(VietNamNet) - Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị Phòng chống tội phạm trộm cắp cước viễn thông quốc tế và vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua đường Bưu chính vừa diễn ra vào sáng qua, 13/4 tại Hà Nội, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông - Bộ BCVT đã cho biết như vậy.
VietNamNet: Gần đây, thông tin về quản lý thuê bao trả trước đang được rất nhiều người quan tâm nhất là khách hàng sử dụng dịch vụ di động. Xin ông cho biết quan điểm quản lý của Bộ đối với các thuê bao trả trước như thế nào?
Ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông: "Quản lý thuê bao di động trả trước cần sự thống nhất của các doanh nghiệp". (ảnh: VA.) |
Cho tới thời điểm này các DN vẫn đang hoàn thiện các phương án đưa lên. Khi đã được xem xét đồng ý sẽ cùng đồng loạt triển khai chứ không làm riêng lẻ, hoặc DN thực hiện DN không. Vì chỉ cần một DN không triển khai thôi thì sẽ không hiệu quả ngay.
Cũng xuất phát từ đề xuất của DN, Bộ đề nghị các DN phải xem xét triển khai như thế nào cho hợp lý nhất. Có thể lúc đầu làm theo hướng cuốn chiếu từng địa phương, rồi phân loại các thuê bao. Khi ấy, Bộ sẽ xem xét chọn ra một phương án chung nhất.
- Có thể sớm ban hành được quy định hay không, thưa ông?
- Quan điểm của Bộ là muốn triển khai sớm. Cố gắng làm thế nào để thực hiện được trước khi triển khai hội nghị APEC. Thời điểm hoàn thành được kỳ vọng là trước tháng 11/2006 này.
Tuy nhiên, do lượng thuê bao trả trước đã có trên mạng của các DN di động rất lớn nên thời gian đầu để việc áp dụng sẽ khả thi và không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của DN, dự kiến sẽ thực hiện phân cấp ra. Các DN sẽ áp dụng quản lý cho các thuê bao trả trước hoà mạng mới trước rồi sau đó mới tính đến quản lý những thuê bao trả trước hiện đã có trên mạng.
- Ở Singgapore có quy định trong thời hạn ba tháng, thuê bao trả trước đã hoà mạng phải trình chứng minh thư hoặc giấy tờ tuỳ thân. Liệu Việt Nam có áp dụng theo tương tự này?
- Chúng tôi cũng có tham khảo kinh nghiệm của một số nước. Singapore như vậy nhưng với Thái Lan thậm chí thời hạn của họ còn là 6 tháng, dài hơn. Tuy nhiên, điều kiện để quản lý các thuê bao di động trả trước ở nước ta, thì các DN Việt Nam mới là người nắm rõ và hiểu hơn ai hết.
- Được biết, Bộ BCVT đã xúc tiến cùng Bộ Công an xây dựng nội dung Thông tư liên tịch về quản lý thuê bao di đông trả trước. Xin ông cho biết Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an như thế nào?
- Hiện Bộ Bưu chính Viễn thông đã phối hợp với Bộ Công an xây dựng một thông tư liên tịch về đảm bảo an toàn an ninh với mạng lưới viễn thông. Thực ra hình thức thông tư như thế này giữa hai Bộ trước đây đã có rồi. Tuy nhiên, hiện nay do tình hình thị trường viễn thông đã có nhiều thay đổi do đó môi trường pháp lý cũng phải thay đổi. Bộ hy vọng trong năm nay sẽ xây dựng và có thể ban hành thông tư này. Tuy nhiên, thời điểm này mới đang bắt đầu xây dựng. Ban soạn thảo đang xem xét xem nội dung gì cần sửa đổi và thêm mới. Và dĩ nhiên, sẽ phải bổ sung nhiều cái mới.
Còn quản lý thuê bao trả trước chỉ là một trong những nội dung trong thông tư liên tịch chuẩn bị được xây dựng với ý nghĩa mang tính quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin chung. Do đó, việc quản lý thuê bao di động trả trước nằm trong số những công tác sẽ được hai Bộ phối hợp thực hiện. Song cái chính vẫn là từ phía Bộ Bưu chính Viễn thông cùng với các DN di động triển khai.
- Xin cảm ơn ông!
-
Hiền Trâm (thực hiên)