Năm 2006, thị trường viễn thông Việt Nam sẽ có những thay đổi gì và điều này có ảnh hưởng như thế nào đến quyền lợi của người tiêu dùng? Báo Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá về vấn đề này.
Bộ trưởng Đỗ Trung Tá: "Năm 2006 sẽ tiếp tục giảm cước điện thoại đường dài trong nước và quốc tế!". (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
- Ông có dự đoán gì về những lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin sẽ phát triển mạnh trong năm 2006?
- Theo tôi có 4 lĩnh vực sẽ phát triển mạnh trong năm 2006. Thứ nhất, năm 2006 sẽ là năm phát triển mạnh hơn của thông tin di động với sự tham gia của 2 thành viên mới là Hanoi Telecom và EVN Telecom. Các doanh nghiệp mới cũng như các doanh nghiệp cũ đều rất tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng và mạng lưới để đáp ứng nhu cầu về thông tin di động sẽ tăng trưởng rất mạnh trong năm 2006. Thứ hai, đó là sự phát triển mạnh mẽ của băng thông rộng (cả Internet và điện thoại di động). Thứ ba là sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông. Thứ tư là sự phát triển của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
- Như vậy, giá cước thông tin di động cũng như điện thoại cố định chắc chắn sẽ tiếp tục giảm trong năm 2006?
- Đúng vậy. Tuy nhiên, đối với điện thoại cố định thì cũng cần phân biệt rõ: cước điện thoại cố định nội hạt và cố định đường dài trong nước, quốc tế. Cước cố định nội hạt hiện nay là khá thấp, điều này được chứng minh bởi các khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới về việc phải nên tăng cước điện thoại cố định nội hạt. Tuy nhiên, việc phát triển các máy điện thoại cố định hiện nay lại nằm ở các vùng nông thôn, thu nhập người dân ở đây thấp nên việc tăng giá cước điện thoại nội hạt chưa được đặt ra. Đối với điện thoại đường dài trong nước và quốc tế thì trong năm 2006 sẽ tiếp tục giảm nữa.
* Các doanh nghiệp mới thì được giảm cước do không nắm thị phần khống chế nhưng phần lớn người tiêu dùng đang sử dụng dịch vụ của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Năm 2006, VNPT có được giảm cước điện thoại đường dài trong nước, quốc tế và được thay đổi cách tính cước theo block 6 giây như Viettel hay không?
- Các doanh nghiệp mới, đặc biệt là Viettel đã có sự phát triển khá mạnh mẽ, người tiêu dùng Việt Nam đã được hưởng các mức giá cước ưu đãi hơn. Năm 2006, khi các phương án thay đổi cách tính cước và giảm cước của VNPT được trình lên, Bộ BCVT sẽ ra quyết định. Các quyết định được đưa ra sẽ căn cứ vào lợi ích của người tiêu dùng trước tiên chứ không phải vì lợi ích của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ BCVT cũng phải cân nhắc thời điểm và mức độ bởi nếu cho VNPT giảm quá nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến cạnh tranh trên thị trường.
- Năm 2005, VNPT công bố đã phủ sóng điện thoại tới 100% các xã trên toàn quốc nhưng thực tế thì nhiều xã chỉ có thể lắp được 1 - 2 máy điện thoại. Bao giờ người dân ở các vùng sâu, vùng xa mới có thể lắp đặt máy điện thoại một cách dễ dàng?
- Đúng là tại hơn 100 xã vùng sâu, vùng xa cuối cùng, việc thực hiện mục tiêu 100% xã có điện thoại đã buộc VNPT phải sử dụng hệ thống điện thoại IP và dùng các trạm vệ tinh nhỏ nên số lượng máy điện thoại được lắp chưa nhiều. Tuy nhiên, ngành viễn thông đã có giải pháp cho vấn đề này. Các chuyên viên kỹ thuật sẽ lắp đặt các tổng đài chuyển mạch mềm (trong nước sản xuất được) và thêm thuê bao vệ tinh cho các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Làm được như vậy sẽ có thể kết nối thêm cho hàng trăm thuê bao tại một xã mà không cần cấp thêm tổng đài. Cách này là rẻ tiền nhất và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, để giải quyết tốt thì phải chờ đến tháng 6/2008 khi Việt Nam phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Vào lúc đó, chúng ta mới có thể tuyên bố viễn thông và Internet của Việt Nam không phụ thuộc vào khoảng cách và địa hình.
(Theo Thanh Niên)