quý hồ đa", chỉ tập trung vào một số nền tảng quan trọng nhất. Gã khổng lồ đã vin vào điểm này để ve vãn cộng đồng phát triển bằng mọi cách.
Với việc Windows CE chạy được trên mọi thiết bị như bơm trạm xăng, Microsoft đang điều chỉnh "phạm vi phủ sóng" cho sản phẩm của mình. Đây là chiến lược rõ ràng của hãng trong việc đánh bại một trong những đối thủ khó chịu nhất - công nghệ nguồn mở.
Thế nhưng thực tế không đơn giản chút nào. Microsoft thống trị thị trường máy tính cá nhân, nhưng phần lớn máy tính đều không mấy khác biệt. Trong khi ấy, những thiết bị có thể sử dụng Windows CE lại "vô thiên lủng". Hãng này có thể muốn tạo ra những cỗ máy ATM thông minh, trong khi hãng khác lại chế tạo hệ thống thắp sáng và an ninh gia đình.
Chính vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng không ít hãng sẽ trung thành với hệ điều hành tự phát triển của mình hoặc nguồn mở (đang chạy rất tốt) để mạo hiểm chuyển sang CE.
Thiên Ý (Theo AP)