Ngoài giá cước ĐT DĐ ngày càng thấp hơn, khách hàng còn được hưởng từ những dịch vụ gì khi EVN Te lecom nhập cuộc?
Ông Nguyễn Mạnh Bằng: "Năm 2006 này không còn là cạnh tranh bằng độc quyền mà sẽ là cạnh tranh trong đồng thuận. Điều này có nghĩa cả 6 nhà kinh doanh và khai thác đã đến lúc cần phải bắt tay với nhau, hợp tác chặt chẽ trong việc tận dụng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tốt cho nhau". (Ảnh: eChip M) |
“Đến hôm nay, có thể thở phào nhẹ nhõm khi EVN Telecom cuối cùng cũng đã công bố thử nghiệm dịch vụ ĐTDĐ toàn quốc (096). Về phía EVN Telecom, chúng tôi luôn sẵn sàng. Vấn đề ở chỗ đến tận ngày 28/2, VNPT mới cho kết nối. Khi “Trung ương” xong, thì “địa phương” lại chậm trễ một chút. Khó khăn ở chỗ các trạm tại các huyện cần có thời gian để lập trình cho việc kết nối”,
ông Nguyễn Mạnh Bằng, Giám đốc EVN Telecom cho biết tại lễ công bố thử 096 vào đầu tháng 3 vừa qua (chậm hơn so với kế hoạch).- So với người tiền nhiệm S-Fone (cũng sử dụng mạng CDMA), EVN Telecom sẽ có “món mới’’ nào cho khách hàng? Liệu những cản trở về máy đầu cuối mà trước đây S-Fone gặp phải (máy không dùng SIM), EVN Telecom có khắc phục được không?
- Ông Nguyễn Mạnh Bằng: Đúng là chúng tôi rất lo lắng ở khâu cung cấp máy đầu cuối. Hiện nay, EVN Telecom đang tìm đối tác chiến lược để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã “tự lo” bằng việc chuẩn bị rất nhiều mẫu điện thoại CDMA phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, với hơn 20 loại máy dùng SIM có giá thấp nhất từ trên 1 triệu đến 5 triệu đồng và đều có thể truy cập Internet khá tốt. Đây sẽ là sự lựa chọn tốt đối với khách hàng khi sử dụng E-Mobile. Rút kinh nghiệm từ những người anh em đi trước, ngay từ đầu, EVN Telecom sẽ có những chương trình khuyến mãi độc đáo: Sẵn sàng đổi máy hỏng (1 đổi 1); các gói dịch vụ khá đa dạng: cho gia đình, doanh nghiệp, cho nhóm (gói lớn sẽ khuyến mãi nhiều).
- Những chiêu khuyến mãi độc đáo đó là gì?
- E-Mobile sẽ khuyến mãi máy + sim + tiền trong tài khoản khi khách hàng cam kết dùng 1-2 năm. Điều này thì đơn giản nhưng EVN Telecom muốn trở thành nhà điều hành gần gũi với khách hàng (customer proximity). Phương châm của chúng tôi: có thuê bao nào chắc thuê bao đó; cạnh tranh bằng những dịch vụ giá trị gia tăng đặc biệt khác. Giá trị gia tăng mà chúng tôi mang đến cho khách hàng ngoài tất cả những dịch vụ mà các nhà khai thác khác như Vina-Phone, MobiFone, Viettel, S-Fone đang có sẽ là dịch vụ xác định vị trí và mạng riêng ảo đầu tiên tại Việt Nam. Dịch vụ xác định vị trí (Location Information để xác định xem mình đang ở đâu. Ngoài ra, với dịch vụ này, các bậc phụ huynh có thể kiểm soát được vị trí của con cái. Chúng tôi đang tìm nhà cung cấp máy đầu cuối giá hợp lý. Tôi lấy ví dụ tham khảo ở Israel, một chiếc điện thoại cho dịch vụ này là 60USD, nhưng có vẻ là hơi cao ở Việt Nam. Nếu nhà cung cấp thiết bị đầu cuối được lựa chọn xong, dịch vụ này sẽ được đáp ứng từ tháng 6 tới.
- Tôi thấy EVN Telecom khá tự hào về công nghệ mà mình đầu tư, cơ sở cho điều này là gì vậy?
- EVN Telecom với mạng CDMA hoạt động ở tần số thấp 450 MHz (S-Fone là 800 MHz) sẽ có vùng phủ sóng rộng hơn, ảnh hưởng thấp hơn, độ an toàn cao hơn. Điểm khác nữa là chúng tôi dùng mạch lõi (IP) - chuyển mạch thế hệ mới sẽ cho phép giảm chi phí quản lý, vận hành,… Thử làm một con tính, nếu các trạm dùng chuyển mạch kênh thì mỗi trạm sẽ phải tốn 3-4 triệu đồng tiền điện chạy điều hòa/tháng và nhân con số này với hàng nghìn trạm bạn sẽ thấy công nghệ của chúng tôi tiết kiệm được chi phí đến mức nào. Chúng tôi không sợ cạnh tranh về giá cước, cạnh tranh về công nghệ mà chỉ e ngại về kinh nghiệm kinh doanh viễn thông chưa nhiều. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho điều này, EVN Telecom đã thuê một công ty của Đức tư vấn về kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có lợi thế đằng sau là Tổng công ty Điện lực Việt Nam với sự hỗ trợ về nhân sự. Ngoài ra, hệ thống đại lý kinh doanh điện rộng khắp sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc chăm sóc khách hàng. Để thuận tiện hóa trong việc thu cước phí đối với khách hàng, hiện EVN Telecom cũng đang đàm phán với 4 ngân hàng để thực hiện việc thu phí qua thẻ ATM.
- Mặc dù CDMA có nhiều ưu điểm vượt trội như có thể quản lý lượng thuê bao gấp 5-20 lần, giảm đáng kể lỗi cuộc gọi, nhiều dịch vụ giá trị gia tăng, nhưng trong một vài năm tới GSM sẽ vẫn chiếm ưu thế. EVN có lường trước những khó khăn khi muốn thay đổi thói quen của người tiêu dùng?
- Việt Nam là một trong những nước phát triển Internet tốc độ cao, nên nhu cầu của khách hàng đối với dịch vụ ĐTDĐ trong thời gian tới cũng sẽ cao. Hiện nay, những nước như Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ,… công nghệ CDMA đang ngày càng lấn át bởi ưu thế vượt trội của nó. Tôi chắc chắn Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó. Có thể châu Âu chuyển đổi từ GPRS sang CDMA khó khăn hơn bởi đầu tư lại từ đầu cho công nghệ CDMA là rất tốn kém. Tuy nhiên, ở các nước mới đầu tư như Việt Nam, việc lựa chọn công ngay ban đầu là đúng đắn và các bạn sẽ thấy điểm vượt trội của công nghệ này.
- Ông có cho rằng đây là thời điểm tốt cho thị trường điện thoại CDMA?
Năm 2006 là thời khắc cho tất cả các nhà khai thác di động. Cuộc cạnh tranh giữa hai công nghệ GPRS và CDMA sẽ thực sự bắt đầu từ nửa cuối năm nay. 6 tháng đầu năm, các nhà điều hành còn có thể cạnh tranh về giá và các chương trình khuyến mãi. 6 tháng cuối năm sẽ là cuộc chiến về các dịch vụ giá trị gia tăng, giá thấp sẽ là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, giá sàn có hạ thì cũng không thể hạ hơn được nữa.
- Xin ông giới thiệu rõ hơn về hai dịch vụ E-Com và E-Phone? Có thể so sánh hai dịch vụ này với điện thoại cố định và Cityphone?
Thị trường Viễn thông sẽ cạnh tranh càng ngày càng khốc liệt nên việc doanh nghiệp viễn thông nào đưa ra được Full Option (đầy đủ lựa chọn) mới có cơ tồn tại và phát triển. Các dịch vụ E-Com, E-Phone, E-Mobile sẽ bổ sung cho nhau và phủ được số lượng lớn khách hàng. E-Com - điện thoại cố định không dây (xu hướng mới thay thế cho điện thoại cố định có dây). Giá cước như điện thoại cố định (26.000 đồng/tháng) nhưng khách hàng có thể nhắn tin được và truy cập Internet giống như ADSL. E-Com giúp bạn vẫn giữ được số khi chuyển nhà,… E-Phone chính là ĐTDĐ trong vùng có giới hạn. Đơn giản, nếu khách hàng không phải đi các tỉnh thì cũng không nhất thiết phải dùng E-Mobile mà chỉ cần dùng EPhone liên lạc trong một số tỉnh nhất định mà mình thường xuyên di chuyển, giá cước sẽ rẻ hơn. Hiện nay, EVN Telecom đã có 6 vùng phục vụ: Vùng Đông Bắc, Đồng Bằng Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và khu vực TP.HCM.
- Ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường di động khi EVN Telecom và Hanoi Telecom nhập cuộc?
Năm nay không còn là cạnh tranh bằng độc quyền mà sẽ là cạnh tranh trong đồng thuận. Điều này có nghĩa cả 6 nhà kinh doanh và khai thác đã đến lúc cần phải bắt tay với nhau, hợp tác chặt chẽ trong việc tận dụng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tốt cho nhau. Lúc này, cuộc cạnh tranh vì lợi ích khách hàng sẽ là trên hết. Chúng tôi sẽ còn làm tốt hơn khi triển khai hình thức kinh doanh mạng riêng ảo. Đó là lúc mạng 096 ổn định, chúng tôi sẽ tìm kiếm các đối tác để cùng họ phát triển hợp tác kinh doanh và khai thác mạng này. Có thể hiểu nôm na mạng riêng ảo tức là dưới chúng tôi sẽ có các nhà khai thác viễn thông riêng, có hệ thống tính cước và hệ thống chăm sóc khách hàng riêng cho 096. Khi đó, khách hàng sẽ được chăm sóc tốt hơn.
- Trong 3 nhà cung cấp mạng CDMA, có vẻ như công nghệ của EVN Telecom chưa có gì vượt trội trong khi S-Fone có SK Telecom, Hanoi Telecom có Hutchinson Telecommunications hậu thuẫn?
Chúng tôi có kịch bản riêng cho định hướng phát triển của công ty. EVN Telecom không chọn hình thức liên doanh hay chuyển đổi sang công ty 100% vốn nước ngoài. Ban lãnh đạo của EVN Telecom và Tổng công ty Điện lực Việt Nam sẽ thực hiện chương trình cổ phần hóa. Để chuẩn bị cho hội nhập, việc kêu gọi cổ đông (nhất là những cổ đông có nhiều tiềm năng) sẽ tốt hơn là trao toàn bộ giấy phép cho một đối tác nước ngoài nào đó.
(Theo eChip Mobile)