(VietNamNet) - Sáng nay (28/2), Phó thủ tướng (PTT) thường trực Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch HĐQT tập đoàn Intel Craig Barrett đã chứng kiến lễ trao chính thức giấy phép đầu tư cho Tập đoàn Intel để tập đoàn này khởi động dự án đầu tư 605 triệu USD vào khu Công nghệ cao TP.HCM.
>> "Intel tác động mạnh đến đầu tư công nghệ cao ở TP.HCM!"
>> Intel: "Chào Việt Nam!"
>> "Nhà máy Intel sẽ sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ!"
>> "Intel sẽ kéo theo nhiều nhà đầu tư khác vào VN"
>> "Intel bỏ phiếu tin tưởng tuyệt đối Việt Nam"
>> Ông Craig R. Barrett: "Cơ hội mới cho VN!"
>> Chặng đường đầu tư xây dựng nhà máy của Intel tại VN
PTT Nguyễn Tấn Dũng (phải) và Chủ tịch HĐQT Intel Craig R. Barrett (trái) chứng kiến Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Bích Đạt trao giấy phép đầu tư dự án tại Việt Nam cho tập đoàn Intel. (Ảnh: Đặng Vỹ) |
Phát biểu tại Lễ trao giấy phép đầu tư, PTT Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, quyết định đầu tư của Intel vào Khu Công nghệ cao TP.HCM là một quyết định đúng đắn, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn thể hiện kết quả tốt đẹp trong tiến trình thực hiện hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ.
Ông Craig Barrett (Chủ tịch HĐQT Intel), và các cộng sự trong buổi họp báo sau Lễ công bố dự án đầu tư. (Ảnh: ĐQ) |
Giai đoạn đầu của dự án này được triển khai với khoản đầu tư 300 triệu USD để xây dựng nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip bán dẫn (Assembly and Test Manufacturing - ATM) tại TP.HCM, với quy mô nhân sự dự kiến khoảng 1200 người. Đây là dự án đầu tư công nghệ bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam và hỗ trợ cho chiến lược đầu tư phát triển của Intel đáp ứng những nhu cầu về chip bán dẫn. Việc xây dựng nhà máy sẽ được tiến hành ngay lập tức sau khi dự án được công bố.
Ông Craig Barrett: "Ở VN tất cả nhân tố đó đều tốt, mọi thứ đang trong quá trình phát triển. Sự có mặt của Intel tại Việt Nam sẽ kéo theo sự có mặt của nhiều nhà đầu tư khác...". (Ảnh: Đặng Vỹ) |
Dự án tại Khu Công nghệ cao TP.HCM cũng là nhà máy mới nhất của Intel trên toàn cầu về lắp ráp và thử nghiệm chip bán dẫn. Nhà máy này sẽ góp phần hỗ trợ cho các hoạt động của Intel đang tiến hành tại khu vực Đông Nam Á.
Là một phần của chương trình Đông Nam Á Số (D-ASEAN), Intel hiện đang tiếp tục triển khai những hoạt động của mình nhằm nâng cao trình độ lao động trong thời đại kỹ thuật số, đưa ứng dụng công nghệ vào giáo dục và quản lý hành chính chính phủ, cũng như đưa công nghệ trở nên phổ biến hơn tới từng doanh nghiệp và từng người dân.
Nhà máy mới này cũng là một phần trong kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất toàn thế giới của Intel. Từ nay đến cuối năm 2006, tập đoàn Intel có kế hoạch đầu tư hơn 6 tỷ USD trên toàn cầu.
Khi việc xây dựng nhà máy tại Việt Nam được hoàn tất, đây sẽ là nhà máy lắp ráp chip thứ 7 trong mạng lưới các nhà máy của Intel trên toàn cầu.Các nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip hiện có của Intel được đặt tại: Penang, Kulim (Malaysia), Cavite (Phillippines), Thành Đô và Thượng Hải (Trung Quốc), San Jose, Costa Rica.
Ông Craig Barrett trao quà lưu niệm cho Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh: Đặng Vỹ) |
Ngoài lý do đã công bố là Intel đánh giá cao tốc độ tăng trưởng và tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam, ông Craig Barrett, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intel khẳng định: "Cơ sở hạ tầng thuận lợi, nền tảng giáo dục tốt, lực lượng lao động năng động, chi phí sản xuất thấp và sự hỗ trợ tối đa của chính phủ chính là những nguyên nhân thúc đẩy Intel đầu tư vào Việt Nam".
"Ở VN tất cả nhân tố đó đều tốt, mọi thứ đang trong quá trình phát triển. Sự có mặt của chúng tôi tại Việt Nam sẽ kéo theo sự có mặt của nhiều nhà đầu tư khác. Thông thường, cùng với sự có mặt của Intel sẽ là các nhà cung cấp nằm trong quan hệ với chúng tôi". Ông Craig Barrett khẳng định.
-
Đông Quân - Đặng Vỹ
Nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip bán dẫn (Assembly & Test Manufacturing - ATM)) hoạt động thế nào? |
Quy trình Assembly/Test (A/T) là một khâu quan trọng của quá trình sản xuất trước khi các sản phẩm của Intel được phân phối tới tay người tiêu dùng. Được coi là một khâu sản xuất cần đến công nghệ cao (CNC) của toàn bộ quá trình sản xuất linh kiện phía trong của Intel, quy trình A/T bao gồm 3 giai đoạn: đóng gói, kiểm tra và giao hàng. Là khâu cuối cùng của quá trình sản xuất trước khi các sản phẩm của Intel đến tay người tiêu dùng, quy trình A/T là quy trình mang tính sống còn đối với sự thành công của chiến lược nền tảng của Intel. Nhà máy Assembly & Test (ATM) là nơi đóng gói các con chip do các nhà máy chế tạo chất bán dẫn sản xuất ra. (Những nhà máy này gọi là fabs). Từng con chip trên mỗi tấm wafer được tách riêng và xếp vào những bao gói bảo vệ, những bao gói đặc biệt này có những chân liên kết chip và các thiết bị khác. Các sản phẩm được đóng gói sau đó sẽ phải trải qua giai đoạn kiểm tra ứng suất (stress testing) và kiểm tra mức độ dò tĩnh điện (electrostatics dicharge levels). Sau khi kiểm tra xong, các sản phẩm này được phân loại vào thùng, sau đó được kiểm tra lần cuối trước khi đóng hộp và giao hàng. Các nhà máy Assembly & Test (ATM) của Intel hiện có tại Penang và Kulim, Malaysia; Cavite, Philippines; Thành đô và Thượng Hải, Trung Quốc; tại San Jose, Costa Rica, và vào năm 2008, tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. |