Những người phải đối dự án của Viện công nghệ MIT cho rằng, người dùng ở các nước nghèo đang phát triển có thể truy cập Internet và sử dụng các chức năng kỹ thuật số bằng các thiết bị cầm tay với giá dưới 100 USD. Trong khi đó, viện công nghệ MIT phát triển laptop có các ứng dụng kết nối nhưng lại không tích hợp ổ cứng và các bộ phận khác nên việc lưu trữ dữ liệu gặp khó khăn.
Ông Erlich, thuộc hiệp hội GSM, chỉ ra rằng, thậm chí 100 USD là quá đắt đối với nhiều ứng dụng và các tính năng cơ bản. Thực tế, những chiếc điện thoại GSM di động siêu rẻ hiện nay có thể thực hiện các tính năng về dữ liệu cần thiết ngang tầm với mức giá laptop của MIT. “Giá bán 100 USD thu hút được sự quan tâm của thị trường thực ra là quá đắt đối với 2,5 tỷ người dân trên thế giới với mức sống chưa đầy 2 USD mỗi ngày”, Ehrlich nói. “Rất may là vẫn còn một thiết bị công nghệ khác với giá bán rẻ hơn, tính năng mạnh mẽ và tiêu hao ít điện năng – đó là ĐTDĐ”.
Các nhà phân tích dự đoán mỗi năm mức tăng trưởng kinh tế của một nước đang phát triển sẽ đạt 0,6% nếu số người dùng ĐTDĐ trong nước tăng 10%, có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế phát triển chậm.
Hiệp hội GSM đang có sáng kiến sẽ giảm giá bán điện thoại thấp cấp từ 100 USD xuống còn 30 USD trong vòng 18 tháng tới, thậm chí mục tiêu còn giảm dưới 20 USD vào thời điểm cuối năm 2007. GSM cũng đang hỗ trợ các dự án nhằm khuyến khích các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển thiết lập các công ty “mobile payphone” (công ty trả góp ĐTDĐ), dành cho những người chưa đủ tiền để mua điện thoại 20 USD.
Motorola sẽ thống lĩnh phân đoạn thị trường điện thoại siêu rẻ cho đến 2007, theo một khảo sát mới của công ty Informa. Giám đốc điều hành CEO của Motorola vừa đặt ra mục tiêu 1.000 ngày để tiếm ngôi vị quán quân trên thị trường di động của Nokia.
Ông Gavin Byrne, thuộc công ty Informa tin rằng nếu ngành di động kết hợp đúng đắn giữa tính năng sản phẩm và giá thành sản xuất thì thiết bị cầm tay siêu rẻ sẽ còn giảm từ 40 USD của năm 2005 xuống còn 28 USD trong năm 2010. Doanh số của điện thoại siêu rẻ sẽ vượt 36 triệu chiếc vào năm 2007, đến 2010 sẽ đạt 48 triệu chiếc – chiếm 5,3% tổng doanh số điện thoại mới của năm. Ở châu Phi và Ấn Độ, doanh số của những thiết bị này sẽ chiếm 10% sản lượng xuất xưởng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất không phải là ở thiết bị giá rẻ mà là cách thức kinh doanh của các dịch vụ, như voice, dữ liệu, đa phương tiện cho những người có ngân sách khiêm tốn.
(Theo Dân Trí/The Register)