“Anh có bưu kiện từ Nhật, một chiếc điện thoại di động, mời anh ký nhận”, nghe những từ đó từ anh chàng nhân viên chuyển phát mà lòng tôi như bắn pháo hoa. Đây chắc chắn là chiếc điện thoại Sharp 903SH mà ông anh yêu quý muốn dành tặng cho tôi nhân dịp sinh nhật đây...
Vui sướng, tôi lắp SIM vào thử mà run run chỉ sợ rơi. bật nguồn lên thì hỡi ôi, thay vì màn hình chào đón như bình thường, máy chỉ có duy nhất một dòng chữ trên nền trắng: “Your Network is not accepted” - Máy bị khóa mạng!
Các kỹ thuật viên đang thao tác unlock cho các con dế "ngoại". (Ảnh: eCHIP Mobile) |
Đau đớn ngập tràn, tôi nhấc máy bàn và cầu cứu “sư phụ” - một thợ giải mã khá siêu. Đó là niềm hy vọng cuối cùng vì nếu máy không nhận SIM Việt Nam, mãi mãi chú Sharp 903SH của tôi chỉ dành để quay phim, chụp ảnh. Lần thứ 2 trong ngày, tôi lại thấy rộn lên niềm sung sướng với câu nói “Chú đem đây cho anh, anh xử lý được”. Lòng rưng rưng, chẳng nói chẳng rằng, tôi nhảy lên "chú xế" cà tàng phi thẳng tới chỗ “sư phụ”.
“Trường hợp của chú là may lắm nhé, Sharp 903SH sản xuất tháng 1/2006 chỉ mới mở mạng được một vài ngày trở lại đây thôi”. Vừa nói, anh vừa chỉ cho tôi xem hạn sản xuất sau lưng máy. Một thao tác nhanh gọn, anh nối chiếc điện thoại vào máy vi tính thông qua một thiết bị đặc biệt mà anh gọi là “hộp mở mạng”. Mọi việc diễn biến khá đơn giản. Sau một vài click chuột, anh ấy và tôi chỉ có việc ngồi nhìn chương trình máy tính tự giải mã.
“Đa số dòng Sharp đều sử dụng công nghệ CDMA mạng Vodafone nên khi về Việt Nam phải qua một bước trung gian để kích hoạt hệ thống GSM trên máy”, anh nói. Những chiếc điện thoại này đa số được các hãng viễn thông cho không, hoặc trả góp dần theo hợp đồng (plan) với điều kiện cam kết sử dụng dịch vụ viễn thông trong một khoảng thời gian nhất định, do đó giá thành rất thấp so với việc mua thẳng từ cửa hàng, đại lý. Phần lớn những chiếc điện thoại chưa mở mạng đem về Việt Nam được các du học sinh hoặc những người đi công tác nước ngoài mua rẻ theo cách trên.
Mở mạng bằng cách nào?
Hiện nay có 2 cách mở mạng những "chú dế" nhập ngoại nêu trên. Cách thứ nhất là Unlock - dùng thiết bị chuyên dụng phá mã khóa do các hãng viễn thông cài đặt nhằm phòng tránh điện thoại bị đem ra sử dụng ở mạng khác. Cách thứ 2 là Flashing, cũng phải thông qua một cáp nối để chạy lại phần mềm điều hành máy, đè lên phiên bản cũ mà các nhà cung cấp dịch vụ cài đặt sẵn để giới hạn chức năng, dịch vụ.
Unlock được hiểu nôm na là bẻ khóa, phá mã. Các sản phẩm được bảo vệ bằng mã sẽ được kết nối với một số thiết bị phá mã hay còn gọi là “hộp phá mã” phổ biến như SmartClip, Cruiser, hay UFS… Griffin, Vysis là những hộp phá mã đã lỗi thời (xem thêm box). Những thiết bị này chỉ được sản xuất và bán công khai tại các cửa hàng linh kiện ở nước ngoài (đa số là ở các nước châu Á).
Giá thành cho mỗi chiếc “hộp phá mã” dao động từ 200 đến 500 USD, kèm theo phần mềm chuyên dụng và một số lượng nhất định cáp nối dành riêng cho từng dòng máy. Ngoài việc mua thiết bị, các chủ cửa hàng phải đăng ký thành viên trên các website cung cấp để nhận được những mã nguồn giải mã mới nhất dành cho các dòng điện thoại mới. Bên cạnh đó, mỗi khi trên thị trường có sản phẩm nào mới ra, người mua lại phải đăng ký mua thêm các loại cáp tương ứng với giá thành xấp xỉ 15 USD. Sau khi có máy phá mã và cáp tương ứng, các chủ cửa hàng sẽ tháo Pin, SIM và nối trực tiếp vào mạch dữ liệu sau lưng máy, chạy phần mềm giải mã trên máy tính trong khoảng thời gian 20 đến 30 phút để máy dò ra đoạn mã ngăn chặn mà nhà cung cấp dịch vụ gán vào. Tất nhiên, không phải máy nào cũng có thể giải mã được. Ví dụ, một số sản phẩm dành riêng cho thị trường châu Mỹ sử dụng băng tần 850MHz, thậm chí nếu giải mã được cũng chỉ để ngắm vì ở Việt Nam dùng băng tần 900MHz. Một số thương hiệu ít thông dụng tại thị trường Việt Nam như Sagem hay Sendo… cũng không thể giải mã được để sử dụng.
Một số website có dịch vụ giải mã trực tuyến như www.nokiafree.org, với điều kiện, bạn phải nhập IMEI máy, tên hãng viễn thông đã cấp máy. Tại các website này, dựa vào các thông số bạn nhập, hệ thống trực tuyến sẽ dò theo và đưa ra mã số cho phép bạn tự mở mạng cho máy. Dân trong nghề còn đồn rằng, một số dòng điện thoại Siemens muốn phá mã phải mở mạch máy, rạch bằng dao lam để đoản mạch, sau đó giải mã bằng phần mềm do… chính thợ phá khóa viết!
Trường hợp của tôi, do chiếc máy sử dụng công nghệ CDMA nên sẽ phải flashing lại phần mềm hệ thống (firmware) để máy hoạt động trên băng tần GSM. Quá trình flashing bao gồm các thao tác giống unlock, nhưng có lẽ đơn giản và ít mạo hiểm hơn bởi việc cài đặt phần mềm hệ thống không gây tác động dẫn đến hỏng hóc máy. Việc flashing có thể tự làm thông qua một số cáp nối bán kèm máy như trường hợp sản phẩm E398 của Motorola. Những “flash thủ” đã sử dụng các bản nâng cấp dành cho sản phẩm ROKR E1 và E398 MTV để nâng cấp nhằm mục đích thêm chức năng quay phim và “giúp nghe nhạc hay hơn”.
Tuy nhiên, rủi ro không tránh khỏi là việc sử dụng các bản nâng cấp không rõ nguồn gốc hoặc do các “flash thủ” tự “độ” có thể khiến màn hình của "dế" trở nên trắng xóa, máy không nhận SIM và trở thành cục gạch vô tri vô giác. Phần lớn các bản firmware hiện nay đều do chính các hãng điện thoại phát hành, một phần là do nhân viên của hãng sao chép bất hợp pháp và phát tán qua các mạng trao đổi ngang hàng trên Internet.
Flashing không phải là xấu, nó giống như cài HĐH Windows và cập nhật bản vá vậy. Các bản firmware càng cao thì các lỗi hệ thống của máy điện thoại càng được chỉnh sửa tốt hơn, và điện thoại có thể có thêm những chức năng mới. Ví dụ, nút bấm 5 chiều của sản phẩm 7610 phiên bản firmware 5.0509.0ch có thể được sử dụng như một phím tắt với 5 chức năng khác nhau mà người sử dụng tự đặt, kết nối Bluetooth với tai nghe không dây ổn định hơn; trong khi phiên bản firmware 4.0441.0ch không thể làm được. Ngoài ra, flashing còn có thể được sử dụng để tác động đến một số lỗi phần cứng, như trường hợp một số dòng máy Symbian Series 60 bị virus Skull làm tê liệt Bluetooth với thông báo “Bluetooth unable to perfom operation”, thì chỉ cần nối với hộp UFS, khởi động tùy chọn Repair Bluetooth là chức năng của máy được phục hồi.
Khác với việc unlock (trong một số trường hợp người sử dụng có thể tự làm), flashing đòi hỏi phải có đầy đủ thiết bị như cáp nối chuyên dụng, máy tính, hộp chạy phần mềm, và các tệp tin cập nhật cho firmware đã qua thử nghiệm hoạt động ổn định. Trong trường hợp người sử dụng không chuyên có thể dẫn tới việc flashing hỏng phần mềm điều hành máy, các chức năng (MP3, chụp ảnh…) báo lỗi khi sử dụng và thậm chí màn hình trắng xóa khi bật nguồn, không thể sử dụng được và buộc phải đem ra cửa hàng dịch vụ.
Mỗi nơi một giá
Giá thành cho việc flashing/unlock dao động trong khoảng 50.000 - 700.000 đồng/máy. Việc định giá tùy vào từng khách, nếu là “gà”, giá cao là chuyện đương nhiên; nhưng nếu khách quen, khách ruột, bạn bè…, giá cả chỉ là con số 0. Giá flashing phần mềm ở các đại lý chính hãng như Nokia Care, Samsung Customer Service,… vào khoảng hơn 100.000 đồng cho những sản phẩm không phải do đại lý chính thức phân phối. Tuy nhiên, không phải máy nào hãng cũng xử lý được. Xác suất xảy ra rủi ro trong quá trình flashing và unlock không cao lắm, và giá thành sau khi cộng với số tiền bỏ ra mua máy tính vẫn thấp hơn mua sản phẩm tại các cửa hàng. Tuy nhiên, việc một số người vì lòng tham làm mờ mắt, thiếu thông tin về sản phẩm đã mua phải những chú máy độc, xịn, đa chức năng nhưng chỉ để… nghe nhạc, chụp ảnh,... Gần đây, một số bạn đọc đã gọi đến đường dây nóng của e-CHIP Mobile nhờ tư vấn cho các sản phẩm của hãng điện tử viễn thông NTT DoCoMo (Nhật Bản), hay Nokia 6630, Sharp 603, Sharp 604 dùng mạng Vodafone. Tuy nhiên, tất cả các sản phẩm này đều không thể giải mã được tại Việt Nam, và người mua đương nhiên sẽ chịu thiệt thòi vì bỏ ra một đống tiền để mua chiếc máy điện thoại vô dụng như vậy.
“Xong rồi đấy”, chiếc máy Sharp 903SH màu đỏ đun được anh bạn tôi rút ra khỏi cáp. Việc đầu tiên tôi làm là cắm ngay SIM vào sử dụng thử dịch vụ. Có lẽ, lâu lắm rồi tôi mới xúc động như thế này khi máy không còn từ chối SIM, cột sóng đầy căng và tin nhắn thông báo đổi máy gửi tới bạn bè đều được thông suốt. Tuy nhiên, hệ thống chơi nhạc MP3 vẫn chưa sử dụng được. “Chấp nhận thôi. Lần này anh miễn phí cho chú, lần sau flashing được máy nghe nhạc MP3, anh sẽ tính tiền gấp đôi”, anh bạn tôi nửa thật nửa đùa.
(Theo eCHIP Mobile)