Nạn trộm cắp ĐTDĐ xảy ra như cơm bữa dẫn đến những chuyện dở khóc, dở cười và chuyện đi chuộc lại sim, máy là cả một hành trình gian lao. Có nhiều người vì không muốn mất số điện thoại của các đối tác làm ăn, bạn bè, người thân đã phải chuộc lại sim với giá "cắt cổ"… Cũng có những người chỉ vì vô tình hay ham rẻ mà mua phải những sim điện thoại cũ do bọn ăn cắp bán lại để mang phiền lụy vào thân. Hành trình truy tìm sim cũng lắm đoạn trường…
Tôi đi chuộc "alô"
Mang ngồi uống nước thì bạn tôi - một giám đốc, gọi điện đến hốt hoảng thông báo rằng anh bị mất di động và nhờ tôi cùng đi chuộc. Anh bảo rằng có rất nhiều số điện thoại của các đối tác quan trọng được lưu trong sim nên không thể để mất. Vậy là cuộc truy tìm chiếc "alô" bắt đầu.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi có mặt là chợ Trời - một trong những đầu mối tiêu thụ hàng ăn cắp cũng như hàng lậu lớn nhất Hà Nội. Chúng tôi được giới thiệu đến gặp T., một "đầu gấu" ở chợ Trời. Nhìn bề ngoài T. cũng chẳng có gì gọi là "đầu gấu" nhưng nếu nghe kể về "thành tích" của hắn thì cũng dễ sởn da gà. Nếu không phải vì có việc thì có lẽ chúng tôi chẳng có đủ can đảm để gặp hắn. Vừa nhìn thấy chúng tôi, T. đã hỏi ngay: "Mấy sếp cần tìm đồ gì cứ nói với em, giá cả thì tuỳ thuộc vào chất lượng cũng như sự quan trọng của món hàng. Cứ yên tâm là nếu món đồ của mấy sếp nếu có lạc ra chợ Trời này thì em sẽ có cách mang về".
Tìm máy và sim đã mất ở đâu? |
Theo tìm hiểu của e-CHIP Mobile, kẻ ăn cắp điện thoại có giá trị từ 2,6 triệu đồng trở lên, sẽ bị truy tố hình sự. Do đó, nếu bạn sở hữu điện thoại trị giá từ 3 triệu đồng trở lên hoặc giá có thấp hơn một chút nhưng lưu giữ những số điện thoại quan trọng của đối tác thì nên đến cơ quan công an điều tra khai báo tìm lại điện thoại. Bạn có thể khai báo tại cơ quan điều tra quận/ huyện nơi mình cư trú… Điều quan trọng nhất là bạn phải nhớ được số IMEI- chìa khóa để cơ quan công an lần theo dấu vết của chiếc điện thoại bị mất. Nếu hội tụ được những yếu tố trên, nhiều khả năng bạn sẽ tìm lại được chú dễ yêu quý của mình. |
Ông bạn tôi nói với hắn về món hàng bị mất và sự quan trọng của nó đối với khổ chủ. Nắm bắt được sự cần thiết của món đồ, hắn ra giá 2 triệu đồng cho việc tìm lại sim! Dù biết là ăn "quả đắng" nhưng chúng tôi đành gật đầu và hy vọng với tài "biến không thành có" của y, chiếc sim sẽ trở về với chính chủ. Theo hẹn, buổi chiều chúng tôi quay lại nhưng y thông báo rằng chiếc sim không nằm trong khu vực chợ Trời và y tham mưu cho chúng tôi lên phố cầm đồ Đặng Dung. Chúng tôi đã bắt đầu nản chí, tìm một chiếc sim đã mất khác gì "mò kim đáy bể". Nghe T. nói như vậy, chúng tôi cũng đành làm theo. Ông bạn tôi than thở: "Phố Đặng Dung nhan nhản hàng cầm đồ, biết vào đâu mà hỏi bây giờ?". Tôi và ông bạn tạt vào một quán bên đường và hỏi chủ cửa hàng tên Minh rằng chúng tôi cần tìm một sim điện thoại có số như thế, liệu anh có giúp được không? Nào ngờ mọi chuyện diễn ra dễ hơn chúng tôi tưởng. Minh đồng ý giúp chúng tôi sau khi thoả thuận xong "phí" tìm đồ. Anh ta bắt đầu giở sổ điện thoại ra và gọi điện tới rất nhiều cửa hàng và bảo chúng tôi ngồi chờ. Chừng khoảng 30 phút sau, tiếng chuông điện thoại reo và anh thông báo đã tìm thấy chiếc sim "lưu lạc".
Trong lúc ngồi chờ người mang chiếc sim tới, Minh kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện về những người đi tìm đồ bị mất cắp, đặc biệt là tìm sim điện thoại. Hầu hết những người cần tìm lại sim đều làm nghề kinh doanh, số điện thoại của đối tác với họ rất quan trọng. Để tìm lại sim, chủ nhân phải trả một khoản tiền không nhỏ. Nhiều chủ cửa hàng nắm được điểm yếu của người mất sim, điện thoại nên ra những cái giá "trời ơi đất hỡi"… Ngộ ra cái khổ, ông bạn tôi bảo: "Bây giờ thì tôi hiểu vì sao lại sinh ra cảnh nhiều người dùng "hai tay hai súng, ba súng,…". Một anh bạn khác nói: "Tôi cẩn thận lắm, đã sắm thêm một sim nữa, ghi lại những số máy quan trọng để nhỡ có bị mất lần nữa thì không phải lặn lội đi tìm và mất tiền oan như thế này".
Họa vô đơn chí
Chuyện đi tìm lại sim và máy bị thất lạc là cả một hành trình gian nan. Nhưng việc nhiều người do vô tình hay ham rẻ "rước" về cho mình một chiếc sim từ hiệu cầm đồ để rồi bắt đầu từ chiếc sim cũ này đã nảy sinh bao nhiêu phiền phức cho bản thân. Tôi có biết chuyện anh Vinh - một người làm nghề nhôm kính trên phố Ô Chợ Dừa - đã bị công an bắt vì mua phải chiếc sim điện thoại cũ của một tội phạm ở cửa hàng cầm đồ trên phố Khâm Thiên. Anh Vinh cho biết: "Vì thấy chiếc sim còn hơn 300 nghìn đồng trong tài khoản, cửa hàng lại chỉ bán với giá hơn 100 nghìn đồng nên tôi mua về dùng". Nào ngờ mới chỉ dùng được vài ngày thì công an đã tới và bắt anh lên phường. Công an cho biết đây là số điện thoại của tên tội phạm nguy hiểm đang bị truy nã, đến lúc đó anh mới hiểu được sự nghiêm trọng của vấn đề. "Cũng may là sau vài ngày xác minh lý lịch cũng như nhân thân, trình bày rõ được xuất xứ chiếc sim mua ở đâu, mua vào giờ nào, ngày nào và nhờ công an nhanh chóng điều tra nên tôi không bị bắt giữ".
Trường hợp của anh Bình lại khác. Anh cũng mua một chiếc sim điện thoại ở cửa hàng cầm đồ, mới dùng chỉ được vài ngày thì có người gọi đến hẹn gặp để nói chuyện. Bán tín bán nghi nhưng anh vẫn đi đến chỗ hẹn và gặp ngay ba tên xã hội đen. Chẳng biết đầu cua tai nheo gì mà anh bị cả ba tên cùng lao vào đánh đấm tới tấp, chỉ đến khi một trong ba tên hô to rằng chúng đã đánh nhầm người thì anh mới thoát khỏi trận đòn oan ấy. Khi nói chuyện với chúng tôi anh vẫn chưa hết bức xúc và thề rằng từ nay không mua bất cứ thứ gì ở cửa hàng cầm đồ nữa. Anh Vinh hay anh Bình chỉ là hai trong số rất nhiều người gặp phải những chuyện tương tự, vừa mất tiền lại rước hoạ vào thân. Đó là chưa kể đến có những người bị đòi tiền, bị doạ dẫm và cả bị tống tình, tống tiền nữa. Đúng là họa vô đơn chí.
Rõ ràng, giữa cửa hàng cầm đồ và bọn ăn cắp có một mối liên quan với nhau. Các mặt hàng bị mất cắp trong đó có điện thoại thì điểm đỗ tiếp theo sẽ là chợ Trời hoặc các cửa hàng cầm đồ. Trên thực tế, khi bị mất điện thoại, người mất ít khi trình báo công an vì giá trị của chiếc điện thoại không quá lớn, đặc biệt nó rất nhỏ và họ cho rằng… khó tìm. Nếu là xe máy còn có đăng ký, biển kiểm soát…, còn điện thoại chẳng có gì làm bằng chứng nên người nào nhỡ bị mất cắp đành im lặng, ít khi trình báo công an. Một điều nữa là việc cầm đồ máy điện thoại cũng rất dễ dàng, chẳng cần phải giấy tờ nên kẻ cắp thường lợi dụng kẽ hở này để mang máy ĐTDĐ mà chúng ăn cắp đến tiệm cầm đồ hoặc bán cho những cửa hàng mua điện thoại cũ. Dễ nhận thấy, nếu mua lại sim điện thoại cũ ở những cửa hàng cầm đồ rất dễ mang những phiền luỵ vào thân. Chính vì thế, khách hàng nên tỉnh táo, đừng ham rẻ mà "tiền mất tật mang".
(Theo eCHIP Mobile)