Giống như một quả bom tấn, sự kiện Intel đầu tư vào Việt Nam đã thu hút sự chú ý của hàng trăm hãng thông tấn, báo đài truyền hình trên khắp thế giới. Qua mặt 150 nước trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam đã được Intel “chọn mặt gửi vàng” khi quyết định xây dựng nhà máy mới nhất của mình tại đây. Vấn đề mà dư luận băn khoăn nhất là: vì sao Intel chọn Việt Nam?
>> "Bước tiến lớn trong hòa nhập với môi trường KT thế giới"
>> "Intel tác động mạnh đến đầu tư công nghệ cao ở TP.HCM!"
>> Intel: "Chào Việt Nam!"
>> "Nhà máy Intel sẽ sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ!"
>> "Intel sẽ kéo theo nhiều nhà đầu tư khác vào VN"
>> "Intel bỏ phiếu tin tưởng tuyệt đối Việt Nam"
>> Ông Craig R. Barrett: "Cơ hội mới cho VN!"
>> Chặng đường đầu tư xây dựng nhà máy của Intel tại VN
“Có rất nhiều lý do để chúng tôi dừng chân tại Việt Nam”
- Thưa ông Barret, Intel quyết định đầu tư vào Việt Nam từ bao giờ và tại sao lại là Việt Nam?
Ông Craig Barret - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intel. (Ảnh Getty Image) |
Ông Craig Barret: Vâng, có rất nhiều lý do khiến chúng tôi quyết định lựa chọn Việt Nam. Một trong những lý do đó là, sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng giáo dục trong tổng thể hạ tầng cơ sở của Việt Nam, sự thay đổi nhận thức của Chính phủ và khả năng của nền kinh tế. Đó cũng chính là những yếu tố khiến Việt Nam trong thời gian qua đã trở thành một địa điểm làm ăn hấp dẫn.
- Thời gian trước, đã có những thông tin hành lang rằng, Intel đã chọn Ấn Độ để mở nhà máy. Nhưng rút cục Intel lại chọn Việt Nam. Vậy tại sao không phải là Ấn Độ?
Ông Craig Barret: Trong đầu tư, chúng tôi luôn tìm kiếm nhiều địa điểm để xây nhà máy. Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã đầu tư vào Ấn Độ. Hiện chúng tôi cũng đã có xấp xỉ khoảng 3000 công nhân tại Ấn Độ. Chúng tôi cũng đã có công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng tại đây. Chúng tôi cũng đã rất tích cực đầu tư mạo hiểm vào Ấn Độ. Nhìn chung, Intel rất tích cực trong đầu tư vào Ấn Độ.
Vì vậy khi quyết định mở một nhà máy lắp ráp và đóng gói của Intel, như ngày hôm nay chúng tôi mở ở Việt Nam, chúng tôi không chỉ nhìn vào một quốc gia, chúng tôi nhìn vào nhiều nơi khác nhau để có được sự so sánh. Và Việt Nam có rất nhiều lợi thế so với phần còn lại của thế giới.
- Vậy mất bao nhiêu thời gian để Intel đi đến quyết định này?
Ông Craig Barret: Chúng tôi đã bắt đầu đàm phán với Việt Nam cách đây 5 năm. Nhưng chúng tôi chỉ bắt đầu đàm phán thực chất với Việt Nam từ 1,2 năm trở lại đây. Như vậy là nhìn chung chỉ mất khoảng 1,2 năm để chúng tôi đi đến quyết định cuối cùng đầu tư vào Việt Nam.
“Chúng tôi chọn TP.HCM vì…”
- Tại sao Intel lại chọn TP.HCM để đầu tư?Bởi tôi được biết, trước đó, Intel cũng đã có những thăm dò tại Khu CNC Hòa Lạc ở miền Bắc Việt Nam?
Ông Craig Barret: Intel đã hiện diện ở Việt Nam được 9 năm và chúng tôi cũng đã đàm phán rất nhiều để có thể tìm được địa điểm đầu tư. TP.HCM là trung tâm kinh tế của Việt Nam. Rất nhiều đối tác của chúng tôi cũng đang đầu tư tại Việt Nam. Chính vì vậy, tôi thấy TP.HCM là một địa điểm rất tốt. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Hòa Lạc không tốt. Nhưng như anh thấy đấy, cuối cùng chúng tôi cũng đã đạt được thỏa thuận với TP.HCM”.
- Ông có thể nói gì về Nhà máy mới của Intel ở Việt Nam?
Ông Craig Barret: Đó sẽ là một nhà máy lắp ráp và đóng gói. Nhà máy này sẽ bắt đầu đi vào sản xuất vào nửa cuối năm 2007. Và từ đây đến đó, chúng tôi sẽ bắt đầu tuyển nhân sự, đào tạo cán bộ. Có thể là chúng tôi sẽ tiến hành đào tạo tại Malaysia, Philippines, Trung Quốc, sau đó đưa họ trở về và bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2007.
Chúng tôi sẽ sản xuất những con chíp nhỏ xung quanh bộ vi xử lý. Intel Việt Nam không sản xuất bộ vi xử lý. Tuy nhiên, những con chíp đó rất quan trọng. Bởi từ nó sẽ ra bộ nhớ. Từ nó sẽ ra hệ thống đồ họa và phần còn lại của máy vi tính.
Sau đó các sản phẩm sẽ được bán cho các nhà phân phối và cùng với các khách hàng của chúng tôi. Và sản phẩm của Intel Việt Nam sẽ được xuất khẩu ra khắp thế giới.
Nhiệm vụ của nhà máy ở Việt Nam là cắt những phần của Wayfer (một linh kiện quan trọng trong sản phẩm của Intel chỉ được sản xuất ở Mỹ và Ailen), tức là cắt các mạch bán dẫn ra, và sau đó tích hợp chúng vào các linh kiện khác.
Một con chíp tuy nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng. Bởi nó cho phép tạo ra hàng trăm kết nối điện tử ra thế giới bên ngoài. Công nghệ lắp ráp của Intel sẽ cho phép tạo ra những con chíp như thế này. Sau đó, công nghệ kiểm tra của Intel sẽ kiểm tra xem sản phẩm có đáp ứng được với yêu cầu của khách hàng hay không. Điều đó có nghĩa là, sẽ có rất nhiều công nghệ rất cao được tích hợp trong một con chíp rất nhỏ.
“Intel đem đến nhiều nguồn lợi cho Việt Nam”
- Theo ông, sau sự đầu tư của Intel, Việt Nam liệu có thể hy vọng sẽ tiếp nhận thêm nhiều dự án đầu tư khác của các nhà cung cấp cho Intel hay không?
Ông Craig Barret: Thực ra không ai có thể đảm bảo được điều đó. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, khi mà Intel mở một nhà máy lắp ráp và đóng gói như kiểu nhà máy ở Việt Nam, các nhà cung cấp nội địa sẽ đến và mở nhà máy xung quanh Intel. Và từ đó, khả năng rất lớn là các công ty tầm cỡ Intel, ví dụ như là Motor Roler, Tax Instrument, cũng sẽ đến Việt Nam theo sự mở đường của Intel. Tôi không đảm bảo điều đó. Nhưng nó đã từng xảy ra trong quá khứ với Intel rồi.
- Vậy, theo kinh nghiệm của ông, ở những nhà máy khác và ở những quốc gia khác, Intel có thể đóng góp gì cho nền kinh tế Việt Nam?
Ông Craig Barret: Intel có khả năng đóng góp rất nhiều. Chẳng hạn chúng tôi sẽ tạo ra những lao động có thu nhập rất cao cho người dân Việt Nam, tạo ra những cơ hội việc làm cho người dân Việt Nam. Nói chung là chúng tôi sẽ mang lại được rất nhiều cho nền kinh tế Việt Nam.
Intel sẽ có những cam kết để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, sẽ mang đến những thông tin công nghệ cao vào hệ thống giáo dục Việt Nam, sẽ giúp hệ thống giáo dục Việt nam cải thiện chất lượng và thay đổi một cách có hiệu quả hơn.
Intel sẽ làm việc cụ thể với Chính phủ và các nhà cung cấp của Intel để mang công nghệ đến với thị trường Việt Nam, ví dụ như máy tính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, máy tính cho hệ thống giáo dục và máy tính cho cả các hộ gia đình. Một số chương trình này chúng tôi đã triển khai tại Việt Nam và sẽ còn tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.
Và cuối cùng, Intel sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam để Intel có thể mang đến Việt Nam công nghệ kết nối Internet không dây băng thông rộng.
- Vậy, đâu là cam kết lâu dài của Intel tại Việt Nam?
Ông Craig Barret: Chúng tôi là công ty lớn. Và như anh biết đấy, những công ty lớn như Intel không bao giờ cam kết sẽ đầu tư vài trăm tỉ USD ngay lập tức. Trước mắt, chúng tôi chỉ cam kết sẽ xây dựng một nhà máy, thuê 1200 công nhân và làm ăn trong một vài năm tại Việt Nam. Sau đó sẽ tính tiếp.
“Chúng tôi sẽ có cách riêng ủng hộ VN gia nhập WTO”
- Như ông đã biết, Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ đang đàm phán để Việt Nam có thể gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Vậy dự án này của Intel và Intel có tác động nào đó đến quá trình đàm phán này không?
Ông Craig Barret: Chúng tôi là một trong những người đề xướng ra những nguyên tắc cơ bản của WTO, như là bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, khuếch trương tự do hóa thương mại, phân tích xem đâu là những rào cản thuế quan và phi thuế quan. Vì vậy, có thể nói, Intel bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của WTO.
Intel không tham gia trực tiếp và can thiệp mạnh mẽ vào quá trình đàm phán giữa chính phủ hai nước Mỹ và Việt Nam về việc Việt Nam gia nhập WTO. Nhưng Intel sẽ ủng hộ quá trình đàm phán đó và sẽ có những cách riêng của mình.
- Câu hỏi cuối cùng. Thưa ông Barrett, sau hơn 30 năm kể từ sau chiến tranh Việt Nam, ngày hôm nay, Intel, một biểu tượng của nền kinh tế Hoa Kỳ đã được cấp phép đầu tư tại Dinh Độc lập. Mà như ông biết, nơi đây đã từng là sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn cũ. Ông có thấy có một sự trùng hợp thú vị nào đó ở đây không?
Ông Craig Barret: Tôi không quan tâm lắm đến những ý nghĩa sâu xa về mặt chính trị ở đây. Cái mà chúng tôi nhìn đó là mặt bằng về công nghệ thông tin trên thế giới ngày hôm nay. Và tôi nghĩ rằng, điều đó quan trọng hơn rất nhiều là quá khứ giữa hai nước chúng ta.
Anh biết đấy, Intel đầu tư rất mạnh vào Nhật Bản, đất nước mà Hoa Kỳ đã có rất nhiều duyên nợ trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Intel cũng có những hoạt động tại CHLB Đức và nhiều quốc gia khác. Quá khứ không ngăn được Intel hoạt động hiệu quả tại những quốc gia này.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, điểm mấu chốt là chúng ta phải xác định được tầm quan trọng của công nghệ. Các chính phủ phải xác định được điều đó. Intel sẽ cùng với những con người ở nơi mà chúng tôi đến đầu tư cùng nhau thực hiện công việc đó.
Có thể, có người nghĩ là một chương mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ở một khía cạnh nào đó vẫn chưa thực sự mở ra. Nhưng theo tôi, nếu như chúng ta cởi mở với nhau, sẽ có rất nhiều cơ hội được mở ra phục vụ sự phát triển của cả hai quốc gia.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
(Theo VTV.VN)