Các nghệ sĩ, hãng đĩa và giới phát triển game di động đang chụm đầu bàn bạc cách xây dựng những trò game dựa trên chân dung và âm nhạc của những siêu sao hot nhất hiện nay.
Bộ phim "Get Rich or Die Trying" của 50 Cent đã được xây dựng thành video game và sắp tới là mobile game. Nguồn: 50Cent Fanclub |
Mãi cho tới gần đây, người ta mới nhận ra rằng ý tưởng này hoàn toàn thiếu vắng trong địa hạt video game và giải trí không dây. Thật mỉa mai, khi hai lãnh địa này lại được ngành công nghiệp âm nhạc hỗ trợ hết sức.
Lợi cả đôi đàng
Cho tới nay, những game di động lớn nhất, best-seller và xôm tụ nhất toàn được lấy cảm hứng từ Hollywood. Chuyện phát hành game di động ăn theo một bộ phim ăn khách (hoặc cùng thời điểm, hoặc trước khi công chiếu bộ phim vài tuần) gần như đã trở nên chuyện cơm bữa. Từ những bộ phim hoạt hình như "Kỷ nguyên băng hà 2" cho đến những phim hành động thót tim như Điệp vụ bất khả thi 3, "The Fast and the Furious: Tokyo Drift" hay những quả bom tấn như "Đại chiến thế giới", "King Kong" và "Bộ Tứ siêu đẳng".... tất cả đều có game di động bám đuôi.
Các mạng không dây và hãng game di động chẳng có lý do gì để không vui vẻ với những bản hợp đồng này, bởi hàng triệu USD mà các hãng phim chi cho quảng cáo vô tình đã làm lợi cho game của họ. Trong khi ấy, các hãng phim cũng thích game chẳng kém, vì nhờ nó, họ có thêm một khoản thu nhất định để bù đắp cho ngân sách làm phim khổng lồ. Ấy là chưa kể game ăn theo còn là công cụ quảng bá không công cho bộ phim nữa.
Đến đây bạn tự hỏi: Sao chẳng thấy bóng dáng của ngành công nghiệp âm nhạc? Họ đang chui rúc ở phương trời nào? Chắc chắn, một trò game di động lấy cảm hứng từ các nghệ sĩ và album/single sắp phát hành của họ cũng có thể kiếm tiến và làm lợi y hệt như vậy.
Khởi đầu chậm chạp
Một cách chậm rãi, giới phát triển game di động đang thiết lập quan hệ với các hãng đĩa. Gameloft, một studio game di động đã đưa vào phần soundtrack game của mình rất nhiều ca khúc hut của Sum 41, Phantom Planet và nữ ca sĩ bốc lửa Beyoncé.
Zingy, nhân vật tiên phong của cả ngành kinh doanh nhạc chuông, vừa phát hành một game di động có tựa đề "Free Yayo", trong đó có sự tham gia của các thành viên G-Unit, bao gồm cả 50 Cent.
Phiên bản game dựa trên bộ phim tiểu sử "Get Rich or Die Tryin" của tay rapper nổi tiếng này cũng sẽ được phát hành trong tháng này, trùng với thời điểm phát hành DVD của phim. Cuối hè năm nay, Zingy dự định công bố một series game di động dựa trên cuộc đời của tay rapper đã khuất Notorious B.I.G (Người được P.Diddy và Faith Evans tưởng nhớ đến qua ca khúc "I'll Be Missing You").
Không cần súng và bạo lực, Kelly Clarkson cũng có thể khơi nguồn cảm hứng cho mobile game. Nguồn: Emmaria |
Tuy nhiên, có thể thấy là những hoạt động này còn rất đơn lẻ và rời rạc. Giới phát triển game hầu như còn rất xa lạ với ý tưởng xây dựng game dựa trên cuộc đời và âm nhạc của các thần tượng âm nhạc. Trên thực tế, điều này không có gì là khó hiểu. Với một bộ phim, họ có rất nhiều thứ để khai thác và phát triển thành game, từ nhân vật cho đến cốt truyện. Nhưng với âm nhạc, công thức này không thể áp dụng được nữa.
Súng và bạo lực
Đó là lý do vì sao mà những game di động theo hướng âm nhạc đầu tiên lại chỉ tập trung vào các siêu sao hip-hop, bởi cuộc đời của họ không xa lạ gì với súng, đạn, bạo lực và kịch tính hệt như phim.
Mặc dù vậy, cũng khó xem đây là lời bào chữa tốt. Tuy đại bộ phận game di động hiện nay nằm trong thể loại hành động/phiêu lưu, nhưng thực ra, những game ăn khách nhất lại là những game bình thường như chơi bài poker, ô chữ, xếp hình, bowling và ném phi tiêu. Loại game này rất dễ "đính ghim" vào một nghệ sĩ hoặc album cụ thể, bởi chúng không cần đến cốt truyện.
Chưa hết, theo thống kê, có khoảng 58% người chơi game trên dế là phụ nữ, những người vốn chẳng quen với phong cách bắn sùng ì xèo và biết đâu, họ lại thích một trò game có Kelly Clarkson, cô ca sĩ được giải American Idol thì sao?
Cả hai lập luận trên đều cho thấy rõ ràng là có chỗ cho game ca nhạc, miễn là các hãng game chịu sáng tạo một chút.
Thiên Ý (Theo Reuters/Billboard)