Hãng sản xuất máy tính này từng một thời lao đao nhưng nay lại bước sang tuổi 30 trẻ khỏe và cường tráng như một thiếu niên 17.
Trong khi ấy, bước sang tuổi thứ 31 nhưng Microsoft lại ra dáng một quý ông trung niên: Giàu có nhưng chậm chạp, nhất là khi động chạm đến những lĩnh vực nóng hổi như Internet.
"Apple đã rất thành công khi gây dựng được cả một "nền văn hóa quả táo" trong thế hệ @, còn Windows và PC gần như đã bị dân 8x-9x gọi là "máy tính của ngoại tôi", Tim Bajarin, chủ tịch hãng nghiên cứu Creative Strategies ví von.
Lột xác hoàn toàn
Giám đốc điều hành Steve Jobs đang giới thiệu video iPod - thiết bị được coi là "khai phá thị trường" mới cho Apple. Nguồn: AP |
Có thể nói, Apple của ngày hôm nay đã khác xa, nếu không muốn nói là lột xác hoàn toàn khỏi Apple của 30 năm trước, khi Steve Jobs và Steve Wozniak cùng đứng ra lập hãng vào đúng ngày Cá tháng tư năm 1976. Sản phẩm đầu tiên của họ là một bộ máy tính tự lắp ráp DIY và sau đó là Apple II, sản phẩm được ghi nhận là có công phổ cập máy tính gia đình.
Giờ đây, lĩnh vực hái ra tiền nhất và thăng tiến như "sao xẹt" của hãng lại là máy nghe nhạc cầm tay và dịch vụ nhạc số. iPod và iTunes đã cùng nhau "đẻ" một cuộc cách mạng cho đôi tai con người. Và vào giừa thời điểm Microsoft đang chạy nước rút cho phiên tòa kháng án chống lại EU, Apple đã nhận được một món quà sinh nhật bất ngờ: Cổ phiếu hãng này tăng gần 5%, do giới đầu tư lo ngại về khả năng thua kiện của Microsoft.
Nhờ iPod và iTunes, cổ phiếu Apple đã tăng vọt từ 7,44 USD hồi đầu năm 2001 - năm mà iPod bắt đầu được giới thiệu - đến con số đỉnh cao 86 USD vào giữa tháng Một vừa qua.
Tình hình hoàn toàn trái ngược với thời điểm cách đây 10 năm, khi Apple vừa chảy máu chất xám, vừa cạn tiền và lại phải vật lộn với nhãn hiệu máy tính chủ lực Macintosh.
"Apple đã đi "mông má" toàn thân, từ bơm môi cho đến độn ngực", Daniel Morgan, chuyên gia của Hãng tư vấn đầu tư Synovus tếu táo. Theo lý giải của Morgan thì chính sự "mông má" mạnh dạn này đã giúp Apple lột xác thành công thành một hãng điện tử gia dụng, nhờ đó, phục hồi được sau đợt suy thoái trầm trọng những năm 95.
Morgan cũng nhấn mạnh rằng Apple đã gần như một tay tạo dựng thị trường cho máy nghe nhạc MP3, vì vậy, việc iPod hiện nắm giữa gần 73% thị phần của thị trường này âu cũng là dễ hiểu. Chính iPod là lực lượng chủ đạo trong quá trình Phục hưng của Apple, cả về mặt tài chính lẫn văn hóa doanh nghiệp. Giờ thì nó chiếm xấp xỉ 40% tổng doanh thu của Apple mỗi năm.
Quả thật, ở tuổi 30, Apple cường tráng, hùng mạnh hơn hẳn so với Apple 20. 10 năm trước, Apple mất dần mất mòn thị phần vì máy tính Macs. Năm 1986, Apple vẫn còn chiếm giữ 16% thị phần của thị trường máy tính, chỉ chịu đứng sau mỗi IBM. Thế nhưng liên tục những năm sau đó, tỷ lệ này giảm liên tục, dẫn tới việc hội đồng quản trị Apple bỏ phiếu trục xuất Steve Jobs ra khỏi vị trí CEO.
Có thể nói, vào thời điểm đó, Apple thay CEO như thay áo. Hãng ngụp lặn trong cuộc chiến giành lại thị phần cho Mac, đồng thời cố gắng tung ra những sản phẩm mới như Newton, máy PDA thế hệ đầu tiên to như cục gạch.
Đến tháng 7/1997, cổ phiếu của Apple sụt tới con số thê thảm là 3,30 USD và Quả táo thua lỗ tới 708 triệu USD riêng trong quý II năm đó. Điều mỉa mai là Apple lại thua lỗ vào một thời điểm mà tất cả các đối thủ khác đều đang sung sướng tận hưởng cơn sốt công nghệ hồi cuối thập niên 90.
Cực chẳng đã, Apple phải mời Jobs quay lại, và dưới đế chế của Jobs, Apple bắt đầu tung ra một chuỗi sản phẩm mới, trong số này có iMacs - series máy tính mini, thời trang và sặc sỡ nhiều màu, được hậu thuẫn bởi một chiến dịch quảng cáo rầm rộ. Nhưng hơn hết thảy là iPod, ra đời đúng tháng 10/2001.
Thách thức trước mắt
Nhận thấy không thể "xơ múi" nhiều từ thị trường máy tính được nữa, Apple đã nhanh chóng chuyển mình thành một đại gia sản xuất máy nghe nhạc MP3. Giới phân tích sau này đều tấm tắc khen ngợi bước đi thông minh này của Quả táo, bởi Apple là hãng duy nhất, khi ấy, nhìn thấy được xu hướng: Thị trường PC bão hòa, trong khi địa hạt điện tử gia dụng sẽ "thăng thiên".
Nhưng tất nhiên, sinh nhật lần thứ 30 không chỉ toàn bánh kem và rượu ngọt.
Hai trong số những quan chức cao cấp nhất của Apple sẽ dứt áo ra đi vào ngày mai. Avie Tevanian, chuyên gia phát triển phần mềm hàng đầu của Quả táo đã quyết định từ chức để "theo đuổi ý thích riêng". Việc ông này từ chức cũng tình cờ trùng khít với thời điểm ra đi của Jon Rubinstein, người đứng đầu bộ phận đang nóng bỏng nhất trong Apple hiện nay - iPod.
Chưa hết, các luật sư của Apple còn phải đối đầu với Apple Corps tại tòa án, sau khi bị cáo buộc lạm dụng logo Quả táo để kinh doanh nhạc trực tuyến.
Mặc dù vậy, đấy vẫn chỉ là những rắc rối nho nhỏ. Apple đã tăng trưởng thần tốc trong suốt 5 năm qua, chủ yếu là nhờ địa vị thống trị tuyệt đối của hãng trên địa hạt máy nghe nhạc MP3. Thách thức lớn nhất với Apple lúc này là làm sao duy trì được đà tăng trưởng của suốt 5 năm qua, khi mà thị trường MP3 ngày càng khắc nghiệt.
Bước đi thăm dò đầu tiên của Apple là thị trường video, khi Apple tung ra video iPod và đang thương thảo để cung cấp cả dịch vụ video qua iTunes. Bên cạnh đó, Apple cũng cạnh tranh quyết liệt với các hãng máy tính để giành quyền kiểm soát "ngôi nhà số", khi giới thiệu loa iPod thay thế dàn hifi stereo gia đình.
Một xu hướng nữa Apple chắc chắn sẽ theo đuổi: Nhạc trên điện thoại di động, một thị trường rộng lớn nhưng hiện vẫn chỉ giới hạn ở nhạc chuông download. Nhiều nguồn tin nói rằng Apple sẽ tung ra mẫu điện thoại di động iPod của riêng mình, do Motorola ROKR đã thất bại thảm hại.
Trong nỗ lực duy trì nhãn hiệu máy tính của mình, Apple đã quyết định trang bị cho Macs chip Intel lần đầu tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, bước đi này có giúp Apple tăng thị phần hay không thì vẫn cứ phải chờ xem.
Thiên Ý (Theo CNN Money, AP)