(VietNamNet) - Từ tháng 8 tới, các trò game online sẽ được hoạt động trong khoảng thời gian từ 6h sáng đến 23h đêm. Mỗi account chơi game được tính thưởng 100%trong 3 giờ liên tiếp đầu tiên, 2 giờ tiếp theo được tính 50% điểm thưởng, còn từ giờ thứ 6 trở đi sẽ không được tính.
Đó là một trong những nội dung chính của Thông tư về Quản lý trò chơi trực tuyến (online games) do Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì soạn thảo sắp được ban hành, sau khi bản Dự thảo lần thứ 8 và cũng là lần cuối cùng đã "có thể coi là hoàn chỉnh".
Dự thảo Thông tư này được Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ VH-TT) Nguyễn Trí Dũng cho là "chặt chẽ, thông thoáng, theo đúng tinh thần phát triển đi đôi với quản lý tốt". VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Dũng về kết quả cuối cùng của Thông tư "quá tam... tám bận" này.
Phó Cục trưởng Cục Báo chí Nguyễn Trí Dũng. Ảnh: B.D |
- Thưa Phó Cục trưởng, nếu trong Dự thảo lần thứ 7, Bộ Văn hóa - Thông tin đưa ra 5 điểm đáng lưu ý, được dư luận quan tâm thì đến Dự thảo lần thứ 8, cũng là lần cuối cùng sắp được ban hành có những thay đổi, điều chỉnh như thế nào?
- Ông Nguyễn Trí Dũng: Năm vấn đề đặt ra trong Dự thảo lần thứ 7 đều có sự điều chỉnh, bổ sung sau khi đã lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận, các doanh nghiệp... Dự thảo lần 8 quy định cơ quan thẩm định, phê duyệt nội dung là Bộ VH-TT chứ không phải là Giám đốc các Sở VH-TT như Dự thảo lần 7 đã nêu.
Thông tư không đặt ra vấn đề bảo hộ tài sản ảo trong game mà chỉ nêu trách nhiệm của các DN trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người chơi. Về giới hạn thời gian chơi được Thông tư áp dụng trên cơ sở tham khảo quy định Trung Quốc đang thực hiện.
Dự thảo lần 8 chỉ yêu cầu 2 loại giấy phép cần có đối với DN kinh doanh dịch vụ trò chơi trực tuyến: Giấy phép cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet của Bộ BC-VT và văn bản phê duyệt, thẩm định nội dung, kịch bản từng trò chơi của Bộ VH-TT.
Về điều kiện máy chủ, kỹ thuật, DN chỉ cần "có hệ thống cụm máy chủ phục vụ việc cung cấp trò chơi trực tuyến đặt tại Việt Nam và phương án kỹ thuật phù hợp với các quy định hiện hành về thiết lập mạng, kết nối, sử dụng tài nguyên thông tin, giá cước, công nghệ và chất lượng dịch vụ".
- Người chơi game online rất quan tâm đến vấn đề hạn chế giờ chơi. Vậy Thông tư quy định vấn đề này ra sao? Quy định do Bộ VH-TT đưa ra căn cứ trên cơ sở nào?
- Chúng tôi quy định về vấn đề này bằng cụm từ "thời gian các game thủ chơi có tính điểm thưởng trong một ngày". Theo đó, mỗi ngày được quy định trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 23 giờ, mỗi account được chơi có tính thưởng trong 3 giờ đầu tiên, từ giờ thứ 4 và thứ 5 chỉ được tính một nửa số điểm thưởng và bắt đầu từ giờ thứ 6 số điểm thưởng sẽ bằng không.
Thời gian áp dụng quy định về giờ chơi là 3 tháng sau khi một trò chơi mới được phát hành chính thức. Đối với các trò chơi hiện đang cung cấp trên mạng, thời gian áp dụng bắt đầu từ tháng 8 năm 2006.
Vừa qua báo chí bàn luận nhiều đến tính khả thi của quy định hạn chế giờ chơi. Quan điểm của tôi là không cầu toàn được. Lý di báo chí đưa ra là người ta có thể chơi bằng rất nhiều account khác nhau, ở nhiều địa điểm khác nhau..., nhưng theo tôi, không cái khóa nào có thể chống được mọi kẻ trộm! Ở đây, hạn chế ở đây là chúng ta hướng nhiều đến đối tượng thanh thiếu niên.
- Còn về phía các DN, vấn đề quan tâm nhất chính là các quy định về giấy phép liệu có gây phiền hà, Thông tư lần này sẽ có sự điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
- Quan điểm của Tổ soạn thảo Thông tư của Bộ VH-TT và cũng là kiến nghị của các DN tại cuộc họp ngày 10-3-2006, trong khi cần tăng cường công tác quản lý một cách chặt chẽ, nhưng cũng cần giảm thiểu tối đa số lượng các loại giấy phép không thực sự cần thiết theo đúng tinh thần của Luật DN, vừa tránh gây khó khăn cho DN cũng như phản ứng của báo chí và dư luận.
Vì lý do trên, Dự thảo lần 8 yêu cầu hai loại 2 giấy phép thay vì 4 loại như Dự thảo lần 7. Đó là giấy phép cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet, ghi rõ loại hình dịch vụ "Trò chơi trực tuyến" do Bộ BC-VT cấp và văn bản phê duyệt, thẩm định nội dung, kịch bản từng trò chơi của Bộ VH-TT.
Hai loại giấy phép đề nghị chuyển sang chế độ hậu kiểm là văn bản cho phép chính thức cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến và giấy phép cung cấp từng trò chơi mới. Quy trình cấp phép sẽ độc lập, không phụ thuộc vào nhau.
Quy định về giấy phép là ý kiến chung của các chuyên gia, của DN, từ kinh nghiệm của các nước đi trước ta như Hàn Quốc, Trung Quốc, đủ sức quản lý mà không hề gây phiền hà. Theo tôi, các DN đều rất tán thành, đồng tình cao.
Từ tháng 8 tới, các game thủ VN sẽ "được" quản lý giờ chơi game một cách chặt chẽ hơn. (Ảnh VietNamNet) |
- Nhiều người thắc mắc liệu đến bao giờ vấn đề về tài sản ảo mới ngã ngũ, và khi có sự thống nhất thì có được bổ sung vào Thông tư?
- Đúng là Ban soạn thảo Thông tư đã thống nhất về vấn đề tài sản ảo, nhưng là thống nhất tạm thời chưa đưa các quy định cụ thể về bảo hộ tài sản ảo vào Thông tư này. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học & công nghệ, Công ty Hanoi Telecom và Công ty VinaGame thì Thông tư cũng nên có những quy định bảo vệ quyền tài sản phát sinh trong game của người chơi.
Cục Báo chí đồng ý với đề nghị của một số DN về việc sử dụng cụm từ "áp dụng biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền của người chơi" là có tính chất khả thi đối với các DN hơn là sử dụng cụm từ "bảo hộ hoặc thừa nhận tài sản ảo trong game".
Tại Dự thảo lần 8 Thông tư, Khoản 3, Điều 14, Trách nhiêm của các DN cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, được bổ sung như sau: "... DN có trách nhiệm áp dụng các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người chơi, đặc biệt về chất lượng dịch vụ, an toàn, an ninh, trật tự, cước phí, và các quyền lợi chính đáng khác phát sinh trong game của người chơi đạt được như đồ vật, nhân vật của người chơi...".
Còn về lâu về dài, tôi cho là phải có sự nghiên cứu đa ngành. Theo tôi để quy định rõ về vấn đề này có khi phải sửa đổi. bổ sung một loạt điều luật hiện hành. Ví dụ Bộ luật Dân sự đã quy định rõ tài sản là như thế nào. Nhưng tài sản ảo thì sao, rất khó định nghĩa...
Trong vấn đề này cũng cần đến vai trò của Bộ Thương mại, Bộ Công an, Bộ Tư pháp chứ ko phải chỉ Bộ VH-TT và BC-VT. Để quy định rõ hơn, cần có sự nghiên cứu kỹ hơn và đưa vào văn bản pháp lý cao hơn là một thông tư.
- Trong quá trình đưa ra Thông tư, Bộ VH-TT mà cụ thể là Cục Báo chí - là đầu mối của Ban soạn thảo - gặp những khó khăn, thuận lợi gì mà phải đến 8 lần đưa ra Dự thảo và phải dời lại ngày công bố?
- Rất khó. Khó là sự đồng thuận khi có những quan điểm rất khác nhau, trong đó có sự đồng thuận giữa các Bộ tham gia soạn thảo là Bộ VH-TT, Bộ BC-VT và Bộ Công an. Các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, kể cả trong nội bộ Bộ VH-TT và Cục Báo chí cũng không dễ để có sự đồng thuận ngay về mọi vấn đề. Thực tế chúng tôi cũng chưa có nhiều hiểu biết, am hiểu về lĩnh vực này.
Đây cũng là lĩnh vực rất mới mẻ, gắn với sự phát triển của công nghệ internet, công nghệ viễn thông và nó đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước hàng loạt vấn đề mà chỉ có thể giải quyết được bằng cách khắc phục sự hụt hẫng về kiến thức và kinh nghiệm quản ý đối với lĩnh vực công nghệ mới.
Trong khi đó, nhu cầu xã hội đặt ra là phải sớm có công cụ quản lý, chế tài quản lý nhanh. Do vậy mà phải căng ra để nghiên cứu, tìm hiểu. Chúng tôi cũng phải đi chơi thử chứ trước đây đâu có biết game online là gì. Rồi đi nghe ngóng, làm bạn với các game thủ, nhờ game thủ hướng dẫn cách chơi.
Còn việc tiếp cận kinh nghiệm của các nước thì nói thực, các nước có hoàn cảnh như chúng ta như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia... cũng lúng túng trong việc quản lý loại hình này.
Thời gian qua dư luận báo chí khi đưa tin về online game thì có xu hướng khai thác mặt có hại là chủ yếu, ít nói về những mặt tích cực. Mà nếu quản lý tốt thì online game cũng là phương tiện giải trí tốt, đặc biệt với giới trẻ. Bản thân tôi chơi một số game thì thấy hình ảnh quá đẹp, lời thoại hay, đầy những bất ngờ, mới mẻ, ngoạn mục...
Còn thuận lợi theo tôi là mọi người đều thấy rằng rõ ràng phải có biện pháp quản lý. Đặc biệt, chúng tôi nhận được hàng nghìn thư, đặc biệt của các phụ huynh, có người kêu cứu "các ông ơi cứu lấy con tôi!" thì càng thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý là là phải làm sao để quản lý tốt, hạn chế được mặt tiêu cực nhưng cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của loại hình giải trí này.
Chúng tôi cũng khuyến khích những game trong nước có nội dung tốt. Theo đó, quy định đưa ra sẽ có những ưu đãi cho nhà sản xuất trong nước, tương tự như ưu đãi về sản xuất phần mềm.
- Bây giờ, khi Thông tư sắp được bán hành, riêng cá nhân ông có lo lắng điều gì không?
- Lo lắng thì bao giờ cũng có. Liệu dư luận xã hội sẽ đón nhận như thế nào? Liệu những điều luật đặt ra trong thông tư có giúp hạn chế được tiêu cực, phát huy những mặt tích cực của trò chơi không?
Nhưng bản thân tôi rất tự tin với tư cách Phó Trưởng ban soạn thảo. Có lẽ trong hoàn cảnh hiện nay, những điều khoản chúng tôi đưa ra trong dự thảo lần thứ 8 này là những điều khoản khả thi hơn cả. Khi đi vào đời sống thì có thể sẽ gặp những bất cập, không phù hợp thì cũng cần sửa đổi, bổ sung tiếp. Ví dụ vẫn còn những vấn đề mới mà hiện nay thông tư chưa giải quyết được như về thuế, tài sản ảo, hạ tầng kỹ thuật...
- Nếu các DN, nhà cung cấp, phát hành game "lách luật", không tuân thủ những quy định đã nêu trong Thông tư, sẽ có những chế tài xử phạt thế nào?
- Thì sẽ xử lý vi phạm theo quy định pháp luật hiện hành. Bộ VH-TT có thể từ chối phê duyệt kịch bản và nội dung các trò chơi mới. Tôi biết, quản lý sẽ không dễ dàng đâu, vì vấn đề này rất mới. Quản lý thật còn khó nữa là quản lý ảo. Nhưng có điều là khi đã có hành lang pháp lý thì ít nhất các cấp chính quyền sẽ có công cụ pháp lý để quản lý loại hình giải trí mới mẻ này.
- Thưa ông, có vẻ như Bộ VH-TT khá lạc quan với việc đã "chốt" lại Thông tư lần này, sau đó sẽ là...?
- Là rất nhiều vấn đề khác. Đây mới là game online, sắp tới còn game và dịch vụ nội dung trên điện thoại di động thế nào... Tóm lại là công nghệ phát triển quá nhanh. Cơ quan nhà nước phải nâng mình lên để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
-
B.D (thực hiện)
Ý kiến của bạn về Thông tư quản lý Game online?