(VietNamNet) - Bộ BCVT dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị "Chống tội phạm, trộm cắp cước viễn thông và gian lận thương mại trong ngành BCVT" vào tháng 4/2006.
Phương thức sử dụng VSAT cũng đã từng bị nhiều đối tượng trộm cước viễn thông quốc tế lợi dụng. (ảnh minh họa). |
Thành phần tham dự sẽ có lãnh đạo Bộ BCVT, các cơ quan đơn vị thuộc Bộ, Cục chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan và các đơn vị của Bộ Công an. Mục đích của Hội nghị nhằm nâng cao hơn nữa sự phối hợp giữa các doanh nghiệp viễn thông như: Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Viettel, SPT trong việc phổ biến các kinh nghiệm để cùng nhau ngăn chặn một cách hiệu quả nạn trộm cước dịch vụ viễn thông quốc tế.
Theo thanh tra Bộ BCVT, nạn trộm cắp cước viễn thông quốc tế đang là vấn đề rất nhức nhối của các nhà khai thác viễn thông Việt Nam, đặc biệt trước sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực Internet tốc độ cao ADSL. Thống kê cho hay, từ năm 1999 đến nay đã có trên 50 vụ thực hiện việc chuyển các cuộc gọi điện thoại từ nước ngoài vào trong nước không qua mạng viễn thông quốc tế của Việt Nam nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại kinh tế của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Đặc biệt, tại khu vực biên giới rất khó kiểm soát, Bộ BCVT khuyến cáo các đơn vị khai thác tiếp tục thực hiện các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để hạn chế vùng phủ sóng điện thoại di động sang phía biên giới.
Nếu như từ năm 1999 trở về trước, hiện tượng trộm cắp cước viễn thông chỉ đơn thuần mang tính chất cá nhân, chưa có tổ chức thì nay, hoạt động này đã trở nên bài bản hơn nhiều. Theo Ban Viễn thông-VNPT, có 4 biện pháp phát hiện dấu hiệu trộm cước và kinh doanh trái phép dịch vụ viễn thông đó là: doanh nghiệp phải lọc và phân tích số liệu cước gọi đi, gọi đến; qua việc thu cước và phát triển thuê bao bao; công tác hỗ trợ và chăm sóc khách hàng; nguồn tin từ khách hàng.
Việc phân tích số liệu được dựa trên mạng điện thoại cố định, ISDN, cityphone như: số máy có lưu lượng đột biến, lưu lượng lớn (trên 3.000 phút/tháng), cuộc gọi liên tiếp cả ngày lẫn đêm, số lượng máy bị gọi gần ngang bằng với số lượng cuộc gọi và hầu như không xuất hiện lưu lượng điện thoại quốc tế...
-
Hoàng Hùng