Bản chất về công nghệ
WiMAX là viết tắt của cụm từ Worldwide Interoperability for Microwave Access (Khả năng khai thác liên mạng toàn cầu đối với truy nhập viba). WiMAX có khả năng phủ sóng rộng lớn, không giới hạn về không gian thay vì bó hẹp trong mấy mươi mét của hotspot, tốc độ truyền dữ liệu cao gấp nhiều lần chuẩn di động 3G. Tính di động ở công nghệ này được phát huy tới mức tối đa, phá vỡ mọi rào cản kết nối các dịch vụ trực tuyến. Người sử dụng WiMAX sẽ được tham gia các dịch vụ gia tăng với tốc độ "khủng khiếp" và đa dạng đến mức khó tả (điện thoại video, phim, nhạc trực tuyến, game online…) ngay trên chú "dế" yêu. WiMAX 802.16 là chuẩn mới nhất vừa được cấp chứng chỉ Quý IV năm 2005, cho phép trạm cơ sở kết nối tới những thiết bị di động, tạo tiền đề cho những dự án mạng di động công nghệ WiMAX.
Thực tế thị trường
Năm 2005 đánh dấu bằng việc nhiều tên tuổi lớn tuyên bố hỗ trợ WiMAX mà đỉnh điểm là sự cam kết hợp tác giữa Intel, Nokia, Motorola nhằm cho ra đời những thiết bị không dây tích hợp chipset WiMAX. Sự tối ưu của WiMAX ngày càng được thể hiện rõ trong các bản báo cáo và như bản cáo chung cho những công nghệ vốn một thời đình đám như Wi-Fi, 3G. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn đầy hoài nghi và phủ nhận sự thành công của WiMAX trong tương lai. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng WiMAX là một giải pháp tuyệt vời về mặt công nghệ kết nối nhưng đồng thời cũng chỉ ra rằng, một chi phí quá lớn phải bỏ ra để phát triển hạ tầng cho một hệ thống mới trong khi hệ thống cũ vẫn còn chưa được sử dụng hết. Quả thực, nếu phải bỏ ra 3 tỷ USD để triển khai WiMAX trên toàn nước Mỹ trong khi công nghệ 3G vẫn là tiềm năng chưa khai thác hết thì dễ gì các công ty viễn thông chịu bỏ kinh phí đầu tư cho việc phát triển một dịch vụ mà bản thân nó vẫn còn bất ổn. Đến giờ phút này, các tập đoàn viễn thông lớn như AT&T, T-Mobile hay Vodafone vẫn án binh bất động đủ để thấy rằng họ vẫn chưa mặn mà gì. Còn Verizon Wireless, Cingular và Sprin Nextel, dễ gì họ từ bỏ tất cả hạ tầng 3G mà bao nhiêu công sức, tiền của đầu tư mới xây dựng được để phát triển một lĩnh vực mới như WiMAX. Xét về khía cạnh kinh tế, dự án WiMAX thực sự chưa hứa hẹn gì nhiều, ngay cả con số đầu tư, giá thành thiết bị đầu vào và đầu cuối cũng chưa có con số cụ thể. Tập đoàn Qualcomm tỏ ra quan ngại trước tính khả thi của WiMAX và việc hãng mua lại thương hiệu Flarion càng có vẻ như Qualcomm muốn tập trung cho 3G, 4G nhiều hơn là phát triển WiMAX. Việc công ty Flarion ứng dụng công nghệ Flash-OFDM và thử nghiệm cho thấy công nghệ này đạt được tốc độ ngang bằng với WiMax. Dự án triển khai WiMAX còn vấp phải sự thờ ơ của chính tập đoàn phần mềm Microsoft- ông chủ của HĐH tên tuổi cho thiết bị di động PDA, ĐTDĐ, điều đó cũng có nghĩa là, Microsoft chưa hoàn toàn muốn gia nhập đội ngũ hỗ trợ cho thị trường không dây này, và có lẽ đối với họ, Wi-Fi + VoIP là quá đủ.
Đó là một nửa bi quan, nhưng nửa còn lại, Nokia, kẻ hùng mạnh đã sớm gia nhập thị trường bằng việc tuyên bố sẽ tích hợp Chipset WiMAX của Intel cho các thiết bị không dây của mình (phần lớn là ĐTDĐ), và như thế, há chẳng phải 31% điện thoại di động toàn cầu sẽ là thuê bao WiMAX hay sao?
Tại Việt Nam
Mới đây Bộ Bưu chính Viễn thông đã coi WiMAX như một thế mạnh mũi nhọn, giúp Việt Nam hội nhập các nước tân tiến về mặt công nghệ, tạo đà cho việc gia nhập WTO trong năm nay. Với việc 4 doanh nghiệp viễn thông đăng ký và được cấp phép cung cấp dịch vụ WiMAX (VNPT, Viettel, VTC, FPT), việc triển khai mạng băng rộng WiMAX có lẽ sẽ được đẩy nhanh hơn so với dự kiến, thậm chí khả quan hơn sẽ là việc cho phép thử nghiệm 1 năm và sau đó Bộ sẽ dựa trên kết quả để chọn ra một nhà cung cấp dịch vụ chính thức. Bản thân 2 công ty là VTC và FPT Telecom cũng đã có bước chuẩn bị từ trước với việc xúc tiến xây dựng đội ngũ, đàm phán lựa chọn giải pháp, thiết bị xây dựng hạ tầng.
Vâng, đó là một tín hiệu hết sức khả quan nhưng việc thử nghiệm đó mới chỉ tiến hành trên mạng cố định. Liệu ứng dụng cho mobile có khả thi không khi còn đó những nhà cung cấp dịch vụ CDMA như Hanoi Telecom, EVN hay Sfone, với lời hứa hẹn một năm hoành tráng và bùng nổ của 3G. Cả 3 nhà cung cấp dịch vụ này đều coi năm 2006 là năm sống còn. Còn với mạng GSM truyền thống, việc nâng cấp lên mạng UMTS cũng sẽ là một sự thể hiện công nghệ để so tài. Dễ gì WiMax ra đời mà không vướng phải sự cạnh tranh khốc liệt từ những đối thủ tiềm tàng như vừa nêu trên. Bài toán triển khai dịch vụ còn vướng phải sự khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Vấn đề nan giải hiện nay là việc đặt các trạm BTS đã quá sít sao thì liệu trong những khu vực nội thành đất chật người đông liệu còn đủ chỗ dựng trạm, dựng cột cho WiMAX.
Hơn nữa, WiMAX sẽ không thể tăng nhanh bởi công nghệ này còn phụ thuộc vào máy đầu cuối. Số lượng lớp khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ Multimedia trên nền công nghệ WiMax không nhiều như dịch vụ di động. Và cho đến nay chưa ai dám khẳng định chắc chắn rằng đây sẽ là dịch vụ vượt trội so với mạng GSM, CDMA vốn đã chiếm toàn bộ thị trường viễn thông cơ bản hay không?
WiMAX (chuẩn công nghệ IEEE 802.16): WiMAX tương tự như Wi-Fi về khái niệm nhưng có một số cải tiến nhằm nâng cao hiệu suất và cho phép kết nối ở những khoảng cách xa hơn so với Wi-Fi (chuẩn công nghệ IEEE 802.11) nhờ một loạt ưu điểm như tốc độ truyền dữ liệu cao, có thể lên tới 70 Mbps, khu vực phủ sóng rộng trong phạm vi 50 km, khả năng bảo mật cao. WiMAX có thể đáp ứng được hầu hết các yêu cầu thông tin hiện đại, thích hợp cho việc tổ chức mạng vô tuyến nội thị (WMAN) hoặc đáp ứng tốt yêu cầu thông tin riêng của từng ngành nghề. Trong công nghệ WiMAX dịch vụ thoại chỉ là một ứng dụng. Nếu như băng tần của di động dao động từ 800-1.800 MHz và 3G là 1900-2.100 MHz và 2.2 GHz thì băng tần của WiMAX lại cao hơn hẳn, ở mức 2.3 - 3.3 GHz. Ưu điểm của công nghệ này 1 trạm BTS của WiMAX có thể phủ sóng từ 10 đến 50km, lại chỉ cần ít trạm phát sóng, nhưng chất lượng dịch vụ vẫn được đảm bảo. Do đó, việc lắp đặt rất dễ triển khai, thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Với một trạm BTS WiMAX, có thể quy định được 10 người ở chế độ ưu tiên, trong khi vẫn đảm bảo được băng tần. Mức độ phổ cập dịch vụ phụ thuộc thiết bị đầu cuối cá nhân. Thiết bị đầu cuối để sử dụng WiMAX gồm PDA, điện thoại di động, máy tính có chức năng thu vô tuyến. Có thể dùng Card cắm vào máy tính để truy nhập, nếu nhà ở xa trạm phát (trên 5km) phải dùng 1 ăng-ten parabol nhỏ để thu tín hiệu.
- Trước đây, VNPT cũng đã thử nghiệm WiMAX nhưng là chuẩn khác, không phải là chuẩn mới hiện nay. Chuẩn hiện nay liên quan nhiều hơn đến di động và đến mạng thế hệ mới NGN. Chính vì vậy, VNPT đang làm Dự án về WiMAX. Theo đó, phần truy nhập vô tuyến sẽ do các Bưu điện tỉnh thành thực hiện. VDC triển khai dịch vụ Internet và VASC sẽ triển khai dịch vụ nội dung. (Nguồn: VNPT) |
(Theo eCHIP M)