(VietNamNet) - Trong một ngày bận rộn của Bill Gates tại Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn Microsoft đã có buổi trao đổi và thống nhất với Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT của VN (Ban chỉ đạo 58) về những triển vọng hợp tác. Có thể coi nội dung cuộc họp chính là bức tranh toàn cảnh bao quát chuyến thăm Việt Nam của Bill Gates, còn các sự kiện khác chỉ là những mảng vẽ tô điểm nên bức tranh.
Tham gia cuộc họp có Trưởng ban chỉ đạo QG về CNTT - Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Phó trưởng ban thường trực ban chỉ đạo 58 - Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá, thứ trưởng Bộ BCVT Vũ Đức Đam cùng một số thành viên khác của Ban chỉ đạo 58.
Ông Nguyễn Ái Việt (đứng bên phải)- Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo QG về CNTT - giới thiệu với phái đoàn Microsoft về Chương trình ICT trọng điểm quốc gia. |
Để tìm hiểu thêm về nội dung cuộc họp quan trọng này, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ái Việt - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo QG về CNTT - người trực tiếp tham gia cuộc họp và giới thiệu với Bill Gates về Chương trình ICT trọng điểm quốc gia, cùng những khả năng Microsoft có thể hợp tác trong chương trình.
VietNamNet: - Xin ông điểm qua những thông điệp mà phía Ban chỉ đạo 58 đã đưa ra trong cuộc họp quan trọng này?
Ông Nguyễn Ái Việt: - Đúng đây là buổi họp rất quan trọng. Trưởng ban chỉ đạo 58 - Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm - đã chào mừng Bill Gates và ghi nhận "sự có mặt của ông tại Việt nam như một thông điệp "đưa con người trên trái đất này lại gần nhau qua vận tốc điện tử. Đây cũng chính là sự đóng góp quý giá của Microsoft và cá nhân ngài Bill Gates đối với sự phát triển của thế giới"... Đây cũng là thông điệp đầu tiên mà phía Việt Nam muốn chuyển tới Bill Gates.
Sau đó, chúng tôi cũng trình bày với Bill Gates về Chương trình trọng điểm Quốc gia về công nghệ thông tin và truyền thông, để từ đó đề xuất một số khả năng hợp tác. Các chương trình hợp tác này dựa trên việc Microsoft tham gia vào việc phát triển công nghệ thông tin ở Việt nam và việc Việt nam quyết tâm tôn trọng bản quyền phần mềm của Microsoft.
VietNamNet: - Bill Gates đã chia sẻ các ý tưởng này như thế nào ?
6 dự án đột phá của Chương trình ICT trọng điểm quốc gia: |
1. Xây dựng Kiến trúc Công nghệ Thông tin Quốc gia (VNITA): Để hướng dẫn một cách có hệ thống quá trình ứng dụng CNTT ở VN, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. 3. Đưa Internet và Tin học về nông thôn: Phát triển truy cập Internet băng thông rộng, cung cấp các dịch vụ nội dung và mở rộng mạng lưới bưu điện văn hóa xã. 5. Mạng số liệu dùng riêng của các cơ quan nhà nước. 6. Cơ sở hạ tầng an toàn an ninh mạng quốc gia. |
Ông Nguyễn Ái Việt: - Theo nhận xét chủ quan của tôi, Bill Gates đã có phản ứng thuận lợi với các đề xuất từ phía Việt nam. Ông chia sẻ tầm nhìn với Việt nam về việc phát triển CNTT và đã đánh giá cao chương trình ICT trọng điểm quốc gia, nhận định chương trình đã bao gồm đầy đủ các khía cạnh, và rất vui mừng vì có những phương diện mà Microsoft có thể tham gia hợp tác. Tôi thấy Bill Gates đặc biệt chú ý tới các dự án đột phá và ghi chép một số ý. Hy vọng sẽ có những ý tưởng hợp tác mới. Ông đánh giá các đề xuất hợp tác và giải quyết vấn đề bản quyền từ phía Việt nam là ý tưởng rất tốt.
VietNamNet: -- Cụ thể trong vấn đề nóng nhất là tôn trọng bản quyền phần mềm, hai bên đã có những quan điểm và hướng giải quyết như thế nào?
Ông Nguyễn Ái Việt: - Nói chung các đề xuất hợp tác đưa ra đề xoay quanh 3 điểm: bản quyền phần mềm của Microsoft, thị trường kinh doanh của Microsoft tại Việt nam và sự tham gia của Microsoft vào việc phát triển CNTT cho Việt nam. Ba điểm được gắn kết chặt chẽ với nhau trong khuôn khổ một chương trình hợp tác dài hạn. Có những ý tưởng có thể thực hiện ngay và một số ý tưởng sẽ được tiếp tục phát triển trong tương lai. Phía Việt nam cho rằng vấn đề này cần được giải quyết theo chính sách thống nhất cho tất cả các bộ ngành và địa phương và cần có sự tham gia chủ động của Microsoft. Trong số các ý tưởng đã thảo luận, có lẽ việc Microsoft thiết lập một số trung tâm ở các thành phố có nhiều cơ sở đào tạo IT cho phép sinh viên và kỹ sư trẻ thử nghiệm công nghệ và lập Quỹ Hỗ trợ ICT Microsoft sẽ giúp giải quyết câu chuyện bản quyền một cách thiết thực nhất.
Đáp lại, ông Bill Gates cũng đã trao đổi cởi mở với chúng tôi về vấn đề bản quyền phần mềm. Tuy nhiên, ông Gates cũng khá thẳng thắn khi nói rằng "công bằng nhận xét, thì Việt Nam vẫn đang ở mức khởi đầu về sử dụng phần mềm có bản quyền". Bill Gates ghi nhận nỗ lực của phía Việt Nam khi nhắc lại lời của Thủ tướng Phan Văn Khải trong buổi tiếp sáng nay, khẳng định Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm túc việc tôn trọng bản quyền phần mềm. Gates cho rằng bản ghi nhớ đã ký với Bộ Tài chính của Việt Nam chính là một xuất phát điểm tuyệt vời để giải quyết vấn đề bản quyền. Đánh giá tổng quan về khả năng triển khai Quỹ hỗ trợ ICT Việt Nam của Microsoft, Bill Gates cho rằng quỹ phát triển ICT Việt Nam là một ý tưởng rất tốt, và phía Microsoft sẽ thảo luận sâu hơn với phía Việt Nam để có kết quả cụ thể trong vòng vài tháng tới.
Bill Gates và các quan chức Microsoft rất quan tâm tới phần giới thiệu Chương trình ICT trọng điểm quốc gia của Việt Nam. |
VietNamNet: - Ngoài ra, Bill Gates có nói về các dự định sẽ làm gì để giúp Việt nam phát triển CNTT.
Ông Nguyễn Ái Việt: - Bill Gates đặc biệt có ấn tượng với lớp trẻ Việt nam. Ông có vẻ rất hứng thú với buổi giao lưu với sinh viên. Thực tế là tình trạng nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam chưa có chất lượng đạt yêu cầu của các tập đoàn IT trên thế giới. Chúng tôi mong muốn Microsoft chia sẻ những kinh nghiệm và giải pháp cho vấn đề này. Bill Gates tin yếu tố xây dựng nguồn lực con người có tính quyết định.
Đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực IT, Microsoft có thể xây dựng một số trung tâm CNTT tại các thành phố lớn, có đông sinh viên theo học ICT như Hà Nội, TP HCM, Huế, Cần Thơ và Đà Lạt. Một số trung tâm (chẳng hạn như ở HN và TP HCM) sẽ được xây dựng theo mô hình các trung tâm Sáng chế của Microsoft. Ngoài ra, Microsoft sẽ tập trung giúp các doanh nghiệp phần mềm nội địa phát triển, đưa các công việc outsourcing cho các công ty phần mềm Việt nam. Bill Gates lạc quan cho rằng với sự giúp đỡ này, một số công ty đối tác của Microsoft (như FPT) có thể nhanh chóng tăng gấp đôi lực lượng lập trình viên của mình.
VietNamNet: - Cuối cùng, trong thời gian tới sẽ có những hợp tác cụ thể thể nào?
Ông Nguyễn Ái Việt: - Đây là một cuộc họp ở cấp cao chỉ bàn về nguyên tắc. Trong vài tháng tới, các quan chức cao cấp của Microsoft sẽ có nhiệm vụ thảo luận với Việt nam để cụ thể hóa các nguyên tắc này. Bill Gates đã nói: "Tôi nghĩ là ý tưởng cơ bản trong Chương trình phát triển CNTT của các bạn rất sáng suốt và chúng tôi hoàn toàn có thể tham gia đóng góp cho nó. Nói chung, Tôi lạc quan về đất nước VN. Kể cả khi các bạn không thể làm tốt được như Trung Quốc thì học hỏi một vài kinh nghiệm của họ cũng không phải là chuyện xấu. Trong vòng vài tháng tới, tôi tin là sẽ có nhiều bước tiến".
Bill Gates cho biết phía Microsoft rất sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam và mong muốn có thể hiện thực hoá việc hợp tác vào một nội dung cụ thể nào đó trong vài tháng tới. "Tất nhiên là chúng tôi cần một điểm để đầu tư. Chúng tôi phải quyết định sẽ đầu tư vào lĩnh vực nào ở VN: Chính phủ điện tử, các trường Đại học, phát triển phần mềm hay một lĩnh vực nào khác. Theo tôi, trong vòng 5 năm tới, việc hợp tác các trường đại học VN sẽ là một hướng đi rất quan trọng của Microsoft". Sau cuộc họp, ông giám đốc khu vực nói với tôi là "cuộc họp đã thành công, chúng ta sẽ có nhiều việc để làm trong vài tháng tới và Bill đã có những ý tưởng rất hay cho Việt nam.
VietNamNet: - Ông đánh giá thế nào về chuyến viếng thăm của Bill Gates và kết quả làm việc?
Ông Nguyễn Ái Việt: - Chuyến viếng thăm này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng: động viên quan tâm và nâng cao nhận thức của xã hội và lãnh đạo tới CNTT. Các triển vọng hợp tác nói chung rất sáng sủa, tuy nhiên, chúng ta có một tầm nhìn cao hơn, có một bức tranh tổng thể hơn, quyết tâm mạnh mẽ và thực tiễn hơn để khai thác các cơ hội mới.
Về phía Microsoft, tôi muốn nhắc lại là họ đã đến Việt nam được 10 năm. Hy vọng, những người tham mưu cho tổng hành dinh Microsoft sẽ có một cách nhìn xứng đáng với tầm cỡ của Microsoft để giải quyết những vấn đề mà Microsoft quan tâm: vấn đề bản quyền phần mềm, sự tham gia của Microsoft vào sự phát triển của Việt nam và đưa CNTT tới các vùng nông thôn Việt nam.
-
Bình Minh - Cầm Thi (Thực hiện)
Ý kiến của bạn: