221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
789776
Thông tư quản lý game: Lần 9 vẫn chưa ngã ngũ?
1
Article
null
Thông tư quản lý game: Lần 9 vẫn chưa ngã ngũ?
,

(VietNamNet) - Sau khi công bố Dự thảo lần thứ 8, đại diện Bộ Văn hóa - Thông tin (đơn vị chủ trì soạn thảo) từng khẳng định với VietNamNet: "Dự thảo lần thứ 8 là lần cuối cùng". Nhưng nay, Thông tư lần 9 lại sắp được gửi tới các Bộ có liên quan  sau khi Bộ Bưu chính, Viễn thông (Bộ BC-VT) có công văn phúc đáp, còn Bộ Công an thì chưa có ý kiến gì!

Dự thảo Thông tư lần thứ 9 có một số điều chỉnh một số điểm thuộc mối quan tâm của đông đảo người chơi game và DN cung cấp, phát hành game. Theo đó, dự thảo lần 9 tiếp thu, điều chỉnh một số điểm theo ý kiến của Bộ BC-VT; một số điểm Bộ VH-TT cho rằng "không thỏa đáng" hoặc "cần cân nhắc".

Soạn: AM 763207 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phát triển trò chơi trực tuyến, một ngành công nghiệp mới là một vấn đề được dư luận quan tâm. Ảnh: B.D

Cụ thể, ý kiến đưa ra ngày 18-4-2006 của Bộ BC-VT tập trung vào 6 điểm, trong đó có 2 vấn đề đáng quan tâm hơn cả: về giấy phép và điều kiện được cấp phép kinh doanh game online và vấn đề thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và tổ chức thực hiện. 

Người chơi cần "được" quản lý chặt?

Bộ BC-VT cho rằng: "Nhằm tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là đối với tuổi vị thành niên, cần quy định người chơi (hoặc người bảo lãnh) phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin cá nhân (tên, số CMND...) cho doanh nghiệp và chỉ những người chơi tuân thủ các quy định đó mới được đảm bảo quyền lợi và giúp đỡ giải quyết các tranh chấp".

Cho rằng đề xuất quy định quản lý người chơi như vậy là "không cần thiết", Bộ VH-TT giải thích rằng "kịch bản và nội dụng trò chơi đã được Bộ VH-TT phê duyệt. Nếu áp dụng biện pháp này chắc chắn sẽ gây phản ứng không cần thiết từ dư luận".

Cũng theo Bộ BC-VT, "cần quy định các DN phải có các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý các thông tin của người chơi". Liên quan đến vấn đề quản lý giờ chơi, Bộ BC-VT nêu ý kiến "DN phải áp dụng biện pháp kỹ thuật quản lý giờ chơi ngay trước khi triển khai dịch vụ".

Con ý kiến của Bộ VH-TT là vẫn giữ nguyên quy định trong Dự thảo lần 8 và "đề nghị chỉ nên áp dụng biện pháp quản lý giờ chơi đối với các trò chơi hiện đang cung cấp trên mạng từ tháng 8 năm 2006".

Giấy phép cho doanh nghiệp có "thoáng" hơn?

Ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, cho biết: "Dự thảo lần thứ 8, Bộ VH-TT đề nghị chỉ cần 2 loại hình giấy phép là Văn bản phê duyệt nội dung trò chơi của Bộ VH-TT và Giấy phép Cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet (OSP) loại hình "trò chơi trực tuyến" của Bộ BC-VT thay vì 4 loại giấy phép như Dự thảo lần thứ 7.

Tại công văn hôm 18/4, Bộ BC-VT đề nghị bỏ giấy phép cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet (OSP). Các DN cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến sau khi triển khai hệ thống thiết bị và phương án kinh doanh đáp ứng đầy đủ các điều kiện đã được quy định tại Điều 10 của Thông tư thì làm văn bản báo cáo Bộ BC-VT.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Bộ BC-VT sẽ lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra thực tế việc triển khai. Trường hợp DN đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Điều 10, Bộ BC-VT sẽ có câu trả lời chính thức".

Theo ông Nguyễn Trí Dũng: "Không nên đặt vấn đề 3 Bộ kiểm tra phương án kinh doanh của doanh nghiệp và coi đó là một trong những điều kiện để cho phép DN được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến. Phương án kinh doanh là vấn đề tự chủ của mỗi DN (được quy định tại Luật DN) nên điều kiện mà Bộ BC-VT đặt ra là không hợp lý và không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cả ba Bộ".

"Mặt khác, việc kiểm tra hệ thống thiết bị và hạ tầng kỹ thuật là trách nhiệm của Bộ BC-VT nên không cần thiết phải lập Đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của Bộ VH-TT và Bộ Công an. Quá trình thẩm định nội dung trò chơi của Bộ VH-TT và quá trình phê duyệt phương án kỹ thuật của Bộ BC-VT là hai khâu độc lập, không phụ thuộc nhau".

Lần 9 chưa chắc đã là lần cuối!

Với những điểm chưa đồng thuận kể trên thì mục tiêu chính thức ban hành Thông tư trong tháng 4 này sẽ không thực hiện được. Ông Nguyễn Trí Dũng cho biết, dự thảo lần 9 sẽ được gửi tiếp đến các Bộ và tới đây sẽ lại tiếp tục họp bàn về vấn đề này.

Đến thời điểm này thì Phó cục trưởng Cục báo chí không ước lượng được thời điểm nào sẽ chính thức ban hành Thông tư và cho biết "không lạc quan về vấn đề này". Rõ ràng là sau khi "quá tam... tám bận" thì vấn đề quản lý game online vẫn còn là cái khó, chưa thể ngã ngũ. Trả lời câu hỏi của VietNamNet, ông Nguyễn Trí Dũng cho rằng, Bộ VH-TT không ôm đồm mà "thực hiện đúng chức năng đựợc giao phó".

Khi các cơ quan chức năng tiếp tục họp bàn thì giới chơi game vẫn tiếp tục tranh luận, nêu ý kiến đa chiều trên nhiều diễn đàn về các vấn đề "nóng": "giới hạn 3 giờ chơi game liệu có khả thi?", "bao giờ có quy định về tài sản ảo hoặc được thừa nhận như thế nào?", "Khi nào chính sách pháp lý tạo điều kiện để game thuần Việt có chất lượng ra đời và công nghiệp giải trí Việt Nam cất cánh?"...  Để có sự đồng thuận về những vấn đề mà thực tế nêu ra ở trên nhưng Thông tư còn bỏ ngỏ hoặc chưa đề cập thật chi tiết thì xem ra cũng sẽ chẳng dễ dàng gì.

  •  B.D 

 Ý kiến của bạn về Dự thảo thông tư quản lý game online:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,