Gã khổng lồ Phần Lan mong muốn những mẫu điện thoại trong tương lai sẽ có thể vận hành giống như cổng lớn (gateway) vào mạng Internet, thay vì thiết bị đầu cuối đơn thuần cho việc đàm thoại như hiện nay.
Nhằm tăng cường khả năng nối mạng và đơn giản trong sử dụng cho các mẫu ĐTDĐ của mình, Nokia đã quyết định bắt tay cùng Viện Công nghệ Massachussette xây dựng một phòng thí nghiệm nghiên cứu đặc biệt.
Tại đây, 20 chuyên gia của Nokia sẽ hợp tác cùng 20 nhà nghiên cứu cao cấp từ MIT, miệt mài tìm ra phương pháp hội tụ tính năng của ĐTDĐ với PDA và máy tính, trong khi vẫn giữ nguyên mức độ đơn giản, tiện dụng.
Với 35% thị phần thị trường di động toàn cầu trong tay, mỗi ngày Nokia lại cho xuất xưởng khoảng 1 triệu mẫu điện thoại các loại. Nhưng đi đầu về thị phần cũng không giúp được hãng trong việc xử lý những thách thức về thiết kế, biến ĐTDĐ từ cỗ máy điện tử đơn thuần thành những giao diện nhân bản, "người" hơn.
"Bạn không thể nhét nguyên một cái máy tính vào trong điện thoại di động để chạy theo xu hướng "Hội tụ", bởi "Di động" có những đặc thù và thách thức của riêng nó", Bob Iannucci, giám đốc trung tâm Nghiên cứu Nokia cho biết.
Một trong những thách thức khó gặm nhất, ấy là việc các thiết bị cầm tay ngốn pin khủng khiếp. Các nhà thiết kế lúc nào cũng phải đau đầu với bài toán sức nóng, tuổi thọ pin và trọng lượng nhẹ nhất.
Một khó khăn khác là người dùng hiện nay có xu hướng thao tác với điện thoại di động thông qua tác động vật lý, kiểu như gõ nhập bằng bàn phím hay hý hoáy chọc bút lên màn hình cảm biến, thay vì sử dụng ngôn ngữ nói tự nhiên để ra lệnh.
Một hệ sinh thái di động?
Vì lẽ đó, mục tiêu của các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm mới là tạo ra Mobile Ecosystem 2012, một tổ hợp các phần cứng và phần mềm cho phép những mẫu điện thoại di động trong tương lai trao đổi dữ liệu một cách an toàn với bất cứ nền mạng hay thiết bị nào khác. Và người dùng sẽ điều khiển chúng thông qua ngôn ngữ nói, hệt như khi họ giao tiếp hàng ngày vậy.
Các dự án đang được nghiên cứu bao gồm Simone, một chuẩn tương tác với di động bằng giọng nói, MobileStart, giải pháp cho phép dùng tiếng nói để rút dữ liệu từ các tài liệu văn bản; Asbestos, một kỹ thuật bảo mật cho phép bảo vệ thông tin cá nhân trong khi vẫn chia sẻ dữ liệu không dây bình thường. Và cuối cùng là Armo, dự án nghiên cứu cách tạo ra các phần cứng đủ năng lượng để thực thi những công nghệ nói trên một cách nhanh nhất, khả thi nhất.
Theo Iannucci, lần hợp tác này sẽ "đơm hoa kết trái" và cho ra lò những công nghệ mới trong vòng 10 năm tới.
Thiên Ý (Theo PC World)