“Trộm cước viễn thông quốc tế”, hay nôm na là “trộm cước” được đề cập rất nhiều trong những năm gần đây. Theo dân gian, “ăn trộm-ăn cắp” là một từ xấu dùng để chỉ một hành động lấy cái của người khác thành cái của mình mà không được sự đồng ý của người đó. Với sự bùng nổ của Internet, “ăn cắp cước viễn thông” dường như lại càng trở nên phức tạp và khó hiểu hơn.
Có thể tạm định nghĩa “ăn cắp cước viễn thông” là việc thực hiện cuộc gọi đầu cuối (termination) xuất phát ở nước ngoài vào Việt Nam, thông qua Internet và công nghệ VoIP, với mục đích hưởng lợi trên chênh lệch giá cước viễn thông quốc tế và nội hạt của Việt Nam. Trong bài viết này tác giả sẽ phân tích kỹ thuật các phương pháp thực hiện cuộc gọi vào hệ thống mạng điện thoại công cộng (PSTN) của Việt Nam, từ đó mang đến một cái nhìn rõ hơn và các đề xuất nhằm khống chế vấn nạn “ăn cắp cước viễn thông”.
I. Họ đã “ăn cắp cước” như thế nào?
Việc thực hiện cuộc gọi đầu cuối vào Việt Nam từ nước ngoài đều phần lớn xuất phát từ nhu cầu liên lạc với người thân trong nước ở nước ngoài, chủ yếu ở Mỹ, Úc và một vài nước Châu Âu. Khi Internet chưa phát triển, các mạch điện thoại TDM vẫn là giải pháp duy nhất, và giá cước gọi về Việt Nam rất cao vì chi phí duy trì các mạch TDM rất đắt tiền. Các hãng điện thoại lớn trên thế giới như AT&T, Sprint, hay những hãng trong khu vực như Singtel, đều phải thông qua hệ thống bưu điện Việt Nam để thuê những luồng điện thoại truyền thống, sau đó bán lại cho người sử dụng bản xứ, hoặc các nhà cung cấp bản xứ nhỏ hơn ở nước sở tại. Do việc duy trì các mạch điện thoại truyền thống rất đắt tiền nên khi VoIP ra đời, hầu hết các dịch vụ trên đều chuyển sang sử dụng công nghệ IP termination và kết nối vào hệ thống qua các cổng PSTN hay các cổng di động. Công nghệ kết nối thì rất đa dạng, từ FXO đến ISDN hay SS7.
Ngày nay, sự có mặt của dịch vụ ADSL cùng với sự phổ biến của các công nghệ termination nên việc kết nối bằng từ Internet vào hệ thống điện thoại truyền thống Việt Nam ngày càng dễ dàng. Ở mức người dùng đầu cuối thì có 2 công nghệ dễ dàng nhất mà họ có thể tiếp cận, đó là sử dụng các cổng FXO (FXO gateway) hoặc các GSM modem.
-
FXO Gateway (Foreign Exchange Office)
FXO là giao tiếp analog thông dụng nhất, có cấu trúc giống các cổng dùng để kết nối đến các đường trung kế của các loại tổng đài truyền thống. Đặc tính của FXO là tông (tone) âm - tức không phát tông. FXO sẽ nhận tông điện từ các cổng của bưu điện. Bản thân FXO có thể nhận cuộc gọi từ bưu điện gọi tới, hay thực hiện một cuộc gọi từ nó ra ngoài. Có thể ví FXO như một chiếc điện thoại quen thuộc ở nhà của chúng ta, chỉ khác 1 điểm là các thiết bị FXO không có tay nghe mà chỉ thực hiện công việc chuyển các tính hiệu thoại analog thành các gói tin IP theo giao thức TCP/IP thường dùng trên Internet.
Các FXO này thường sẽ đăng ký vào một hệ thống IP Telephony của đối tác (lúc nào cũng có 1 đối tác) ở nước ngoài, hay thậm chí ở bất kỳ đâu trên Internet (Việt Nam chẳng hạn). Bản thân người viết cũng đã thử thiết lập một hệ thống IP Telephone tại nhà sử dụng công nghệ Dynamic DNS rất dễ dàng. Khi đối tác ở nước ngoài nhận một cuộc gọi với mã quốc gia là +84 – tức Việt Nam, hệ thống của họ sẽ tra trong bảng định tuyến của mình, và xác định được địa chỉ IP hoặc Domain Name của thiết bị FXO Gateway. Thực hiện cuộc gọi bằng VoIP sử dụng nhiều công nghệ khác nhau như H323, SIP, MGCP, IAX v.v… được gởi đến thiết bị FXO Gateway đó thông qua bộ giao thức TCP/IP và mạng Internet. Thiết bị FXO lúc này đang kết nối vào mạng điện thoại công cộng Việt Nam sẽ xử lý cuộc gọi VoIP đó, và gọi ra ngoài PSTN với số điện thoại mà người sử dụng VoIP đã thực hiện.
Nguồn: Getty Image |
Khi thực hiện cuộc gọi qua các FXO Gateway, số điện thoại hiển thị người gọi đến sẽ là số điện thoại mà bưu điện cấp cho người sử dụng, do đó rất dể để truy ra được hệ thống điện thoại ấy đang nằm đâu vì hầu hết các số điện thoại cố định đều được đăng ký sử dụng, do đó hầu như các đối tượng kinh doanh Termination (trái phép) không còn sử dụng FXO Gateway nữa.
-
GSM Modem
GSM Modem hoạt động tương đối giống như điện thoại di động của chúng ta, chỉ khác một điểm nó không có handset và có giao tiếp TCP/IP. GSM Modem không cần một line điện thoại cố định, mà có thể được di chuyển nhằm tránh bị phát hiện. Các GSM Modem tương đối đắt hơn các FXO Gateway vì khả năng rất cao và dễ thiết lập. Nếu mỗi điểm dịch vụ Internet tại TPHCM đặt 02 GSM Modem thì tổng số cuộc gọi bất hợp pháp có thể lên đến con số 10.000 cuộc - tương đương 500 đường T1, một con số khổng lồ. Việc thực hiện cũng rất dễ dàng, các GSM Modem được cấu hình sẵn, và chỉ cắm vào Internet là sử dụng. Hệ thống máy chủ - Softswitch được đặt ở nước ngoài, nên tất nhiên ngoài vùng kiểm soát!
-
Các biến thể dùng GSM Modem để trộm cước
Sử dụng GSM kết hợp với Mobile-VSAT
Tại Việt Nam chưa có trường hợp này, nhưng hình thức này cũng khá thông dụng ở các nước khu vực. Đã từng có sự việc hy hữu: một người Thái Lan dùng một chiếc xe tải nhỏ, đặt trong đó hơn 40 GSM Modems và một hệ thống VSAT tự động, liên tục di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác ở những nơi có sóng điện thoại để thực hiện công việc Termination bất hợp pháp của mình.
USB / PCMCIA GSM
Cũng bằng hệ thống GSM, nhưng được tích hợp một cách hoàn hảo vào một bộ đọc USB hoặc 1 giao tiếp PCMCIA của Laptop, hiện đang được một vài dịch vụ Termination nhỏ lẻ áp dụng. Giống như hình thức peer-to-peer file sharing, những người dùng cắm GSM USB vào laptop của mình. Cuộc gọi sẽ đến từ Internet và thông qua thiết bị USB GSM kết nối vào hệ thống điện thoại Việt Nam. Chi phí sử dụng đường truyền quốc tế đường dài được chuyển thành chi phí sử dụng Internet và cuộc gọi nội hạt. Thiết kế một hệ thống như thế cũng không có gì khó khăn.
Bên dưới là sơ đồ của một hệ thống thiết lập cuộc gọi từ Internet vào Việt Nam.
II. Những cách phát hiện hệ thống Termination trái phép
Cách đầu tiên và hữu hiệu nhất, là dựa vào nguồn tin của quần chúng, đặc biệt của những người vừa nhận cuộc gọi từ nước ngoài nhưng lại có Caller-ID là di động hoặc một số điện thoại bàn nào đấy. Tuy nhiên, tâm lý người sử dụng ít ai lại đi “tố cáo” cho tiện ích của chính mình. Trừ khi giá cước viễn thông giảm làm cho người sử dụng cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam, thì thực sự cách này mới có hiệu quả. Thông thường nếu gọi bằng đường Viễn Thông hợp pháp của VNPT, Caller-ID sẽ là 071-00000 hoặc hiện Unknown hoặc No Caller ID.
Việc phân tích traffic-pattern, nôm na là các dấu hiệu đặc biệt trong danh sách cuộc gọi của một thuê bao cũng giúp phát hiện ra các thuê bao kinh doanh trái phép. Các dấu hiệu dễ thấy nhất là số lượng cuộc gọi tăng vọt, liên tục trong khi đặc tính kinh doanh của doanh nghiệp (hoặc cá thể) không cần đến số lượng cuộc gọi như thế. Các số điện thoại gọi đến luôn khác nhau và ít lặp lại, gọi ngược lại số điện thoại ấy liên tục bận. Đối với các thuê bao GSM có thể kiểm tra thuê bao ấy đang nằm gần và thường xuyên ở khu vực nào nhất, từ đó khoanh vùng và xác định đối tượng.Tuy nhiên, hiệu quả thật sự của việc phòng chống trộm cước là rất nhỏ bé. Nếu có dịp đi dạo quanh những khu chợ của người Việt ở khu Little Saigon, hay khu người Việt ở Cambramatta tại Sydney, hay thậm chí ngay trên báo điện tử VNExpress cũng luôn sẵn có quảng cáo cho các dịch vụ “trộm cước” với các nội dung “Gọi Việt Nam 7c/phút” trong khi giá sàn chính thức của việc gọi về Việt Nam vào khoảng 16-17 c/phút !!!
Ngày nay, với các thiết bị hiện đại và sự ranh ma của các đối tượng sử dụng terminate trái phép, thì việc phát hiện và lần theo một hệ thống như vậy là rất khó. Phải chăng nên thống kê chính xác thiệt hại do vấn đề sử dụng termination trái phép gây nên, từ đó có sự đánh giá điều chỉnh giá cả phù hợp cho cước gọi về Việt Nam, đó cũng là mong muốn của hàng triệu người Việt sống trên toàn thế giới-một phần máu thịt của Việt Nam.
III. Những nhận định về IP to PSTN Termination
Trong đoạn cuối, người viết xin phép đặt một vấn đề cũng bức xúc không kém, đó là định nghĩa lại khái niệm “trộm cước” và những đặc tính của nó. Như đã định xem xét ở trên, hành động lợi dụng sự chênh lệch cước viễn thông quốc tế/nội hạt và sử dụng Internet (hoặc một vài hình thức khác) để mang cuộc gọi vào Việt Nam được xem là trộm cước.
Qui mô của một hệ thống Termination có thể từ 1, 2 cổng FXO/GSM tại một địa điểm hay lên đến hàng trăm cổng FXO/GSM ở nhiều địa điểm khác nhau. Không phải mọi hành vi terminate cuộc gọi từ internet đều vì mục đích kinh doanh. Đó có thể là hệ thống riêng của một công ty đa quốc gia chỉ muốn giảm cước viễn thông cho chính mình, thậm chí đó có khi là hệ thống của một cá nhân – du học sinh chẳng hạn, biết chút ít về CNTT đã lắp 1 cổng FXO để liên lạc với người nhà cho dễ dàng hơn. Người viết cũng có thói quen dùng softphone để gọi ra từ hệ thống tại nhà mình khi ngồi ở các Wifi Coffee ở Việt Nam thay vì sử dụng di động cho dễ dàng hơn, về bản chất cũng là gọi từ internet, terminate vào hệ thống PSTN qua các cổng FXO, giống y như các trường hợp “ăn cắp” đã bị phát hiện. Kế đến phải kể đến các công ty lớn sử dụng những hệ thống PBX với các hàng chục cổng FXO, chủ yếu để phục vụ cho hệ thống tích hợp điện thoại và CNTT Computer Telephone Integration (CTI) của mình để sử dụng những dịch như interative voice respond (IVR) và những ứng dụng thoại khác (gameshow, v.v...), hay những hệ thống VoIP Site to Site tự thiết kế của các doanh nghiệp tận dụng Internet để liên lạc.
Trong mọi trường hợp, họ đều trả cước viễn thông khi kết nối vào PSTN hay GSM. Phải chăng chúng ta đang phân biệt cuộc gọi từ internet ở Việt Nam và internet ở nước ngoài!?? Và làm sao có thể kết luận hành vi nào là trộm cước khi cùng phương thức giống nhau và được nhìn nhận hoàn toàn khác nhau? Đó là những thắc mắc chính đáng của những nhà kinh doanh công nghệ VoIP, những công ty đa quốc gia muốn đầu tư vào Việt Nam đang băn khoăn về cước phí viễn thông tại Việt Nam.
Terminate cuộc gọi từ internet là một kỹ thuật rất thông dụng ở các nước phát triển, mang đến rất nhiều tiện lợi cho người sử dụng, doanh nghiệp và là một yếu tố chính thúc đẩy công nghệ VoIP phát triển. VoIP là một xu hướng tất yếu, chúng ta phải biết đón nhận và tận dụng, nên chăng bỏ qua những lợi ích tạm thời để mang lại giá trị lớn hơn cho người dùng Việt Nam?
Nên chăng, nhà nước nên cho phép tư nhân mở những dịch vụ termination hợp pháp với giá sàn do bưu điện quy định! Động thái này sẽ triệt tiêu các termination trái phép, chống thất thoát hàng trăm tỷ đồng hàng tháng cho Việt Nam, đó là chưa kể các yếu tố quản lý khác đối với hệ thống điện thoại hiện tại vẫn được duy trì.
-
Tan Huynh (Theo Connection Magazine)
Ý kiến của bạn?