221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
792718
"Dế tặc" chốn Sài thành
1
Article
null
'Dế tặc' chốn Sài thành
,

“Chú tưởng lúc nào cũng có người đem điện thoại cũ đang dùng đi bán lại à? Tụi anh muốn thường xuyên có hàng secondhand chất lượng để bán thì phải có nguồn hàng ổn định chứ”. Đó là những lời đầu tiên anh bạn chuyên kinh doanh trong làng di động Sài gòn “giảng đạo” khi tôi đi tìm hiểu về thế giới của những "chú dế" bị đánh cắp (bao gồm cả những điện thoại bị móc túi, cướp, giật)

 
Model nào cũng có!

Soạn: AM 770201 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tôi được 1 anh bạn "trong nghề" giảng đạo và dẫn "vào đời" khi bắt tay đi tìm hiểu về thế giới của những "chú dế" bị đánh cắp...(Ảnh: eCHIP M)

Tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy một cửa hàng ĐTDĐ trên đường Ba Tháng Hai có đến ba "con" Nokia 3250 chính hãng vì model này mới xuất hiện chẳng bao lâu trên thị trường. Có điều, chỉ có máy, pin sạc, thẻ nhớ; còn hộp, cáp, sách hướng dẫn và thẻ chứng nhận của Nokia thì không, bởi chúng là những "tác phẩm" của các “dế tặc”.

Anh bạn tôi tâm sự: “Bọn trộm cắp bây giờ đủ kiểu, “giật dọc” có, móc túi có, rồi đến bọn vào cửa hàng điện thoại “chôm chỉa” cũng có. Không phải đứa nào cũng là “bần cùng sinh đạo tặc”, nhiều lúc chỉ là muốn "chơi”… nên mới đi "ăn hàng”. Nhìn vào tủ kính trưng bày, tôi thấy một "chú" P850 thật hấp dẫn. Anh bạn bảo, con đó có giá 8,2 triệu đồng. “Tuy giá hàng xách tay chỉ 8,3 triệu đồng nhưng nhiều người vẫn thích hàng chính hãng dù là secondhand, bởi nó chỉ thiếu mỗi cáp và sách hướng dẫn.

Giá đó vẫn rẻ chán” - anh bạn giải thích thêm. “Nếu khách thắc mắc, họ sẽ được trả lời ngay rằng, máy đó là của khách vãng lai hoặc của giới cờ bạc bán lại”. Tìm hiểu thêm, tôi mới biết rằng model nào cũng có, bởi các tay “dế tặc” thường thích “chôm” những “chú dế” mới vì bán được giá cao.

Đang trò chuyện, một ông hùng hổ bước vào, dường như quen nhau từ trước nên anh bạn tôi đon đả tiếp:
- Kiếm máy nào vậy đại ca?
- Đứa con gái lớn của anh muốn W810i vừa quảng cáo đó, nhưng mua máy mới thì tiếc tiền, chú có "con" nào dùng rồi vẫn còn mới không?
- Để em hỏi mấy thằng em coi thử xem có không, rồi phone cho anh.
Ông khách vừa về, anh bạn tôi bấm máy gọi ngay: “Chị H. đó hả? Có con W810 nào không? Loại vừa mới ra của Sony Ericsson đó. Nếu có thì để cho em nghen, khách quen đó…”. Vừa dứt điện thoại, quay sang tiếp tục câu chuyện, anh bảo, “muốn máy nào cũng có, chỉ cần đã có mặt tại Việt Nam”.
“Bây giờ khách ít khi vào những cửa hàng nhỏ mua máy mới lắm chú ạ. Mà bán hàng mới lời có bao nhiêu, chỉ có bán hàng dùng rồi mới kiếm kha khá. Hàng cũ chỉ kiếm khá với mấy model đời mới thôi, mà đời mới thì lấy đâu khách bán nhiều, chỉ còn mỗi bọn đó”. Bọn đó mà anh nói chính là các thành phần “ăn hàng” ĐTDĐ. Quả thực, có cầu ắt có cung!

Hành trình "ăn"- mua - bán

Đang dở chuyện, hai cậu thanh niên ngồi trên chiếc Wave Tàu lấm lét tạt vào bán con W800i giá 3 triệu đồng, chỉ có máy và thẻ nhớ 512 MB, pin trong máy. Giá khá hấp dẫn nhưng anh bạn tôi từ chối làm tôi không khỏi thắc mắc. Anh giải thích: “Không mua trực tiếp từ bọn này đâu, mua thế nhỡ chúng bị “lụm” là mình cũng mệt theo. Không biết không có tội, nhưng khá phiền phức”. “Thế anh mua ở đâu?”, tôi hỏi. “Có đường có lối hết chứ!”, anh bạn nói.

Soạn: AM 770203 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Các tiệm cầm đồ có thể là nơi thu mua những điện thoại di động bị đánh cắp. (Ảnh; eCHIP M)

Sẵn lúc anh đi nhập hàng nên tôi xin đi theo. Vừa đi, anh vừa giải thích: "Đa phần, hàng gian như thế đều được bọn “dế tặc” đem bán lại cho các “đầu mối” trước khi đưa ra thị trường. Các đầu mối đó chính là những đối tượng mà dân "dế tặc" thường dính líu tới bởi chuyện tiền bạc. Các tay “dế tặc” đều là những kẻ thích ăn hơn thích làm nên mới làm nghề đạo chích. Khi có hàng, đối tượng đầu tiên chúng nghĩ đến là các “chủ nợ” của chúng, tức bọn “tín dụng đen”. Bọn “giật dọc” luôn phải lo thanh toán cho chúng để có thể tiếp tục được vay tiếp, dư được đồng nào hay đồng ấy. Ở Q.10, có chị H. "lùn", anh S. “râu”; trên Tân Bình có chú T., toàn là dân cho vay lãi cao cả”.

Rồi anh dẫn tôi đến một ngôi nhà khá khang trang trong một hẻm ở Q.10. “Đây là chỗ của chị H. mà anh vừa nói, bà này dữ lắm đó”. Khi đến nhà, anh bạn tôi chăm chú lo xem hàng. Sau một lúc, anh cũng chọn được gần hai chục "con". Đang trả tiền, một cô gái cầm chiếc Nokia 7610 chạy vào: “Chị thu giùm em con này, thằng bồ em mới “ăn” được, em trừ nợ hôm qua luôn”. Chị H. nhanh nhảu cầm máy coi sơ qua rồi rút tiền đưa cho cô gái “hai chai, trừ nợ một chai hai với tiền lãi con Max của mày hai xị, còn sáu xị đây".

Sau đó, "con" máy được chuyển ngay qua cho anh bạn tôi với giá 2,4 triệu đồng. Khi về, tôi hỏi ngay: "Sao anh không trực tiếp “thu” để đỡ tốn thêm một khoản?". Anh cười: “Người nào nghề đó chú ơi, đất của họ để họ làm ăn, với lại tui không hợp. Mà đâu chỉ có bọn này có máy, đám cầm đồ bên Q.6, Q.11, Bình Chánh cũng nhiều hàng lắm”.

Thì ra, các cửa hiệu cầm đồ chính là kênh thứ hai tiêu thụ hàng này cho đám “dế tặc”. Một số hiệu cầm đồ như thế nằm ở Q.6, Q.11. Những nơi này có vẻ hợp pháp hơn một chút so với đám cho vay lãi cao, mà có khi bọn chúng kiêm cả hai. Một số hiệu cầm đồ có qui tắc nhận “cầm” khá sơ sài, nhiều lúc chẳng cần đến cả chứng minh nhân dân nếu đó là nữ trang hay ĐTDĐ. Họ chỉ ghi mảnh biên nhận là xong, và có lúc cũng chẳng ghi biên nhận bởi họ biết quá rõ hàng mà họ đang “thu” vào có nguồn gốc từ đâu. Sau khi có hàng, họ tập trung lại để “đẩy” cho các cửa hàng điện thoại di động hoặc bán lẻ cho người tiêu dùng, xếp các “chú dế” đó vào diện hàng “thanh lý”. Một số cửa hiệu còn có những khách cầm đồ quen thuộc là các tay cướp giật trên đường.

Khi đứng tại một cửa hiệu trên đường M.P chờ anh bạn tôi mua hàng, tôi thấy có một khách hàng vào mua lại một chiếc Samsung D500 với giá 3,15 triệu đồng sau một hồi kèo nài. Khách ra về, người chủ lật sổ ghi thêm vào hàng chữ “8/4: Samsung D500 2,5 triệu đồng, 10/4: bán 3,15 triệu đồng”; thì ra, chiếc máy này mới được thu vào cách đây chỉ hai ngày.

Giờ thì tôi đã hiểu phần nào tại sao các hiệu cầm đồ thường xuyên treo bảng “thanh lý” ĐTDĐ trong khi theo quy định, phải đến hơn một tháng họ mới được thanh lý hàng, và những người thật sự “kẹt” tiền cầm máy với giá bèo rất ít khi bỏ máy luôn. Đa phần, các cửa hiệu như thế đều có vài mối ruột là các cửa hàng ĐTDĐ để bán lại. Họ liên kết rất chặt chẽ với cửa hàng bán điện thoại. Các chủ tiệm cầm đồ được nhân viên của cửa hàng ĐTDĐ chỉ dẫn cách xem máy để mình là đơn vị bao tiêu, phòng trường hợp gặp phải dân “thuốc”, tức là các tay trong nghề điện thoại cũ, đem tiêu thụ hàng “nát” sau khi đã tân trang.

“Dế tặc" tự sự

Sau khi dạo một vòng với anh bạn, tôi nhờ đến anh H. “đại gia” vốn có quan hệ khá tốt với các tay “giật dọc” khu Bàn Cờ để tìm hiểu thêm. Đến một quán cà phê mà theo anh H. là nơi tập trung của bọn “dế tặc”, qua cửa, anh “đá mắt” chào một số tay trông “khá dữ dằn” rồi “tấp” vào một bàn gồm bốn thanh niên đang ngồi cùng một cô gái tóc nâu khá xinh đẹp:
- Tụi bây khoẻ không? Đi ngang qua đây nên anh vào tám với tụi bây chút cho vui.
- Lâu quá không thấy anh. Có gì cho tụi em làm không?
- Dạo này tụi bây có “con alô” nào đẹp không?
- Anh cần ạ? Ngay bây giờ thì không. Khi nào có, bọn em “hú” anh.
- Hỏi thăm tụi bây thôi. Nghe nói tụi bây trúng điện thoại nhiều lắm mà.
- Bây giờ có gì ngoài giỏ xách với điện thoại di động. Dây chuyền đâu còn “ăn” nữa. Mấy bà mang khăn che mặt, che cổ hết rồi.
Anh H. bắt đầu gợi chuyện cho mấy thanh niên kia nói:
- Có hàng, tụi bây “tuôn” cho các tiệm cầm đồ hay bọn cho vay?
- Tuỳ thôi anh.
Một cậu nói: "Khi thoải mái tiền bạc một chút, “tụi em kinh nghiệm hơn rồi, chỉ việc đi mua thêm bộ sạc, tai nghe rồi đem đến các cửa hàng ĐTDĐ bán, giá mới cao”. Một cậu khác xen vào: “Tiệm cầm đồ mua rẻ bèo, chúng ép bọn em quá. Bây giờ nhiều tiệm ĐTDĐ ở Tân Phú và Gò Vấp làm thêm dịch vụ cầm đồ nữa, bọn này thu giá cao hơn”. Các “dế tặc” khác giải thích thêm: “Bây giờ, muốn “ăn” một cái điện thoại cần đến bốn năm đứa, phải có đứa cản địa nữa chứ. Bán rẻ quá khi chia ra chỉ còn nước húp cháo à”.

Quả thực gần đây, tôi thấy một số cửa hàng treo bảng ghi chữ "nhận cầm ĐTDĐ" khá công khai mà không có giấy phép kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Có lẽ, các cửa hàng này đã thấy được món hời từ những món hàng như thế. Hỏi thêm các “dế tặc”, tôi được biết, có lúc bọn chúng thực hiện cả các “hợp đồng” giật máy mới nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tượng nào đó. Làm theo hợp đồng như vậy sẽ được giá hơn nhiều, nhưng bù lại mất công hơn vì phải tìm kiếm rất vất vả. Thế giới “dế tặc” quả là phong phú và đa dạng!

Qua hành trình tìm hiểu thế giới này, tôi mới thấy một loại hình tội phạm kéo theo rất nhiều hành vi phạm pháp khác. Nhiều người tuy không trực tiếp thực hiện nhưng lại là những kẻ tiếp tay cho bọn tội phạm, ở đây là các “dế tặc”, hoạt động. Nạn giật ĐTDĐ hiện đang là một vấn đề đáng lo ngại. Nạn nhân ngoài việc bị mất tài sản còn có thể gặp phải những vụ tai nạn khủng khiếp.

(Theo Hoài Anh/eCHIP Mobile)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,