221
2081
CNTT - Viễn thông
cntt
/cntt/
763714
Bây giờ còn ai viết thư tình...?
1
Article
null
Bây giờ còn ai viết thư tình...?
,

Những lá thư tình viết đi viết lại, "mang đến lại mang về" đã là chuyện của thập niên 1990 trở về trước. Thời @ thư tình đã chuyển sang khúc biến tấu khác... 

Thư tình “nhấn nút”

Lên mạng gõ phím bày tỏ nỗi lòng với người ấy là cách được nhiều bạn trẻ ngày nay chọn lựa thay cho viết thư tay - Ảnh: T.0.

Viết bằng bàn phím vừa nhanh vừa sạch sẽ, dễ đọc. Nhấn nút là đến người yêu ngay, khỏi cần phải bao thư, tem, ra bưu điện... Đặc biệt không còn dòng tái bút : “Chữ viết hơi xấu, đừng cười nha”. “Tụi mình ở xa, thay vì viết thư gửi bưu điện thì hẹn nhau lên mạng chat thú vị hơn. Đặc biệt có thêm webcam thấy mặt người yêu luôn” - Hiếu Nghĩa, SV cao đẳng sư phạm, nói về cách yêu của mình.

Nhiều thư tình của thế hệ 8X viết theo văn phong “mạng”, người lớn đọc chắc không hiểu nổi. Ví như: “Em iêu! Anh nhớ em wá”. “Những mối tình “thời điện tử” văn chương cũng nhanh lẹ và thiếu cái hồn của nó. Tuy con chữ rõ ràng, sạch sẽ, nhưng thú thật nội chuyện đọc phải tự bỏ dấu tiếng Việt nghiệm chữ vừa mất thời gian lại thấy tình cảm không dạt dào bằng viết tay” - Kim Hương, 34 tuổi, thú thật như vậy.

Ăn tết vô, mọi người thấy Nguyễn Trâm Anh (nhân viên văn phòng) mặt lúc nào cũng buồn rũ. Thì ra cô nàng đau khổ vì mặt trái của thư điện tử: “Anh ấy viết cho mình nhiều lắm, nhưng mình đã lỡ tay bấm nút xóa sạch trơn. Biết vậy mình in ra giấy cất lại”. Nhưng nút delete cũng đem lại một công hiệu xoa dịu nỗi đau nhanh cho những cuộc tình dang dở. Nghi Anh (19 tuổi) liến thoắng: “Hồi xưa, thấy chị tôi chia tay người yêu gói thư đem trả phát mệt. Trả rồi, nhận lại của mình, về mặt mày ủ dột. Có bữa chị khóc sướt mướt một mình bên đống thư. Còn tôi chỉ cần nhấn một cái là “dấu tích” cuộc tình tan biến chẳng còn chút vướng bận, sầu khổ”.

23 năm đưa thư, người bưu tá tên Nguyễn Phước Hồng (Bưu điện trung tâm Sài Gòn) đã là “nhịp cầu” nối những mối tình vượt không gian qua những cánh thư. “Nhiều lúc vừa gõ cửa, cô gái chạy ra nhận được thư mong đợi mừng hớn hở, rối rít cảm ơn, tôi thấy cũng vui lây” - bưu tá Hồng tâm tình. Dù địa chỉ ở TP có những khu như “ma trận”, người bưu tá ấy vẫn quyết tìm cho ra bởi lẽ nhiều cánh thư không chỉ có những dòng địa chỉ vô tri mà còn ghi vài câu thơ “Thư không cánh thư bay khắp nẻo, cảm ơn người vất vả đưa thư”.

Ông vẫn nhớ mối tình của người con gái ngày nào ở  phường Đa Kao, quận1, TP.HCM và người yêu phương xa. Ông thuộc lòng địa chỉ đó bởi góc bao thư bao giờ cũng có dòng chữ “phương xa”... Và ấn tượng hơn là lần nào ông cũng phải hổn hển leo lên lầu 4 của chung cư. Những cánh thư tình dù không lập trình nhưng thường đều đặn đến mức người bưu tá chỉ cần: “Nhìn vào nét chữ, trong đầu tôi biết ngay địa chỉ sẽ đến của nó! Ngày trước mỗi ngày tôi chỉ đưa 300 lá thư, đa số là thư tình cảm có thể là tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình... Còn bây giờ số lượng thư tăng hơn nhiều, nhưng hầu hết là thư thời công nghiệp như quảng cáo, báo tin, fax chuyển nhanh...” - ông kể như một nuối tiếc.

Báu vật của tình yêu

“Những dòng chữ viết tay tuy khó khăn mới viết ra được nhưng lại là kỷ niệm quí giá khiến người ta nhớ nhau nhiều nhất. Những lúc buồn, vui, lâu lâu mang ra đọc lại sẽ thấy yêu bạn đời mình nhiều hơn” - anh Thành Bỉ, Phòng văn hóa nghệ thuật Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, tâm sự. Cũng vì vậy mà bảy năm qua phụ trách lễ hội tình yêu dịp 14-2 nơi đây, trong chương trình anh đều thiết kế cuộc thi Viết thư tình.

“Số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước, lần gần đây nhất được hơn 1.000 lá. Có những lá thư viết rất xúc động, lãng mạn làm người chấm rơi nước mắt. Những bức thư hay nhất đều được đọc cho hàng ngàn bạn trẻ tham dự đêm hội cùng nghe” - anh bảo.

Người lính già Nguyễn Khắc Hy (nguyên phó tư lệnh bộ đội Trường Sơn)  mân mê gia tài quí giá nhất: cả trăm bức thư viết trên giấy pơluya mỏng tang của ông và vợ đã đi qua hai cuộc kháng chiến. Tất cả đều rất “tình” dẫu úa vàng theo thời gian.

Lá đầu tiên ông nắn nót viết dưới ngọn đèn dầu leo lét cả đêm 4-2-1952, khi mà: “Cô ấy tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Ông tiết lộ: “Khó nhất là tìm lời xưng hô, cuối cùng tôi dè chừng chọn chữ “o”. “O” theo tiếng miền Trung nghĩa là “cô”, nhưng “cô” ở đây rất thân thiện”. Ngóng chờ hơn 10 ngày chưa thấy rục rịch hồi âm, ông bước sang viết lá thứ hai, đánh bạo đổi chữ “o” thành “em”. Lời lẽ cũng mạnh dạn hơn: “Em Lan! Lan ở nhà anh đi nhe, hứa hẹn ngày về gặp nhau nhiều tươi vui. Tình yêu anh vẫn chân thành và nồng đượm thêm, anh tin nó sẽ được đáp lại với một tình yêu chính đáng như ý nghĩ của em”...”.

Cuối năm 1952 họ nên đôi vợ chồng. Thư viết cho nhau càng nhiều hơn, lời lẽ càng nồng nàn, da diết hơn vì mỗi người một nơi cách xa. Nơi mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Được xem thư của ông bà, chúng tôi phục nhất là sự gìn giữ cẩn trọng. Ông kể: “Có lúc phải nhờ mẹ giữ. Mỗi lần đi tránh bom, mẹ gói tất cả vào chiếc mo cau ôm bên người. Chúng tôi xem đó như báu vật của tình yêu thời chiến”.

Bước vào tuổi thất thập cổ lai hi, ông bà vẫn xưng hô anh anh em em ngọt xớt, bởi: “Mỗi lần đọc lại thư, thấy yêu nhiều hơn”. Thư của ông mặt trước, của bà đáp lại mặt sau, từng đôi một được ông cẩn thận dán lại để: “Khi đọc sẽ là một câu chuyện”. Ông bà cho biết: “Sẽ đóng lại thành mấy tập để lưu giữ tốt hơn”.

Tố Oanh - Kim Anh (Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,