Hãng sản xuất chíp máy tính số một thế giới Intel hôm nay (28/2) sẽ chính thức nhận giấy phép dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chíp và linh kiện máy tính tại Khu công nghệ cao TP.HCM với tổng vốn đầu tư 605 triệu USD. Nhân sự kiện này, hãng thông tấn AFP đã có bài viết với nhan đề: "Intel bỏ phiếu tin tưởng cho Việt Nam". Dưới đây là nội dung lược dịch bài viết.
Mô hình nhà máy sản xuất chip của Intel sẽ xây dựng tại khu CNC thành phố HCM, trên 46,7 hecta đất. |
Sự kiện hãng sản xuất chíp máy tính khổng lồ của Hoa Kỳ Intel đầu tư 605 triệu USD vào Việt Nam sẽ tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho nỗ lực tiến lên của Việt Nam trên nấc thang kinh tế giá trị gia tăng. Đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam từ trước đến nay. Sự kiện này được xem như là một lá phiếu của Intel đặt niềm tin tuyệt đối vào Việt Nam. "Quyết định của Intel đầu tư vào Việt Nam như là một con tem vàng 24 cara thừa nhận Việt Nam như là một địa chỉ đầu tư của thế giới". Ông Walter Blocker, Chủ tịch phòng Thương mại Mỹ tại TP.HCM nói.
Việc Intel, công ty hàng đầu thế giới trong công nghệ chíp đã chọn Việt Nam, nền kinh tế đang tăng trưởng vững chắc ở mức 7-8% mỗi năm có thể đánh dấu một mốc son đáng nhớ đối với Việt Nam như một điểm đến mới đồng thời sẽ khuyến khích các nhà đầu tư khác noi theo. “Giờ đây các công ty Mỹ và công ty nước ngoài nói chung, sẽ hoàn toàn xem Việt Nam như một quốc gia nơi họ có thể đến để đầu tư cho công nghệ thông tin", Blocker nói. Với sự tiên phong của Intel, toàn bộ không gian về công nghệ thông tin sẽ mở ra cho quốc gia này, những nhà sản xuất phần cứng và phần mềm sẽ xem xét quan tâm hơn các cơ hội mà Việt Nam mời chào.
"Sự hiện diện của Intel là một dấu mốc về đầu tư công nghệ thông tin quan trọng đối với các nhà sản xuất phần cứng tại Việt Nam", Nguyễn Trung Chính, Tổng giám đốc CMC, một trong những nhà sản xuất máy tính lớn nhất tại Việt Nam nói. "Nó sẽ thu hút thêm nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam... Tôi hy vọng rằng nhờ khoản đầu tư này, Việt Nam sẽ trở thành một thị trường quan trọng cho sự phát triển của công nghệ thông tin như khu Penang của Malaysia... Những gì chúng tôi muốn không phải là 600 triệu đô la Mỹ, mà đó là cái tên Intel" - ông Chính nói.Việt Nam cũng dường như đang hy vọng vào tương lai của nền kinh tế dựa vào công nghệ cao, các ngành công nghiệp có hàm lượng giá trị cao thay vì dựa vào lợi thế nhân công rẻ như hiện nay. "Đây không chỉ là khoản đầu tư lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam mà còn là lớn nhất vào lĩnh vực mà Việt Nam đang đặt nhiều hy vọng", bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế nhận xét. Điều đó rất quan trọng trong việc kết nối Việt Nam với các nước trong vùng và thế giới. Nó sẽ giúp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới, bà Lan nói thêm.
"Không tại đâu ở Đông Nam Á có cơ hội tốt hơn cho các công ty CNTT như ở Việt Nam", Henry Nguyễn, Giám đốc điều hành một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam kết luận.
(Theo TNO/AFP)