Không ít trường hợp người sử dụng ĐTDĐ hiện nay mỗi ngày bị nhá máy đến hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.
Có muôn hình vạn trạng những kiểu nhá (nháy) máy: nhá máy vì muốn làm quen, nhá máy để nghe nhạc và cả nhá máy vì... thích phá người khác!
Thích thì phá, làm gì nhau!?
Anh Nam (Lê Văn Sỹ, Q.3, TP.HCM), chủ nhân của một số điện thoại với dãy số khá đẹp (0908556xxxx), than rằng lúc đầu có một số người nhá máy hoặc gọi đến để hỏi mua nhưng về sau thì... một ngày anh nhận không dưới 20 số máy khác nhau gọi đến chỉ để nhá rồi tắt.
Chịu không thấu, anh gọi lại bằng số máy khác thì chỉ nghe giọng nói tầm phào của những thanh niên này. Anh dùng lời lẽ mềm dịu để nhắn tin thì được các số máy kia nhắn lại với nội dung rất dung tục. Trường hợp khác xảy ra với một thuê bao của S-Fone, theo như khách hàng này thì có ngày anh ta nhận được đến vài ba trăm cú nhá máy.
Theo ông Hồ Hồng Sơn, giám đốc điều hành Trung tâm điện thoại CDMA S-Fone, hành động nhá máy quấy rối người khác có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Có thể do mạng S-Fone (095) có dịch vụ nhạc chuông chờ (coloring) là các bài hát nên có một số người nhá máy cho người khác với mục đích nghe nhạc. Tình trạng này cũng diễn ra với một số thuê bao của mạng MobiFone với dịch vụ nhạc chuông chờ funring.
Mới đây, một trung tâm y tế huyện ở Lạng Sơn và các bác sĩ của trung tâm này cũng bị một thuê bao di động nhá máy quấy rối liên tục. Điều đáng nói là kẻ phá rối này liên tục nhá máy vào số điện thoại đường dây nóng của trung tâm, gây không ít khó khăn cho công tác tiếp nhận và giải quyết tình huống cấp cứu.
Trung tâm này đã phải làm công văn gửi bưu điện huyện sở tại để được giúp đỡ. Trớ trêu ở chỗ sau khi nhận được yêu cầu của trung tâm y tế huyện, trưởng bưu điện huyện liền gọi vào số máy quấy rối để kiểm tra và ông cũng đã trở thành nạn nhân tiếp theo của số máy này. Cuối cùng, bưu điện huyện phải nhờ đến sự can thiệp của Bưu điện tỉnh Lạng Sơn để đơn vị này làm việc với nhà cung cấp mạng di động.
Tình trạng giả mạo tin nhắn để "khủng bố" người khác cũng đã bắt đầu manh nha xuất hiện. Vào giữa tháng 3-2006, trong khi đang tiến hành bào chữa trong một vụ án tại Bà Rịa - Vũng tàu, luật sư C. (sử dụng số của mạng Vinaphone) đã nhận hàng trăm tin nhắn mỗi ngày từ một số giả mạo tổng đài nhắn tin của Viettel Mobile. Sau khi xác minh, Viettel Mobile và Vinaphone cũng đành chào thua vì số máy này được tạo ra từ Internet, mà lại là dịch vụ Internet công cộng!
Ai bảo vệ khách hàng?
Khi bị nhá máy quấy rối, khách hàng thường nhận được câu trả lời chung chung của các mạng di động. Chẳng hạn ở mạng Viettel Mobile, khách hàng sẽ phải ra đại lý của công ty để điền vào một phiếu yêu cầu và về nhà chờ kết quả. Ở mạng Vinaphone, khách hàng thường được khuyên là nên gửi một tin nhắn nhắc nhở tới số máy quấy rối. Nếu vẫn bị làm phiền tiếp thì kiến nghị về các tổng đài, công ty sẽ có trách nhiệm liên hệ thông báo và phối hợp với các đơn vị khác giải quyết.
Tuy nhiên, khi liên lạc với các tổng đài này thì được trả lời là phải làm đơn kiến nghị, ghi lại thông tin và chuyển về tổng đài, từ đó Vinaphone mới có cơ sở để nhắc nhở khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc khi bị quấy rối, khách hàng phải ghi lại thời gian cụ thể bị quấy rối, quấy rối như thế nào và làm đơn, chờ một thời gian... rất thủ tục và nhiêu khê mà kết quả thường vẫn là huề cả làng!
Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động còn vô tình tiếp tay cho hành động quấy rối người khác với chức năng giấu số người gọi. Với chức năng này, người ta chỉ cần cài đặt rất đơn giản và cứ thế quấy rối người khác vì người bị quấy rối không thấy được số gọi đến. Khi đưa ra dịch vụ này, các nhà cung cấp có tính đến những khả năng cũng như biện pháp hạn chế tình trạng quấy rối điện thoại không?
Mới đây, Chính phủ đã ban hành một nghị định mà trong đó hành động gọi điện quấy rối bằng điện thoại sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng trở lên. Thế nhưng, đây cũng chỉ là những hành động quấy rối đến các cơ quan, tổ chức công mà thôi, trong khi các cá nhân khách hàng lại chưa được đề cập đến.
Quấy rối ĐTDĐ - một căn bệnh mới mà những chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông bắt đầu nghĩ đến khái niệm "spam call" - một dạng "rác" mới, cũng nguy hiểm và phiền phức như spam (email rác) và spim (tin nhắn rác). Đây là điều mà khách hàng sử dụng ĐTDĐ hết sức khổ sở khi nhà cung cấp vẫn không có biện pháp kịp thời để ngăn chặn, mặc dù nó ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, thời gian và kinh tế của người dùng
(Theo TTO)