Trên đất Mỹ, người tiêu dùng có thể phân vân lựa chọn giữa một chiếc điện thoại Nokia với "con dế" Motorola, nhưng tại châu Á thì không. Trong hành trình chinh phục hai "người đẹp" Trung Quốc và Ấn Độ, "ông lớn" Nokia đã chứng tỏ sự hấp dẫn và khả năng "ve vãn" đẳng cấp hơn hẳn. Tất nhiên, "đại tình địch" Motorola không thể giương mắt làm ngơ, chứng kiến cảnh Nokia "đầu gối tay ấp" với hai người tình yêu dấu.
"Vợ cả" và "vợ hai"
Sẽ không ngoa nếu gọi Trung Quốc và Ấn Độ là hai "tình yêu" cháy bỏng mới của cả Nokia lẫn Motorola. Hai con "tàng long" châu Á này chiếm hữu một vị trí cực kỳ quan trọng trong chiến lược tương lai của hai hãng, khi mà thị trường Mỹ và Tây Âu đã gần như bão hòa. Nokia và Motorola đều hiểu rất rõ: Ai có thể kiểm soát được hai người đẹp này, kẻ đó chắc chắn sẽ giành được vị trí dẫn đầu trong cuộc chiến di động toàn cầu.
Tính đến thời điểm này, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ di động số một thế giới, với khoảng 400 triệu người dùng và mức tăng trưởng hồi năm ngoái là 20%. Mặc dù Ấn Độ khiêm tốn hơn nhiều, chỉ với 81 triệu người dùng, song doanh số điện thoại tiêu thụ trong năm nay ít nhất cũng tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái; và đến năm 2010, tổng số người dùng sẽ tăng hơn 6 lần, vượt mốc 500 triệu. Như vậy, sức quyến rũ của hai người đẹp đã quá rõ ràng. Vấn đề còn lại là giữa Nokia và Motorola, đại gia nào cao tay hơn? Câu trả lời chắc như đinh đóng cột: Nokia không những cao tay, mà còn cực kỳ nhanh tay.
Có thể nói, với hàng tỷ người dân Trung Quốc và Ấn Độ, không một hãng điện thoại nào có thể gắn bó và "kết nối" với họ mật thiết bằng Nokia. Tại cả hai quốc gia này, Nokia luôn là nhãn hiệu số một. Năm ngoái, Nokia chiếm tới 31% thị trường Trung Quốc, hơn đối thủ số 2 là Motorola tới 10%. Doanh thu của Nokia tại Đại Lục cũng tăng vọt 28% lên 4,5 tỷ USD.
Ngày nay, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Nokia, chiếm tới 11% tổng doanh thu toàn cầu của hãng (Mỹ chỉ chiếm 8%). Còn tại Ấn Độ, Nokia chiếm giữ khoảng 60% thị phần, với doanh thu năm ngoái không dưới 1 tỷ USD. Nokia hy vọng đến năm 2010, Ấn Độ sẽ trở thành thị trường số 2 của hãng, qua mặt cả Mỹ.
Và Nokia không chịu dừng ở đó. Ngày 11/3 vừa qua, hãng này đã khánh thành nhà máy đầu tiên của mình tại Ấn Độ, một cơ ngơi trị giá tới 150 tỷ USD gần thành phố miền Nam - Madras. Từ nhà máy này, ước tính sẽ có tới 20 triệu chiếc điện thoại giá rẻ được xuất xưởng, phục vụ cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Còn quy mô nhà máy hiện có của Nokia tại Dongguan, Trung Quốc cũng sẽ được mở rộng gấp đôi trong thời gian tới.
Nói như giới phân tích thì Trung Quốc và Ấn Độ bây giờ cũng giống như "vợ cả và vợ hai" của Nokia, và sẽ chỉ càng ngày càng được yêu chiều hơn mà thôi.
Gió đổi chiều
Ấy vậy mà ít ai biết rằng, chỉ mới vài năm trước thôi, Nokia từng gặp khó khăn lớn với cả hai bà vợ này. Tại Ấn Độ, tăng trưởng rất lẹt đẹt, dẫu Nokia là kẻ đến sớm (cuộc gọi di động đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ đã được thực hiện bằng điện thoại Nokia). Còn ở Trung Quốc, Nokia không những phải rượt đuổi Motorola mà còn bị đe dọa bởi nhiều tên tuổi nội địa như TCL hay Ningo Bird. Trong số này, đáng chú ý là Ningo, dù sinh sau đẻ muộn nhưng không hổ danh "hổ tử", nhanh chóng thâu tóm gần một nửa thị trường nhờ những mẫu "dế" giá rẻ mà thiết kế rất bắt mắt.
Các doanh nghiệp nội địa đã nhanh chóng gây "lụt" trên tất cả các cửa hàng ở Trung Quốc bằng đội quân kinh doanh đông như kiến cỏ. "Chỉ sau khi chúng tôi dán poster lên, 30 phút sau đã có người của họ ra xé rách", Colin Giles, giám đốc Nokia Trung Quốc nhớ lại. Khi đến thăm một cửa tiệm ở thành phố miền Tây Chengdu, "bạn khó lòng mà bước nổi vào cửa hàng vì người bán đã đứng chật ních cả chỗ đó rồi".
Để đối phó, Giles đã xúc tiến những thay đổi lớn. Nokia tiến hành chính sách "Phân tán", chia nhỏ 3 chi nhánh kinh doanh chính hồi năm 2003 thành 70 văn phòng chân rết vào thời điểm hiện nay. Thay vì 8 kênh phân phối quốc gia, giờ đây họ có 50 kênh phân phối cấp tỉnh. Và vì các đối thủ thành công lớn là nhờ những mẫu điện thoại thiết kế phù hợp với người dùng Đại lục, Nokia cũng giới thiệu những model rất "Trung Hoa" của mình. Lấy thí dụ, do nhiều người dân ở nông thôn Trung Quốc không quen với hệ ký tự La Tinh mà đa số điện thoại đang sử dụng, Nokia đã phát triển riêng hai model với phần mềm cho phép soạn ký tự tượng hình bằng bút.
Không những vậy, Nokia còn đầu tư cho hệ thống máy tính mới để cung cấp dữ liệu tiêu thụ cụ thể. "Ngày mai, tôi có thể nói cho anh biết chuyện gì đã xảy ra tại 4.500 cửa hàng đại lý hàng đầu của chúng tôi. Trong vòng 1 tuần, tôi sẽ tường thuật kết quả của 30.000 cửa hàng", Giles cho biết. Kết quả là gì? Nokia đã bán được 27,5 triệu điện thoại tại Trung Quốc riêng trong năm ngoái, tăng gấp 3 so với hồi năm 2003. Giờ thì hãng đang dự định triển khai mạng 3G tại Trung Quốc ngay trong năm nay.
Còn tại Ấn Độ, kể từ năm 2002, khi thị trường di động nước này cất cánh, Nokia đã áp dụng lại những kinh nghiệm học được từ Trung Quốc để củng cố vị trí dẫn đầu của mình. Trong năm 2004, hãng đã tung ra hai model dành riêng cho thị trường này với lớp vỏ chống trượt (phục vụ mùa hè nóng mướt mồ hôi ở Ấn Độ). Nokia cũng giới thiệu hệ phần mềm đặc biệt ở 7 vùng không nói tiếng Hindi và bổ sung vào danh sách nhạc chuông những khúc ca ái quốc như quốc ca "India is the Best".
"Chúng tôi đã đầu tư khi thị trường ở đây chỉ mới là con số 0. Sau bốn năm, chúng tôi đã có thể thu hoạch quả ngọt của mình", Robert Andersson, người phụ trách sản xuất, kinh doanh và marketing của Nokia tuyên bố.
Motorola - Thua vì chậm chạp
Điều Robert không nói là Nokia thậm chí còn hái được quả từ cả sai lầm của đối thủ. So với Nokia, ông lớn Motorola đã tỏ ra quá chậm chạp trong việc đối phó "trai làng".
Trước làn sóng tấn công vũ bão của các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc, Motorola chỉ biết đứng yên và đưa ra những sách lược rất yếu ớt. Hậu quả là hãng này gặp phải muôn vàn khó khăn trong việc phục hồi thị phần.
Trái với "tình địch" Nokia, chiến lược của Motorola hầu như y nguyên trong suốt một thời gian dài, trong khi thị trường có rất nhiều chuyển biến, mà điển hình nhất là việc người tiêu dùng tẩy chay hàng trong nước vì chất lượng đáng thất vọng. Tương tự, tại thị trường Ấn Độ, Motorola cũng chỉ có thể ngậm ngùi ca bài "Muộn màng khi em ra đi". Ngày nay, thị phần của hãng tại thị trường này chỉ có khoảng 5% mà thôi.
Họa vô đơn chí, miếng bánh đã bé của Motorola nay lại càng bị nhiều đối thủ khác cùng nhảy vào xâu xé. Samsung trong quá khứ hầu như chỉ tập trung vào thị trường trung đến cao cấp tại Ấn Độ thì giờ đây đã bắt đầu bán ra điện thoại giá rẻ. Hôm 7-3 vừa qua, đại gia Hàn Quốc này đã khánh thành một nhà máy mới ở Gurgaon, gần Delhi.
Cấp tốc đối phó với các tình địch, Motorola đã phải cải tổ lại cơ cấu của mình ở Trung Quốc, mở rộng đội ngũ kinh doanh, củng cố mạng lưới phân phối lên 300 thành phố. Trước đó, hồi tháng hai, Motorola đã nâng được thị phần lên vài phần trăm. Ở Ấn Độ, Motorola dự định sẽ tiếp thị những mẫu dế chỉ có 35 USD, cũng như mở nhà máy đầu tiên trong vòng 18 tháng nữa. Tất nhiên, 18 tháng chậm chân hơn Nokia sẽ khiến Motorola gặp muôn vàn khó khăn trong việc giành lại tình cảm mặn nồng của hai người tình yêu dấu.
(Theo Châu Anh - eCHIP Mobile)